Lâm Đồng là một trong những địa phương đang rơi vào "tâm bão" của cơn sốt đất. Qua thanh công cụ tìm kiếm trên google, chỉ cần gõ từ khoá "Lâm Đồng" lập tức cho ra hàng trăm nghìn kết quả liên quan đến rao bán đất.
Tuy nhiên, nếu đánh giá đúng bản chất, sốt đất tại địa phương này đang là “sốt ảo”, “giá trị ảo”.
"Hô biến" đồi cà phê thành sản phẩm đất nền
Việc sốt đất dẫn đến tình trạng nhiều đầu nậu ngang nhiên bao chiếm đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp để phân lô nhằm thu lợi. Những diện tích đất này thường được giao dịch cho khách hàng bằng hình thức "chỉ tay" mà không hề có bất cứ giấy tờ hợp pháp nào.
Bãi cà phê được Golden Group chào bán với tên gọi mĩ miều “Sản phẩm đất nền nghỉ dưỡng Golden Hillside”.
Điển hình, thời gian gần đây nhiều trang mạng liên tục đăng tải hình ảnh, thông tin mời chào khách hàng mua “Sản phẩm đất nền nghỉ dưỡng Golden Hillside”, tại xã Mê Linh (huyện Lâm Hà) theo hình thức như một dự án bài bản. "Sản phẩm" được giới thiệu do Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Golden Group (Golden Group) làm đơn vị phát triển.
Qua nhiều bài viết được đăng tải công khai trên trang Facebook cá nhân của ông Đặng Duy Trương - CEO Golden Group và nhiều nhân viên công ty thể hiện giỏ hàng “Sản phẩm đất nền nghỉ dưỡng Golden Hillside” được đơn vị bán gần hết, thu nhiều tỷ đồng từ khách hàng.
Tuy nhiên, ngày 12/4, theo quan sát của phóng viên, vị trí mà công ty giới thiệu là “Sản phẩm đất nền nghỉ dưỡng Golden Hillside” vẫn là bãi cà phê bạt ngàn, nằm vắt vẻo trên đỉnh đồi, không có dấu hiệu nào của một "sản phẩm" đã được tách thửa để bán nền.
Trong khi đó, trả lời VTC News, lãnh đạo UBND xã Mê Linh khẳng định, phần diện tích đất nói trên hiện vẫn là đất nông nghiệp, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng và không được phép tách thửa.
Để làm rõ sự việc, PV đã liên hệ ông Đặng Duy Trương. Tuy nhiên, sau nhiều ngày yêu cầu PV cung cấp giấy giới thiệu của cơ quan và công văn nội dung làm việc, ông Trương lại "bặt vô âm tín".
"Siết" tách thửa đất nông nghiệp
Trước tình trạng nhiều cá nhân, doanh nghiệp đứng ra "ôm" đồi trọc để phân lô, bán nền, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có chỉ đạo nóng để "siết" lại thị trường.
Cụ thể, trong văn bản 9410/UBND-ĐC, UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định, đối với thửa đất có mục đích sử dụng đất ghi trong Giấy chứng nhận là đất nông nghiệp (thuộc quy hoạch đất ở đô thị, đất ở nông thôn, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở hoặc đất nông nghiệp) thì diện tích đất tối thiểu để được tách thửa là 500m2. Thửa đất ở sau khi được tách thửa phải tiếp giáp đường.
Đánh lừa khách hàng bằng cách chào bán như một dự án bài bản, giỏ hàng "full" khách.
Còn theo văn bản mới nhất của Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, thì sở này, Sở TN&MT và Sở GTVT đã thống nhất hướng dẫn đối với việc hình thành đường giao thông mới để đủ điều kiện xem xét tách thửa: “Trường hợp hình thành đường giao thông mới để đủ điều kiện xem xét tách thửa thì chiều rộng mặt đường tối thiểu 5,5m (đối với khu vực đô thị), tối thiểu 7m (đối với khu vực nông thôn) và việc hình thành đường giao thông này phải được cấp thẩm quyền cho phép và nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng”.
Theo đó, khi cho mở đường cần phải xác định cả quy mô chiều rộng của lề đường và chiều rộng rãnh dẫn nước để xác định quy mô. Đối với các tuyến đường đã có trong quy hoạch thì sử dụng mặt cắt ngang theo quy hoạch giao thông để xác định.
Đặc biệt, tất cả các tuyến đường cho mở mới phải được đấu nối với hệ thống giao thông theo quy hoạch và được đầu tư hoàn thiện mặt đường, hệ thống thoát nước ngang và dọc. Riêng tuyến đường đô thị thì phải đầu tư bó vỉa. Sau khi nghiệm thu bàn giao cho phép quản lý đưa vào sử dụng, UBND cấp huyện có kế hoạch đầu tư các hạng mục còn lại như vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng và hệ thống cấp nước, thông tin liên lạc.