Gần tới giờ vào sân, hai người phụ nữ mặc áo màu xanh hải quân xuất hiện. Trên tay một người là tấm biển “FIFA VIPs”, người kia là “FIFA VVIPs”. Họ có nhiệm vụ hướng dẫn khách. Vài phút sau, một cặp đôi ăn mặc sang trọng tới nhận vé. Người phụ nữ nhìn vào tấm vé và tỏ vẻ không vui.
“Chỉ là VIP”, cô khẽ nói.
Có lẽ cô gái đó có lý do để phàn nàn, bởi khách VVIP được hộ tống vào sân bằng một đội xe SUV màu đen, còn khách VIP thì phải đi xe bus.
Khu vực VIP không phải là điều gì xa lạ tại các sự kiện thể thao quốc tế. Đó là nơi dành cho các yếu nhân và khán giả giàu có, sẵn sàng bỏ nhiều tiền để tận hưởng những dịch vụ chất lượng cao hơn hẳn người xem thông thường.
Dĩ nhiên các SVĐ phục vụ cho World Cup 2022 tại Qatar cũng không ngoại lệ. Khu VIP tại đây được trải thảm đỏ và quây quanh bởi hàng rào dây nhung, khiến những khán giả bình thường không khỏi tò mò pha chút ghen tị.
Khu vực VIP tại các SVĐ Qatar có thể khiến khán giả thông thường phải ghen tị (Ảnh: New York Times)
Nhưng, tại một đất nước giàu có như Qatar, khái niệm VIP dường như chưa đủ sang chảnh. Do đó chủ nhà của World Cup 2022 còn tiến lên một nấc thang cao hơn về sự xa hoa, đó là khu vực dành cho những khán giả “siêu VIP” (VVIP).
Họ là những nhân vật cực kỳ quan trọng như Emir (Tiểu vương) của các quốc gia Trung Đông. Họ tới sân bằng trực thăng cá nhân, sau đó lập tức bước lên một chiếc Mercedes siêu sang để đi thẳng tới khu vực đặc biệt dành cho riêng mình, tách biệt hẳn khỏi đám đông CĐV.
Nhìn chung, hầu hết SVĐ đủ tiêu chuẩn đăng cai World Cup đều phải có một hệ thống dịch vụ hạng sang để phục vụ những khách hàng đặc biệt như phòng tiếp khách hạng thương gia, thang máy riêng, phòng nghỉ riêng và vị trí ngồi đặc biệt với mức giá cao tới khó tin. Tuy nhiên Qatar – chủ nhà của World Cup 2022 – đã đưa khái niệm sang trọng lên một tầm cao mới.
Sự khác biệt đầu tiên giữa khán giả bình thường và VVIP chính là đồ uống. Trước khi World Cup 2022 khởi tranh, chủ nhà Qatar đã khuyến cáo CĐV không được sử dụng bia rượu ở khu vực SVĐ, tuy nhiên quy định đó lại không được áp dụng tại các khu vực dành cho khách VIP và VVIP.
Ví dụ, menu đồ uống được phục vụ trong trận đấu giữa ĐT Anh và ĐT Mỹ tại khu vực riêng của SVĐ Al Bayt có tên đủ loại rượu đắt tiền, từ sâm panh, whisky, brandy và cả tequila. Giá vé vào khu vực này là 3.000 USD.
“Bạn không được sử dụng đồ uống có cồn ở khu vực sân bóng, vì thế dịch vụ ở khu vực này thực sự là cực kỳ tiện lợi”, Keemya Najmi – một khán giả người Mỹ có vé vào khu vực VIP nói.
Khán giả thông thường không được dùng đồ uống có cồn trong khu vực SVĐ, nhưng khu VIP và VVIP thì khác (Ảnh: New York Times)
Ngoài ra, những khán giả ở khu vực riêng này còn nhận được rất nhiều ưu đãi mà CĐV bình thường không có: Ngay ở khu vực check-in, họ sẽ nhận được một túi quà nhỏ cùng tấm vé đặc biệt. Sau đó, nhân viên check-in sẽ mời họ một thức uống được pha chế từ loại rau mùi đặc biệt.
Phía trong khu vực này là một bàn tiệc khai vị với đủ loại hạt, chà là, bỏng ngô và khoai tây chiên. Các món chính cũng có vô cùng thịnh soạn với những món ăn như bít tết cá ngừ, vai cừu nấu nhừ, các món nướng được cắt lát công phu cùng phần tráng miệng gồm 6 món tự chọn. Chưa kể, một ban nhạc sẽ phục vụ mọi bản nhạc mà khách yêu cầu, không bị giới hạn bởi vấn đề văn hóa.
Ngay từ trước khi World Cup 2022 khởi tranh, ban tổ chức giải đấu đã công bố 5 cấp độ VIP – tương ứng với 5 gói dịch vụ khác nhau. Với gói thấp nhất giá 950 USD/trận, khán giả sẽ được phục vụ các món ăn theo phong cách đường phố, cùng bia và rượu.
Trong khi đó, gói dịch vụ có giá trị cao nhất lên tới 5.000 USD/trận, khán giả chịu chi sẽ được ở phòng riêng, thưởng thức những món ăn và đồ uống do đầu bếp và chuyên gia pha chế chuẩn bị riêng cho mình, đồng thời được gặp mặt những người nổi tiếng. Tuy nhiên thông tin cụ thể chỉ được ban tổ chức tiết lộ riêng cho khách hàng.
Tuy nhiên gói dịch vụ đắt nhất tại World Cup 2022 nằm ở Pearl Lounge nằm ngay phía trên SVĐ Lusail. Theo lời một vị khách giấu tên, khách hàng tại khu vực này sẽ nhận được một món quà kỷ niệm đặc biệt là gói dịch vụ gồm phòng riêng trong khu vực hạng sang ở SVĐ Al Bayt với đầy đủ tiện nghi như giường ngủ tự gấp gọn, phòng tắm với trang thiết bị hiện đại nhất.
Giá vé để vào khu Pearl Lounge thấp nhất là 4.950 USD/trận, và sẽ tăng cao hơn nếu khán giả muốn theo dõi các trận đấu tại vòng knock-out.
Việc phân loại khách VIP và VVIP ra sao là chủ đề mà nhiều CĐV tại World Cup 2022 thắc mắc (Ảnh: New York Times)
Tuy nhiên vấn đề đang gây tranh cãi là phải chăng khán giả chỉ cần bỏ nhiều tiền thì được xem là VIP, hay ban tổ chức còn có tiêu chí phân loại nào khác. Một nhân viên hậu cần người Qatar giấu tên cho biết, đôi khi có quá nhiều VIP trong các sự kiện có mặt chủ nhà Qatar nên rốt cuộc Ban tổ chức đã phải tạo ra một cấp độ hoàn toàn mới: V.V.V.I.P.
“Khán giả VIP thường là những người thuộc lĩnh vực ngân hàng hoặc kinh doanh, còn VVIP là Quốc vương và những người thân cận như thành viên Hoàng gia, cùng với các quan chức cấp cao của nước ngoài”, một nhà báo người Ả Rập Xê Út nói.
Nhà báo này khẳng định một trong những VVIP là Thái tử Mohammed bin Salman của Ả Rập Xê Út – người đã ngồi cạnh Quốc vương Qatar trong ngày khai mạc. Ngoài ra, vợ chồng Jared Kushner – Ivanka Trump cũng xuất hiện ở khu vực này trong trận đấu giữa ĐT Anh và ĐT Mỹ. Bên cạnh đó, Chủ tịch FIFA – Gianni Infantino được xem là VVIP, nhưng các thành viên khác của tổ chức này đều chỉ là VIP.
Ban tổ chức World Cup 2022 cho biết, tính tới lúc này chủ nhà đã thu về tới 800 triệu USD từ việc bán vé xem các trận đấu và vé vào các khu vực sang trọng. "Lạm phát VIP" có vẻ đang là một chiêu trò hút khách thành công của ban tổ chức ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.