Từ đầu năm đến nay, do tình hình dịch COVID -19 được kiểm soát cơ bản, cùng với việc tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân đạt tỷ lệ cao, nhiều hoạt động kinh tế-xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Các doanh nghiệp có tín hiệu phục hồi sau 2 năm bị ảnh hưởng từ dịch. Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty TienPhong Travel tin tưởng, việc đường bay quốc tế được mở lại và du lịch hoàn toàn mở cửa sẽ là tín hiệu tích cực với ngành để xác định lại chiến lược phát triển trong thời gian tới.
Việc hỗ trợ đầu tư vào dự án khả năng hấp thụ ngay, giúp nền kinh tế phục hồi và lan toả.
"Chính phủ đã mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ 15/3 vừa qua. Tuy chúng ta mở ra nhưng không phải đón được ngay một lượng khách, mà kỳ vọng hoạt động đó sẽ dần đần phục hồi. Do đó, doanh nghiệp bắt đầu từ bây giờ phải sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện tốt nhất trong tương lai. Cụ thể định vị lại cho kế hoạch kinh doanh sắp tới, đâu là những thị trường trọng điểm, những sản phẩm mà chúng ta xác định phát triển thời gian tới để triển khai. Từ đó, xác định là nguồn lực tài chính đầu tư như thế nào bao nhiêu cho phù hợp”, ông Phùng Xuân Khánh cho biết.
Mặc dù vậy, quá trình phục hồi của nền kinh tế năm 2022 còn nhiều thách thức khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, cùng với áp lực từ giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn ở mức cao. Điều này đang là gánh nặng cho doanh nghiệp khi bị đội lên các chi phí lưu thông, vận chuyển… khiến chi phí sản xuất tăng cao. Do đó, một trong các gói thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội 350.000 tỷ đồng được cộng đồng doanh nghiệp trông đợi là gói bù lãi suất 2%/năm với nguồn vốn lên tới gần 40.000 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Hảo, CLB doanh nhân nữ Hà Nội cho rằng, các chính sách tiền tệ thông qua điều hành về lãi suất, tỷ giá, tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ có những tác động lớn tới quá trình phục hồi và tăng trưởng trong những năm tới.
“Cần có những chính sách đặc thù với những đối tượng đặc thù, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh đang muốn phát triển thành doanh nghiệp. Cơ chế chính sách cởi mở hơn để có thể tiếp cận một cách nhanh nhất với các chương trình hỗ trợ của Chính phủ thì sớm mới có hiệu quả”, bà Nguyễn Thị Hảo đề nghị.
Cộng đồng doanh nghiệp đang rất kỳ vọng việc triển khai gói hỗ trợ sẽ được thực hiện nhanh chóng, thủ tục thuận lợi
Gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế 350.000 tỷ đồng có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Các giải pháp hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp với một loạt chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tháo gỡ điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng... sẽ có tác động trực tiếp và nhanh nhất tới cộng đồng doanh nhân.
Các chuyên gia kinh tế lưu ý, việc hỗ trợ đầu tư vào dự án khả năng hấp thụ ngay, giúp nền kinh tế phục hồi và lan toả. Điều này sẽ giúp tác động kép tới nền kinh tế. Cụ thể, chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) giúp người dân giảm chi phí khi mua sắm và kích cầu tiêu dùng. Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, chỉ cần tăng thêm 1 điểm % tiêu dùng sẽ giúp GDP tăng 0,12%. Chương trình này hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, có tiêu chí và thậm chí là có cả danh mục một số dự án cụ thể, hỗ trợ cả tổng cung lẫn tổng cầu.
“Chương trình về hỗ trợ để phục hồi nền kinh tế phải rõ trọng tâm trọng điểm và phải rõ địa chỉ, đó phải là những lĩnh vực chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh, nhưng có khả năng phục hồi, còn nếu không có khả năng phục hồi thì chắc phải chấp nhận chuyện phá sản, bởi đây là quá trình sàng lọc của thị trường. Thứ hai là, sau đây Chính phủ sẽ phải ban hành chương trình chi tiết và hướng dẫn rất cụ thể, xem là những lĩnh vực ngành nghề nào sẽ được ưu tiên, đối tượng chính để tiếp nhận. Chương trình hỗ trợ này có quá trình kiểm tra, giám sát và tăng cường hậu kiểm nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất”, ông Cấn Văn Lực nêu ý kiến.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về cơ bản, đến tháng 4 và tháng 5 có thể triển khai được gói hỗ trợ về đầu tư công thuộc Chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng. Riêng với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xác định doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nghề nhất định để được hỗ trợ; trong đó, có nhóm doanh nghiệp hỗ trợ phục hồi và nhóm doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển cho tương lai như: công nghệ thông tin, công nghệ số. Do đó, được sớm tiếp cận vốn giá rẻ và đổ vốn vào phát triển hạ tầng tạo động lực cho nền kinh tế là kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với việc triển khai gói hỗ trợ này.