Tổ công tác đặc biệt sẽ tập trung giải quyết các vấn đề thiếu hụt dòng tiền, giá thành sản xuất hàng hóa tăng, lưu thông hàng hóa khó khăn, tình trạng dịch bùng phát tại các khu công nghiệp, việc tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái sẽ làm tổ trưởng tổ công tác đặc biệt. 3 tổ phó là bộ trưởng các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - thương binh và xã hội. Nhiệm vụ của tổ là giúp Thủ tướng giải quyết hàng loạt khó khăn mà người dân, doanh nghiệp gặp phải do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Tại Tờ trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Trong 7 tháng đầu năm 2021, có tới 79.673 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đề xuất thành lập tổ công tác đặc biệt để gỡ khó cho doanh nghiệp. (Ảnh minh họa).
Điều đáng lưu ý là nhiều doanh nghiệp lớn cũng đang rút lui khỏi thị trường. Trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có quy mô vốn 20-50 tỉ đồng tăng 45,3%, quy mô vốn 50-100 tỉ đồng rút lui tăng 23,4%, quy mô vốn trên 100 tỉ đồng rút lui tăng 32,3%.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 5 nhóm khó khăn lớn mà người dân, các doanh nghiệp phải đối mặt do tác động của dịch bệnh cần lập tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng để giải quyết.
Đó là sự thiếu hụt dòng tiền. Hiện hầu hết các doanh nghiệp, hiệp hội đều phản ảnh do nhu cầu thị trường, đơn hàng, doanh thu đều sụt giảm mạnh, dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng khiến doanh nghiệp gặp khó trong chi trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn cho người lao động.
Các doanh nghiệp cũng gặp khó trong trả lãi vay ngân hàng, nợ xấu tăng, khó tiếp cận khoản vay mới, gánh nặng chi phí thuê mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng trong thời gian tạm ngưng hoạt động.
Nhóm khó khăn thứ 2 là giá thành sản xuất hàng hóa tăng do chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng trong khi giá bán giảm.
Ngoài ra, sự lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh khó khăn do phương án kiểm soát phòng dịch không thống nhất trên cả nước. Hoạt động vận tải hàng hóa hết sức căng thẳng trong thời gian qua, đặc biệt trên các tuyến ra cảng biển.
Tình trạng dịch COVID-19 bùng phát tại các khu, cụm công nghiệp chưa có giải pháp, chính sách phòng, chống dịch hợp lý, hiệu quả hoặc áp dụng cứng nhắc tại một số địa phương khiến nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn, hàng trăm ngàn lao động phải tạm dừng sản xuất, gây thiệt hại lớn.
Nhóm khó khăn thứ 5 mà doanh nghiệp, người dân đang đối mặt cần giải pháp tháo gỡ là việc tiếp nhận các gói hỗ trợ của Chính phủ còn khó khăn. Điều kiện tiếp nhận một số chính sách hỗ trợ quá chặt chẽ, công tác xác lập hồ sơ hỗ trợ, chi trả cho người dân bị ảnh hưởng còn chậm.