Giữa năm 2021, gói hỗ trợ khó khăn do COVID-19 trị giá 26.000 tỷ đồng được Chính phủ thông qua, trong đó 7.500 tỷ đồng dành cho DN, hộ kinh doanh. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều DN quảng cáo cho biết không dễ để tiếp cận được với các gói hỗ trợ này.
Doanh nghiệp than trời vì khó tiếp cận gói hỗ trợ
Bà Phạm Q. – Giám đốc Công ty hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo cho biết: Hiện tại DN cũng chưa tiếp cận được với những gói hỗ trợ của Chính phủ đưa ra. Nguyên nhân theo bà đưa ra là các chính sách, tiêu chuẩn để tiếp cận được gói hỗ trợ hơi cứng nhắc và thiếu linh hoạt, nên không phù hợp với DN, nhất là các DN nhỏ và siêu nhỏ.
Nhiều gói hỗ trợ được triển khai, song doanh nghiệp rất khó tiếp cận để vượt qua khó khăn do dịch COVID-19.
Chủ một hãng phim ngậm ngùi chia sẻ: "Chờ tiếp cận được gói vay 16.000 tỷ đồng, lãi suất 0% để cầm cự qua dịch thì chúng tôi chết rồi. Những điều kiện vay khó hơn lên trời, chưa kể nghịch lý là chỉ những doanh nghiệp phá sản mới vay được. Quá vô lý. Hỗ trợ là để doanh nghiệp sống sót qua đại dịch, nhưng đây lại đang làm khó dễ chính những doanh nghiệp cần hỗ trợ nhất".
Đánh giá về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, đại diện nhiều doanh nghiệp quảng cáo, truyền hình khi được hỏi cho rằng, dù điều kiện đã được nới lỏng hơn nhưng cần phải cụ thể hóa chính sách hơn nữa thì doanh nghiệp mới có thể tiếp cận được.
Ông Phạm T., Giám đốc một công ty truyền thông cho biết, từ khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay, DN của ông đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, trong đó các khoản đầu tư bị giãn tiến độ và buộc phải ngưng lại.
Nhiều mảng hoạt động của công ty cũng không mấy hiệu quả, các khoản đầu tư phục vụ hiện công ty đang phải thu xếp nguồn tiền để chi trả.
Chính vì vậy, ông rất trông chờ vào các gói hỗ trợ DN thời điểm này. Tuy nhiên, theo ông, gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng tuy điều kiện được nới lỏng hơn gói 62.000 tỷ đồng nhưng để đến được tay các DN cũng không phải đơn giản.
"Gói 62.000 tỷ đồng trước đó, số tiền lớn hơn nhiều so với gói này nhưng công ty tôi cũng như nhiều doanh nghiệp bạn bè không hề được tiếp cận. Vậy cơ hội của gói hỗ trợ lần này càng mong manh hơn", ông T. nói.
Ngoài ra, giống như gói 62.000 tỷ đồng trước đó, nếu không có bộ phận hỗ trợ, hướng dẫn thông tin và thủ tục cho DN thì sẽ rất khó để tiếp cận gói hỗ trợ mới này. “Doanh nghiệp nghe thông tin rồi không biết hỏi ai? Thuế là đơn vị quản lý trực tiếp của đơn vị tôi nhưng cũng không biết, hỏi ngân hàng cũng không có hướng dẫn cụ thể. Tóm lại là không có đầu mối tiếp nhận thông tin và hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn tìm hiểu rất mất thời gian, không có cơ quan giải đáp. Nhiều doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu”, ông chia sẻ.
Làm sao để 'phao cứu sinh' đến tay doanh nghiệp?
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, các gói hỗ trợ của Chính phủ thời gian qua có ý nghĩa tích cực đến tâm lý, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng các gói hỗ trợ này đưa ra các tiêu chuẩn quá cao, nên không phải DN nào cũng tiếp cận được, nhất là các DN quảng cáo, truyền hình thường có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, họ hạn chế về nhiều mặt so với các DN lớn, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đây là thời điểm mà các doanh nghiệp đang rất cần vốn, cần hỗ trợ để vực dậy sau khi bị COVID-19 tàn phá.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đánh giá, gói vay 16.000 tỷ đồng cho DN có thể coi là một thất bại trong việc thực hiện ý tưởng của Thủ tướng, mà trách nhiệm trực tiếp thuộc về các cơ quan thực thi, đề xuất.
“Họ đưa ra các điều kiện quá khắt khe. Các cơ quan đề xuất những điều kiện này cần phải xem xét thực sự nghiêm túc và rút kinh nghiệm. Khoảng cách giữa người thiết kế ra các tiêu chí đối với thực tế là rất xa nhau”, ông Doanh nói.
Theo ông Doanh, đây là thời điểm mà các DN đang rất cần vốn, cần hỗ trợ để vực dậy sau khi bị COVID-19 tàn phá. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng khiến cho DN đã khó lại càng khó hơn khi không thể tiếp cận được nguồn tiền mà đáng ra mình được hưởng.
"Liệu khi đưa ra những tiêu chí đó, cơ quan chức năng có trao đổi với doanh nghiệp hay không? Đây là việc làm cần rút kinh nghiệm mà cụ thể ở đây là Bộ LĐ-TB&XH cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc cho những lần tham mưu sau", ông Doanh nói.
Cùng quan điểm với chuyên gia Lê Đăng Doanh, ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cũng nhận định: “Về cơ bản, gói 62.000 tỷ nói chung và 16.000 tỷ nói riêng được triển khai quá chậm và đây cũng là bài học về cách thức thực thi. Chỉ tiêu được đặt ra quá ngặt nghèo, không phù hợp với thực tế tình hình của dịch bệnh khiến cho sự hỗ trợ khó đến được doanh nghiệp”.
Theo ông Thành, tiêu chí "doanh nghiệp đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 đến hết 30/6" là không hợp lý bởi như vậy gói vay này cũng chỉ hỗ trợ DN đã trả trước 50% lương tối thiểu trên mỗi lao động, tức khoảng 2 triệu đồng theo mức lương cơ bản. Đối với DN có từ 5-10 lao động thì số tiền được vay cũng chỉ là 10-20 triệu đồng. DN lớn hơn với khoảng 100 lao động thì số tiền vay cũng chỉ là 200 triệu đồng, trong khi đó thủ tục lòng vòng rất mất thời gian cũng khiến các DN chùn chân.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc rà soát, đánh giá lại hiệu quả của các gói hỗ trợ thời gian qua, từ đó đưa ra những gói khác phù hợp hơn trong thời gian tới.
Trên thực tế, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP vào ngày 19/4 về gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuế đất trong năm 2021. Nhưng để tháo gỡ khó khăn cho DN, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn cần tiếp tục có thêm gói an sinh xã hội, gói cho vay ưu đãi.
Và để tăng hiệu quả của các gói hỗ trợ, Chính phủ và các bộ, ngành cần thiết kế các gói hỗ trợ với những điều kiện linh hoạt hơn, để nhiều DN tiếp cận được với gói hỗ trợ.