Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giới hạn của tuyển Việt Nam

Khởi đầu ấn tượng, tạo ra những cơ hội tấn công rõ rệt, nhưng đội tuyển Việt Nam lại kết thúc trận chiến với Thái Lan trong một thế trận vội vàng và thiếu ý tưởng.

Mục tiêu ghi bàn được HLV Park Hang Seo cụ thể hoá ngay trong đội hình xuất phát. Tiến Linh bắt cặp cùng Đức Chinh trên hàng công, trong khi Hoàng Đức, Quang Hải và Văn Đức là những tiền vệ trung tâm. Hậu vệ phải có xu hướng tấn công Hồ Tấn Tài cũng được sử dụng ngay từ đầu. ĐT Việt Nam quay trở lại với hệ thống 3-5-2, thay vì 3-4-3 ở trận lượt đi.

Khai thác khoảng trống sau lưng đối phương

Ý đồ tiếp cận khung thành của Việt Nam sớm được thể hiện từ cơ hội kiểm soát đầu tiên trên phần sân đối phương. Hồ Tấn Tài nhận bóng ở sát hành lang cánh phải, ngay lập tức hướng trái bóng đến khu vực cấm địa đối phương, nơi Tiến Linh đã sẵn sàng di chuyển, còn Đức Chinh và Văn Đức cũng đã nhanh chóng có được sự tiếp cận.

Pha tấn công đầu tiên của ĐT Việt Nam đến khi Tấn Tài đưa bóng vào vòng cấm từ khoảng cách gần 40m. 

HLV Park muốn các học trò chơi nhanh, mạnh, trực diện vào khu vực nguy hiểm với số lượng lớn nhân sự. Khác với sơ đồ 3-4-3 với chỉ 2 tiền vệ ở khu vực giữa sân, sơ đồ 3-5-2 giúp ĐT Việt Nam tạo ra khả năng thu hồi, kiểm soát tốt hơn, điều trở thành nền tảng cho mục đích tấn công ở tốc độ cao.

Chiến lược gia người Hàn Quốc muốn thắng trong các tình huống tranh chấp hoặc đoạt bóng hai ở giữa sân, từ đó ngay lập tức hướng trái bóng về phía trước, ở trạng thái mà đối phương chưa thực sự có hệ thống phòng ngự được tổ chức tốt nhất.

Ở yếu tố này, Hoàng Đức, Quang Hải, Văn Đức, cùng sự hỗ trợ đồng bộ của các trung vệ, đã làm rất tốt, dựa trên một tinh thần thi đấu đáng khen ngợi.

Tuyển Việt Nam duy trì cự ly đội hình tốt hơn, thu hồi lại bóng ngay trên phần sân đối thủ.

Sau khi thu hồi bóng, Hoàng Đức ngay lập tức hướng lên phía trước, tạo thời cơ cho Tấn Tài thực hiện tình huống tạt bóng.

Trái ngược hoàn toàn với trận lượt đi, khi chúng ta để các tiền vệ trung tâm của Thái Lan lấn át ở khu vực trung tuyến và kiểm soát tốt các tình huống bóng 2, lựa chọn sơ đồ chiến thuật 3-5-2 giúp các học trò của HLV Park Hang Seo chủ động hơn ở khu vực trung lộ.

Ý tưởng của ĐT Việt Nam là đưa trận đấu vào các tình huống tranh chấp ở giữa sân, cố gắng đoạt lại quyền kiểm soát bóng và ngay lập tức hướng lên phía trước theo trục dọc. Ở phía trên, 2 tiền đạo Tiến Linh và Đức Chinh luôn sẵn sàng tiếp ứng.

Đoạt bóng ở giữa sân, hướng bóng lên phía trước.

Sử dụng 3 tiền vệ ở khu vực giữa sân giúp Việt Nam không quá thua thiệt về mặt thế trận, và có nhiều cơ hội tấn công trực diện.

Gần như tất cả những cơ hội nguy hiểm mà ĐT Việt Nam đã tạo ra được trong 45 phút thi đấu đầu tiên đều diễn ra ở một nhịp độ tấn công rất nhanh. Đó có thể xem là một phương án thi đấu hợp lý trong thế trận mà chúng ta cần có được bàn thắng.

Không chỉ dừng lại ở khả năng di chuyển, hỗ trợ hợp lý của các cầu thủ, HLV Park Hang Seo có một phương án tấn công rõ ràng, khi chủ đích hướng đến các pha bóng khai thác ra sau lưng cặp trung vệ của đối thủ. Cả Kritsada và Manuel Bihr đều là những người mạnh trong khả năng tranh chấp trước mặt, nhưng không quá nhanh và xoay sở tốt trong việc kiểm soát các khoảng trống sau lưng.

Tuyển Việt Nam chủ động sử dụng các tình huống bóng dài, cùng sự hỗ trợ tốt từ khả năng di chuyển của tuyến tiền vệ.

Văn Đức cùng 2 tiền đạo thường xuyên có các pha di chuyển ra sau lưng hàng hậu vệ đối phương khi bóng tiếp cận khu vực 1/3 cuối sân.

Hướng trái bóng lên phía trước một cách nhanh nhất có thể là lựa chọn ưu tiên hàng đầu trong các quyết định xử lý tình huống của ĐT Việt Nam trong hiệp 1. Với hai tiền đạo có tốc độ và sức mạnh càn lướt, cùng việc xếp Văn Đức chơi cao, HLV Park gần như sử dụng những quân bài tốt nhất trong tay mình phục vụ cho mục đích tấn công này.

Với 3 cầu thủ thường xuyên di chuyển sau lưng hàng thủ đối phương, ĐT Việt Nam cho thấy sự kiên định trong phương án tấn công của mình.

Tình huống thoát xuống của Đức Chinh sau đường chuyền của Văn Đức.

Pha bóng mà thủ thành Chatchai bên phía đối phương phải lao ra khỏi khu vực 16m50 để truy cản chính là tình huống bóng điển hình nhất cho ý đồ chơi bóng của ĐT Việt Nam trong hiệp thi đấu thứ nhất.

Xuất phát từ một tình huống chuyền dài của thủ môn Nguyên Mạnh, Hoàng Đức là người kiểm soát được tình huống bóng 2, trước khi đưa bóng cho Quang Hải thực hiện một đường chuyền nhanh ra sau lưng cặp trung vệ của Thái Lan. Tình huống cho thấy sự sẵn sàng của cả Đức Chinh và Tiến Linh.

Hoàng Đức kiểm soát được tình huống bóng 2 trước khi chuyển bóng cho Quang Hải ở phạm vi trống trải.

Đường chuyền ra sau lưng hàng thủ đối phương ở tốc độ cao của tiền vệ mang áo số 19.

ĐT Việt Nam đã tung ra tổng cộng 7 pha dứt điểm trong 45 phút thi đấu đầu tiên của trận đấu, với 6 trong số 7 tình huống đó được thực hiện trong khu vực 16m50 của đối phương. Những cơ hội có giá trị thành bàn cao hơn đã được các học trò của HLV Park tạo ra trước hệ thống phòng ngự của Thái Lan. Chỉ tiếc là chúng ta không thể một lần ghi bàn.

Vội vàng ở hiệp 2

Mọi thứ không diễn ra theo đúng kế hoạch của HLV Park Hang Seo trong hiệp thi đấu thứ 2. Bên phía đối phương, HLV Mano Polking có 2 sự thay đổi người quan trọng để giúp Thái Lan có một thế trận tốt hơn hoàn toàn ở 45 phút còn lại của trận đấu.

Trung vệ Elias Dolah và tiền vệ trung tâm Thanawat được sử dụng, Thái Lan chuyển từ sơ đồ 4-4-2 kim cương sang hệ thống 5-3-2 gần như tương tự với ĐT Việt Nam. Giải pháp giúp đội bóng này giải quyết cả 2 vấn đề họ đã gặp phải trong hiệp thi đấu thứ nhất, là khả năng kiểm soát tình huống 2 ở trung lộ, và khả năng bọc lót cho các pha di chuyển sau lưng của ĐT Việt Nam.

Ngay từ những phút đầu tiên của hiệp 2, việc sử dụng thêm 1 trung vệ đã cho thấy hình ảnh chủ động hơn nhiều ở hàng phòng ngự của đội bóng của ông Polking.

Trong khi đó, ở tâm thế phải có bàn thắng, HLV Park Hang Seo cùng các cộng sự liên tục đưa ra những tính toán và các phương án thay đổi nhân sự, những quyết định có lẽ không thực sự mang tính hợp lý cao nhất.

Mấu chốt cho thế trận tấn công của ĐT Việt Nam trong hiệp một là khả năng kiểm soát tốt phạm vi trung tuyến gần như bị triệt tiêu kể từ phút thi đấu thứ 54, thời điểm HLV Park quyết định sử dụng Văn Toàn thay Hồng Duy và chuyển hệ thống chiến thuật sang 3-4-3.

Cặp tiền vệ trung tâm Quang Hải và Hoàng Đức từ việc có được sự chủ động trong hiệp 1, tỏ ra thất thế trước những Thanawat, Phitiwat và Sarach kể từ thời điểm đó.

Văn Toàn vào sân, Văn Đức được yêu cầu chơi thế vị trí của Hồng Duy. Trong khi Quang Hải và Hoàng Đức đánh mất đi sự kiểm soát ở trung tuyến.

Sơ đồ 3-4-3/5-4-1 bộc lộ điểm yếu tương tự như trận lượt đi trong việc kiểm soát khoảng trống giữa 2 tuyến phòng ngự.

Việc đánh mất đi sự chủ động trong khả năng đoạt bóng hai khiến ý tưởng hướng trái bóng lên phía trước nhanh nhất có thể của ĐT Việt Nam từ một lợi thế trở thành một bất lợi.

Bởi lẽ, khi chúng ta không thể đoạt bóng ở gần khung thành đối thủ và buộc phải sử dụng các đường chuyền dài từ vị trí của các trung vệ, ĐT Thái Lan mới là người có được lợi thế và sự chủ động. 3 trung vệ có khả năng tranh chấp trước mặt rất tốt của Thái Lan không khó khăn để hoá giải các đường chuyền dài, trong khi Phitiwat cùng các cộng sự ở giữa sân là người có ưu thế ở việc tranh chấp.

ĐT Việt Nam gần như không duy trì được thế trận ở phần lớn thời gian của hiệp thi đấu thứ 2.

Việc chơi với đội hình 5-3-2 giúp Thái Lan kiểm soát tốt hơn các đường chuyền dài của Việt Nam.

Khả năng bọc lót tốt của Bihr, Kritsada và Dolah.

Phút thứ 69, dường như nhận ra được sự thua thiệt ở khu vực giữa sân, HLV Park Hang Seo tung tiền vệ Tuấn Anh vào sân thay cho Văn Đức, trong ý tưởng lấy lại sự chủ động trên sân. Nhưng đó cũng là thời điểm mà ĐT Việt Nam gần như không duy trì được một cấu trúc đội hình rõ ràng để tạo ra sự tranh chấp tốt nhất.

3 tiền đạo Công Phượng, Tiến Linh và Văn Toàn chơi cao và không phân chia rõ ràng về nhiệm vụ. Trong khi đó, việc không có một cầu thủ bám biên trái thực thụ nào trên sân từ thời điểm Văn Đức bị rút ra vô hình trung khiến Quang Hải thậm chí liên tục phải di chuyển ra hành lang cánh để tạo ra các lựa chọn chuyền bóng. Sự có mặt của Tuấn Anh trên sân, vì thế, không mang đến nhiều hiệu quả cho ĐT Việt Nam.

ĐT Việt Nam trở nên rối loạn về cấu trúc đội hình ở nửa sau của hiệp 2.

Phương án cuối cùng được HLV Park Hang Seo sử dụng là rút Tuấn Anh ra sân, đưa Thành Chung lên chơi như một tiền đạo và sử dụng Lê Văn Xuân cũng như Xuân Mạnh ở hai hành lang cánh.

Chỉ trong thời gian thi đấu của hiệp 2, ban huấn luyện của ĐT Việt Nam đã có tới 3 lần thay đổi cách bố trí đội hình của mình, trong áp lực phải có được bàn thắng. Thế nhưng, hiệu quả gần như là không có, khi chúng ta chỉ có duy nhất 1 pha dứt điểm từ sau phút thi đấu thứ 65.

HLV Mano Polking, có thể nói, đã giải quyết ý đồ tấn công của ĐT Việt Nam bằng chính những thay đổi người của mình sau giờ nghỉ.

ĐT Việt Nam khép lại hành trình tại AFF Cup 2020 với một tâm thế cần nhìn lại chính mình. Giải đấu ở tầm khu vực tưởng như sẽ giúp ĐT Việt Nam chơi với một tâm thế áp đặt và chủ động hơn, lại là nơi đội bóng của HLV Park Hang Seo ít nhiều bộc lộ ra những tồn tại của mình.

Chúng ta có những thời điểm thi đấu ấn tượng, nhưng chưa kiên định với một phong cách phóng khoáng và chấp nhận nhiều rủi ro hơn. Hy vọng, đây sẽ là một bài học lớn để giúp ĐT Việt Nam thay đổi chính mình.

Nguồn: Zing News

Tin mới