2020 là năm khó khăn của toàn nền kinh tế. Cơ hội đầu tư của người dân vì thế cũng hạn chế hơn. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm liên tục sụt giảm khiến một dòng vốn không nhỏ đổ vào chứng khoán tìm kiếm lợi nhuận. Nhưng trong những ngày cuối năm, không ít nhà đầu tư vẫn tìm đến kênh “cổ điển” là gửi tiết kiệm để bảo toàn vốn.
Cuối năm, nhiều khách hàng lựa chọn gửi tiền tiết kiệm như một phương thức đầu tư an toàn và lên kế hoạch "săn" những ngân hàng có chương trình ưu đãi, vừa có lãi, vừa có quà. (Ảnh minh hoạ)
Ở thời điểm cuối năm, do nhận được lương thưởng cùng một lúc nên rất nhiều người dư dả hơn một chút. Vì vậy, các ngân hàng có mức lãi suất tiết kiệm cao được “săn đón”. Và không dễ để tìm các đơn vị này trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đi lùi rất nhiều.
Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước liên tục cắt giảm các mức lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn đã giảm từ 6,25% xuống 6% vào tháng 9/2019, xuống 5% vào th/2020, xuống 4,5% trong tháng 5/2020, xuống 4% vào cuối tháng 9/2020). Từ đó dẫn tới mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng giảm liên tục giảm và ghi nhận mức thấp nhất trong nhiều năm.
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, hiện lãi suất tiền gửi bằng VND phổ biến ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,2 - 3,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,0 - 6,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,6 - 6,8%/năm.
Lãi suất tại các ngân hàng quốc doanh và ngân hàng thương mại cổ phần có sự chênh lệch lớn. Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 3,8%/năm, cao nhất chỉ là 5,3% áp dụng cho các kỳ hạn dài.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có mức lãi cao hơn một chút 5,6%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng. Những khách hàng gửi tiết kiệm 6 tháng sẽ được nhận lãi 4%/năm. Đây cũng là chính sách lãi mà Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam (Agribank) áp dụng.
Trong nhóm “tứ đại gia ngân hàng”, ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) có mức lãi thấp nhất, chỉ 4,9%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Ở kỳ hạn ngắn, lãi suất dao động từ 3%/năm đến 3,7%/năm.
Các ngân hàng thương mại cổ phần có lãi suất cao hơn rất nhiều. Tại Phòng giao dịch Đội Cấn, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) niêm yết lãi suất ở mức 8,95%/năm. Với con số này, SHB đang là đơn vị có lãi suất cao nhất thị trường. Cách đây vài tháng, lãi suất tại SHB lên đến 9,4%/năm.
Đứng thứ hai sau SHB là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Hiện tại, Eximbank chưa thay đổi biểu lãi suất. Mức cao nhất tại ngân hàng này vẫn là 8,4%/năm ở kỳ hạn 13 tháng và 24 tháng. Tuy nhiên, để nhận được ưu đãi này, khách hàng phải gửi số tiền lên đến 500 tỷ đồng. Vì vậy, chắc chắn không nhiều khách hàng nhận được mức lãi cao này.
Ngoài ra, một số kỳ hạn khác tại Eximbank cũng có lãi cao: 7,2%/năm (12 tháng), 6,3%/năm (15 tháng và 18 tháng), 6,2%/năm (36 tháng)…
Trên website chính thức, Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCaptialBank), mức cao nhất chỉ là 6,8%/năm áp dụng cho kỳ hạn 60 tháng nhưng tại một số phòng giao dịch, khách hàng có thể nhận được tới 7,3%/năm (60 tháng).
Giống như Eximbank, ngoài kỳ hạn 60 tháng, khách hàng có thể gửi thời gian ngắn hơn nhưng vẫn có lãi suất cao. Các kỳ hạn dài 24, 36 và 48 tháng có lãi suất được áp dụng lần lượt là 6,8%/năm, 7%/năm và 7,1%/năm.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlonBank) “đồng hạng” lãi suất 7,1%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 13 tháng đến 60 tháng. Ở kỳ hạn 12 tháng, khách sẽ được nhận lãi suất 6,9%/năm.