Các đại lý bán hàng thời gian qua nhận được hàng loạt yêu cầu tìm mua hòn đảo từ giới nhà giàu châu Á để làm nơi trú ẩn mùa dịch, đồng thời coi đó như khoản đầu tư dài hạn.
Trong các hòn đảo được tìm kiếm trên khắp thế giới, châu Mỹ là địa điểm được quan tâm nhiều nhất. Các hòn đảo có thể đội giá lên 100 triệu USD, nhưng cũng có hòn đảo chỉ dừng ở mức 55.000 USD, rẻ ngang một căn hộ trung bình ở Hong Kong.
Giới siêu giàu châu Á tìm tới trú chân ở các hòn đảo tư nhân trong mùa dịch. (Ảnh: SCMP)
Edward de Mallet Morgan, đối tác của Công ty tư vấn bất động sản thương mại và nhà ở Knight Frank có trụ sở ở London (Anh) cho biết, có sự gia tăng rõ rệt về nhu cầu mua đảo kể từ khi các ca mắc Covid-19 đầu tiên được ghi nhận được Vũ Hán vào cuối năm 2019.
“Đối với những người quan tâm tới vấn đề này, tình hình thế giới hiện tại thúc đẩy họ quyết tâm tìm nơi trú ẩn an toàn cho bản thân và gia đình. Đó cũng như một khoản đầu tư tài chính. Đảo tư nhân chắc chắn sẽ là một khoản đầu tư có lợi cho sức khỏe trong thời điểm hiện nay. Đối với những người mua đảo, đây chính là chìa khóa mang lại sự giàu có, sức khỏe, niềm hạnh phúc cho gia đình", ông Morgan nói.
Nhiều người cũng coi đây là cơ hội đầu tư cho địa điểm không bị ô nhiễm, lại có khung cảnh hái ra tiền.
Chris Krolow, Giám đốc Điều hành của Private Island cho biết, nhiều người tỏ ra đặc biệt quan tâm tới vùng Caribean và Trung Mỹ. Một khu nghỉ dưỡng trên rạn san hô Barrier tại Belize, vùng Caribean có giá thuê 3.695 USD/đêm.
"Khách hàng châu Á là những nhà đầu tư cẩn thận. Họ tìm kiếm một địa điểm trú ẩn an toàn, đồng thời là một nơi có thể mang về tiền cho họ một ngày nào đó, dù họ phát triển kinh doanh hay bán đi", Krolow cho biết.
Công ty của Krolow liệt kê gần 700 bất động sản, từ Half Island ở Nova Scotia có giá 59.000 USD tới Nusa Riro ở Quần đảo Solomon, với giá 25 triệu USD.
Video: Hòn đảo không người ở, chỉ có lợn hoang
Dù vậy, các đại lý bất động sản vẫn khuyến cáo người mua suy nghĩ kỹ trước khi muốn giành quyền sở hữu các hòn đảo này. Nguyên nhân là vì biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng lên đang trở thành mối đe dọa lớn đối với các tài sản ven biển.
"Các yếu tố khác cần lưu tâm nữa là phương thức di chuyển ra đảo, thời tiết, khoảng cách từ đất liền, nguồn điện, nước uống, các quy định xây dựng ở địa phương. Do đó, nhiều nhà đầu tư châu Á có xu hướng nhắm vào các hòn đảo có hạ tầng phát triển", Krolow phân tích.
"Các vấn đề nhập cư cũng cần được xem xét", Farhad Vladi, người quản lý Quần đảo tư nhân Vladi Vladi tại Hamburg, Đức cho hay.
Ông Vladi cho biết, các khách hàng châu Á thường quan tâm tới các hòn đảo ở Canada, New Zealand, Scotland, Caribbean và Maldives và Panama. Đặc biệt, người Trung Quốc đại lục rất ưa thích vì thủ tục visa dễ dàng.