Trong tuyên bố đưa ra hôm 31/3, nhà mốt Thụy Điển nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc, đồng thời cho biết đang nghiên cứu các chiến lược để tìm nguồn cung ứng nguyên liệu.
“Trung Quốc là một thị trường rất quan trọng đối với chúng tôi và cam kết lâu dài của chúng tôi đối với đất nước này vẫn mạnh mẽ", tuyên bố nêu rõ.
H&M cũng khẳng định họ sẽ đóng góp vào nỗ lực chung nhằm phát triển ngành công nghiệp thời trang cũng như phục vụ khách hàng thông qua việc phối hợp với đối tác và các bên liên quan.
Tuyên bố không hề nhắc tới vấn đề bông Tân Cương - vốn là nguyên nhân dẫn tới làn sóng tẩy chay H&M dữ dội tại Trung Quốc.
H&M nói muốn lấy lại niềm tin từ người tiêu dùng Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Tuần trước, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đăng tải các bài viết phản đối H&M sau khi thương hiệu thời trang này tuyên bố ngừng làm việc với các nhà máy sản xuất hàng may mặc ở Tân Cương và không mua bông sản xuất ở khu tự trị này.
H&M nhấn mạnh mục đích của họ là ủng hộ tất cả người nông dân trên thế giới có thể tiếp tục áp dụng phương thức gieo trồng bông, bảo vệ sức lao động của người nông dân.
"Kiếm nhiều tiền ở Trung Quốc nhưng lại cố tình vu khống và bôi nhọ Trung Quốc, những doanh nghiệp như thế này không có đạo đức kinh doanh và đi quá giới hạn", Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) viết trên tài khoản Weibo. Đi kèm là hashtag kêu gọi tẩy chay H&M và gỡ bỏ sản phẩm của nhà mốt này trên các sàn thương mại điện tử.
Cư dân mạng Trung Quốc chia sẻ chóng mặt hashtag này và kêu gọi cần có hành động để trừng phạt H&M.
Trong suốt một tuần qua, H&M chịu thiệt hại nặng nề sau khi các sản phẩm của thương hiệu này bị xóa khỏi tất cả các sàn giao dịch thương mại lớn của Trung Quốc. Một số cửa hàng của hãng cũng bị yêu cầu đóng cửa.