Cầm cự qua dịch
Dịch bệnh lần thứ tư tái bùng phát ngay tại thời điểm khởi động mùa cao điểm du lịch hè đã trở thành một đòn giáng mạnh vào ngành nghỉ dưỡng, vốn đã gặp nhiều khó khăn. Nhiều kế hoạch du lịch bị trì hoãn và ngành kinh doanh khách sạn vì thế gặp nhiều khó khăn hơn.
Trong bối cảnh hiện nay, các khách sạn, kể cả khách sạn 5 sao, đang tìm mọi cách để có doanh thu. Sofitel Legend Metropole Hanoi liên tục giới thiệu về dịch vụ bán mang đi và giao hàng tận nhà. Những món ăn mà khách sạn này phục vụ khá đầy đủ và đa dạng, từ món khai vị, súp đến thịt, cá, món cho người ăn chay, các loại rượu, nước uống...
Tương tự, JW Marriott Hanoi cũng cung cấp dịch vụ JW Takeaway, trong khoảng thời gian từ 7 đến 22h30 mỗi ngày. Giá trị đơn hàng tối thiểu phải đạt 750.000 đồng, miễn phí giao hàng trong phạm vi 5km. Thực đơn bán mang về và giao tận nhà này vẫn bao gồm nhiều món ăn và thức uống nổi tiếng của JW Marriott, phù hợp để vận chuyển mà không ảnh hưởng đến hương vị. InterContinental Hanoi Landmark72 cũng giao tận nhà đồ ăn theo thực đơn với những khách hàng có nhu cầu.
Khách sạn 5 bán đồ ăn cho khách tận nhà. (Ảnh: H.Nam)
Sheraton Saigon Hotel lần đầu tiên còn mở thêm các lớp dạy nấu ăn cho trẻ em từ 5 đến 16 tuổi, được hướng dẫn bởi chính những đầu bếp chuyên nghiệp của khách sạn. Mỗi lớp học này chỉ cho phép số lượng học sinh tham gia từ 4-6 bé, với học phí khoảng 450.000 đồng/bé/lớp.
Các khách sạn cũng linh hoạt trong việc cho thuê. Khách sạn Metropole Hà Nội giới thiệu gói nghỉ dưỡng trong ngày. Với chi phí khoảng 1,3 triệu đồng/phòng, khách sẽ có thời gian lưu trú 8 tiếng (lựa chọn trong khoảng thời gian từ 8h00 sáng đến 8h00 giờ tối), miễn phí sử dụng Wifi, hồ bơi và câu lạc bộ thể thao.
InterContinental Hanoi Landmark72 còn cung cấp dịch vụ làm việc tại khách sạn dành cho các khách hàng với mức giá khoảng 1 triệu đồng. Khách sạn sẽ cung cấp môi trường làm việc riêng tư, các cuộc họp trực tuyến và các tiện ích khác.
Bên cạnh đó, các khách sạn đưa ra những chương trình ưu đãi như cung cấp các gói dịch vụ hấp dẫn, miễn phí các dịch vụ như ăn uống, vận chuyển, nhằm thu hút khách du lịch trong nước.
Chịu lỗ tiền tỷ
Đại diện một khách sạn cho hay, họ phải chịu lỗ 2-4 tỷ đồng/tháng để duy trì mở cửa. Để bù đắp cho khoản doanh thu giảm, các đơn vị quản lý đang thực hiện các biện pháp cắt giảm nhân sự tạm thời hoặc luân phiên ca làm việc. Một số khách sạn đã cắt giảm hơn 50% nhân viên. Có khách sạn thậm chí quyết định đóng cửa tạm thời cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills, cho biết, 2020 là năm "thê thảm" của phân khúc khách sạn tại Hà Nội. Nửa đầu năm 2020, vì dịch COVID-19, các khách sạn dường như đóng băng. Nửa sau năm 2020, các khách sạn tự chuyển hướng phục vụ khách nội địa nên có sự tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, bà Hẳng cũng thẳng thắn nhìn nhận, công suất phòng khách sạn Hà Nội thấp nhất 15 năm qua và giá thấp nhất trong vòng 5 năm.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhu cầu du lịch trong nước chắc chắn sẽ giảm mạnh và khách du lịch nội địa cũng dè dặt hơn do những lo ngại leo thang về nguy cơ bùng phát dịch bất cứ lúc nào. Sự phục hồi ở phân khúc khách quốc tế cũng sẽ mất nhiều thời gian hơn, do Việt Nam sẽ tiếp tục trì hoãn việc nối lại các chuyến bay quốc tế, và tâm lý tránh du lịch nước ngoài khi dịch vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn, việc giảm giá phòng và kết hợp nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn được xem là chiến lược tốt giúp các cơ sở lưu trú nâng cao khả năng cạnh tranh nhằm đón đầu sự phục hồi của thị trường du lịch trong thời gian tới.
"Bất ngờ" hơn cả khi trong lần bùng phát dịch lần này, vài khách sạn đã đưa ra thông báo khách lưu trú cần xuất trình giấy xác nhận âm tính với COVID-19 để có thể sử dụng dịch vụ. Đây là điều chưa có tiền lệ trước đó với mục đích nhằm đảm bảo yếu tố an toàn cũng như giảm thiểu rủi ro bị phong tỏa, cách ly.
Lạc quan về thị trường, ông Troy Griffiths, Phó TGĐ Saivlls Việt Nam, nhận định, khách sạn là ngành đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng cũng là ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất. Nguồn khách du lịch nội địa sẽ giúp thúc đẩy công suất thị trường tăng lên. Việt Nam may mắn có khả năng phục hồi nhanh.