(VTC News) - Giống lúa CXT30 được đông đảo người dân biết đến với các ưu điểm nổi trội: Có thời gian sinh trưởng cực ngắn ngày, có năng suất cao, chất lượng tốt, ít nhiễm sâu bệnh hại, thích ứng rộng.
Từ lâu trên thế giới đã biết đến Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Thái Lan. Nhìn chung có thể thấy, nghề trồng lúa gạo được xem là nghề sống chính của hơn 70% dân số sống ở các vùng nông thôn nước ta.
Nhờ việc liên tục nghiên cứu các giống lúa mới, ngắn ngày và áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến nên sản lượng lúa của Việt Nam đã liên tục tăng trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất từ 1990 đến nay.
Phóng viên Báo điện tử VTC News đã có cuộc phỏng vấn với đại diện nhóm tác giả, ThS. Nguyễn Thị Tuyết, Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam để tìm hiểu rõ hơn về giống lúa đặc biệt này.
- Điều gì đã thôi thúc chị và các cộng sự nghiên cứu và cho ra đời giống lúa CXT 30?
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều giống lúa khác nhau, tuy nhiên đa phần đều có các đặc điểm chung là: Giống ngắn ngày thì năng suất thấp; Giống năng suất cao thì chất lượng thấp; Giống chất lượng ngon thì dài ngày và năng suất thấp, tính chống chịu không cao, tính thích ứng hẹp với từng tiểu vùng sinh thái...
Mặc dù có hàng trăm loại giống khác nhau nhưng khi có đơn đặt hàng lớn đòi hỏi một loại gạo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu lại không đáp ứng được, dẫn đến giá trị xuất khẩu thấp.
ThS. Nguyễn Thị Tuyết, Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam |
Nguyên nhân chính là chưa có giống có tính thích ứng rộng trên các tiểu vùng sinh thái khác nhau nên nhiều doanh nghiệp nông nghiệp chưa dám đầu tư phát triển với quy mô lớn mà người nông dân đang phải tự loay hoay với quy mô sản xuất nhỏ, nên họ ít quan tâm tới việc áp dụng khoa học để tăng năng suất, chất lượng, dẫn đến giống lúa gạo bị nhiễm sâu bệnh nặng khi sản xuất đại trà.
Không những vậy, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học ngày càng nhiều làm cho đất đai ngày càng thoái hóa bạc màu. Chi phí nhân công nhiều dẫn đến giá thành sản xuất cao, lợi nhuận thấp nên nông dân bỏ nghề trồng lúa ngày càng nhiều. Điều này làm cho thu nhập của người nông dân trồng lúa chỉ đủ ăn mà không giàu lên được.
Từ thực trạng đó, tôi và PGS.TS – AHLĐ Tạ Minh Sơn đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu từ năm 2008 để chọn lọc và lai tạo giống lúa CXT30.
- Thưa chị, ưu điểm của giống lúa CXT 30 so với những giống lúa khác hiện nay thế nào? Lợi ích mà giống lúa mang lại cho cộng đồng là gì?
Giống CXT30 cho năng suất rất cao (9 - 10 tấn/ha-vụ), thời gian sinh trưởng lại ngắn (93-95 ngày), ổn định qua các mùa vụ ở các tiểu vùng sinh thái khác nhau, kháng cao với một số bệnh chính như đạo ôn, khô vằn, rầy nâu, bạc lá, cây khá cứng, chống đổ và chịu nóng, chịu rét khá, chống chịu tốt với các điều kiện bất lợi như chịu mặn, chịu phèn, khả năng thích ứng rộng với các tiểu vùng sinh thái khác nhau trên phạm vi cả nước, từ ĐBSCL, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ đến các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh Miền núi phía Bắc.
Ngoài khả năng thâm canh để đạt năng suất cao, giống lúa CXT30 còn có khả năng tái sinh (để chét) khỏe, nên thích hợp với việc phát triển lúa chét thay cây vụ Đông ở các vùng có điều kiện khắc nghiệt như đất còn nước, chân vàn thấp, vàn trũng, nơi trũng không làm được cây màu vụ Đông.
Giống lúa CXT30 đã mang lại lợi ích cộng hưởng cao cho cộng đồng, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển nền nông nghiệp chuỗi giá trị hữu cơ bền vững.
- Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình nghiên cứu và triển khai thử nghiệm giống lúa CXT 30 của chị và các cộng sự là gì?
Một số thuận lợi đó là, nhóm tác giả là những người có kinh nghiệm lâu năm trong việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chuyên sâu, thành công trong lĩnh vực chọn tạo giống lúa thuần phục vụ sản xuất; chúng tôi luôn bám sát yêu cầu đòi hỏi của thị trường, và theo định hướng phát triển sản phẩm của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Ngoài ra, trong quá trình thử nghiệm, chúng tôi luôn nhận được sự hưởng ứng và hợp tác tích cực của các cơ quan Ban/ngành, các Viện, Trường …và đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của bà con nông dân trên phạm vị toàn quốc.
Bên cạnh những thuận lợi trên, chúng tôi cũng gặp khó khăn khá lớn đó là: Hoàn toàn phải tự bỏ chi phí nghiên cứu và khảo nghiệm, thử nghiệm trên các tiểu vùng sinh thái khác nhau, chi phí khá lớn nên chúng tôi vô cùng khó khăn để mở rộng sản xuất nhanh, đáp ứng đòi hỏi phát triển sản phẩm.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đây là một giống lúa quý bởi những ưu điểm nổi trội của nó, nên bước đầu tuy có gian nan, vất vả nhưng trong thời gian tới đây, giống lúa sẽ được công nhận là giống quốc gia để sản xuất đại trà phục vụ tiêu dùng nội địa, vừa góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nòi giống Việt đồng thời có thể đem lại lợi ích kinh tế cao cả trong và ngoài nước.
- Xin chị hãy tiết lộ bí quyết để chị có được những thành công như hiện nay?
Tôi luôn đặt mục tiêu, xác lập kế hoạch chi tiết để vượt qua tất cả mọi khó khăn, rào cản, chinh phục mục tiêu mà mình đã chọn.
Đối tượng mà mình nghĩ đến trước hết là bà con nông dân, làm cách nào để giúp được bà con nông dân đỡ khổ vì mất mùa? vì hàng ngày phải tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật ? đó là những trăn trở, những băn khoăn làm cho mình phải không ngừng học hỏi, không ngừng tìm tòi giải pháp và không ngừng đi khắp mọi nẻo đường, mọi vùng sinh thái để thử nghiệm, khảo nghiệm, sản xuất thử ...
Khi bà con nông dân được mùa liên tiếp đó là động lực cho mình tiếp tục đi nhiều hơn trên mọi miền tổ quốc để chia sẻ; để hướng dẫn; để tập huấn cho bà con áp dụng kỹ thuật tiến bộ; áp dụng giống mới vào sản xuất; kỹ năng khai thác hiệu suất sử dụng đất để tăng giá trị sản lượng cao cho giống lúa.
Tôi tin rằng, trong hiện tại và tương lai, giống lúa CXT30 sẽ góp phần tạo ra chuỗi giá trị cao, đem lại sự an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng góp phần phát triển nền nông nghiệp hữu cơ bền vững.
Xin cảm ơn chị về cuộc phỏng vấn này!
Mai Lan