Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương: Không để lọt người chạy chức, chạy quyền, tham vọng cá nhân

Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình cho biết việc giới thiệu nhân sự cho quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương lần này đảm bảo không để những người thiếu tiêu chuẩn, chạy chức, chạy quyền lọt vào Ban Chấp hành Trung ương.

Trao đổi về Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 9 diễn ra ở Hà Nội vào đầu tuần này, ngày 23/12, trả lời trên Thời sự VTV lúc 19h, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức Trung ương cho biết, việc giới thiệu nhân sự cho quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương lần này đã được các cấp ủy thực hiện theo một quy trình mới, chặt chẽ, đảm bảo không để những người thiếu tiêu chuẩn, cơ hội chính trị lọt vào Ban chấp hành Trung ương.

Phê duyệt quy hoạch nhân sự theo quy trình 5 bước

Theo Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức Trung ương, để chuẩn bị cho công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược 2021-2026, Bộ chính trị khóa XII đã ban hành Kế hoạch số 11, trong đó có một số nội dung đổi mới căn bản.

Theo đó, việc xây dựng quy hoạch cấp chiến lược của Trung ương Đảng phải gắn chặt chẽ với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác nhân sự của mỗi nhiệm kỳ đại hội toàn quốc của Đảng.

"Bộ chính trị khóa XII xác định cần tập trung lãnh đạo xây dựng quy hoạch cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026 theo phương châm "làm từng bước, làm đến đâu chắc đến đó" với lộ trình cụ thể: Quy hoạch Ban chấp hành Trung ương trình Hội nghị Trung ương 9, sau đó tiến hành quy hoạch Bộ chính trị, Ban bí thư theo kế hoạch" - ông Bình nói.

 Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình. (Ảnh: Ban Kinh tế Trung ương)

Ông Bình cho biết thêm, việc quy hoạch nhân sự được đổi mới theo quy trình, cách làm trên cơ sở tiếp tục mở rộng dân chủ, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trực tiếp của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cấp trong việc xem xét, phát hiện, giới thiệu nhân sự của địa phương, cơ quan, đơn vị mình vào quy hoạch cấp chiến lược.

Đồng thời, quy trình phát hiện, giới thiệu nhân sự quy hoạch ở địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện theo 4 bước. Quy trình rà soát, thẩm tra, phê duyệt quy hoạch ở Trung ương thực hiện theo 5 bước.

Không để người cơ hội chính trị lọt vào Trung ương

Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức Trung ương cho rằng, để có đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ thì việc giới thiệu nhân sự lần này phải coi trọng tiêu chuẩn, bản lĩnh chính trị, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, sự gương mẫu của bản thân gia đình, năng lực công tác gắn với kết quả công tác, phải có sản phẩm cụ thể ở lĩnh vực, ở địa bàn được phân công phụ trách và phải có hoài bão, khát vọng đổi mới và luôn giữ vững nguyên tắc.

Bên cạnh đó, việc giới thiệu nhân sự lần này tập trung phát huy tính dân chủ trong việc xem xét quyết định nhân sự quy hoạch, không vì số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn, cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát. Không để lọt những người có một trong các hạn chế khuyết điểm vào quy hoạch cấp chiến lược.

Ví dụ: Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tự diễn biến tự chuyển hóa; cơ hội chính trị; xu nịnh; chạy chức, chạy quyền; tham vọng cá nhân; không trong sáng; gia đình không gương mẫu chấp hành chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước...

Nói về việc đánh giá bước đầu của Ban tổ chức Trung ương về các nhân sự, ông Nguyễn Thanh Bình cho hay: "Cơ bản các cấp ủy, các tổ chức Đảng, cũng như tập thể lãnh đạo các cơ quan đơn vị đã thực hiện hết sức nghiêm túc kế hoạch 11 của Bộ Chính trị. Đồng thời, tạo ra được không khí phấn khởi, trách nhiệm, đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị.

Nhìn chung, kết quả giới thiệu nhân sự quy hoạch cơ bản đã đạt được những yêu cầu đề ra. Bước đầu, khắc phục được hiện tượng chạy quy hoạch, vận động hay xin để được giới thiệu thông qua quen biết... Đây có thể nói là từng bước khắc phục để có thể thực hiện tốt việc quy hoạch đảm bảo chất lượng đảm bảo yêu cầu". 

 

Tùng Lâm

Tin mới