Căn cứ Điều 112 Bộ luật Lao động 2019, trong năm 2024, người lao động có 6 dịp nghỉ lễ chính, trong đó có 1 ngày nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương vào mùng 10 tháng 3 Âm lịch.
Ngày lễ này khá gần dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, thậm chí hai kỳ nghỉ này có thể sát nhau nên một số năm, người lao động được nghỉ liền mạch 4-5 ngày. Trường hợp ngày 10/3 Âm lịch không gần Ngày Quốc tế Lao động nhưng gần với dịp cuối tuần, số ngày nghỉ của người lao động cũng kéo dài.
Giỗ Tổ Hùng Vương 2024 được nghỉ mấy ngày? (Ảnh minh họa)
Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 rơi vào thứ Năm, ngày 18/4 Dương lịch. Đây là ngày giữa tuần, do đó không được "nối" với lịch nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật, nên kỳ nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm nay chỉ vỏn vẹn một ngày.
Trường hợp người lao động đi làm ngày nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương sẽ được được tính tiền lương làm thêm giờ. Cụ thể, Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
- Người lao động làm việc vào ngày thường được trả lương ít nhất bằng 150%.
- Người lao động làm việc vào ngày nghỉ hàng tuần, tiền lương ít nhất bằng 200%.
Như vậy, người lao động đi làm dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương vào ban ngày được nhận 300% lương; nếu tính cả tiền lương ngày nghỉ giỗ Tổ Hùng Vương thì tổng cộng được 400% lương.
Khi người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
Sau ngày nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương 2024, người lao động cả nước được nghỉ 5 ngày dịp lễ 30/4 và 1/5.
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2450/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Thủ tướng ủy quyền Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo về việc hoán đổi và nghỉ lễ Ngày Chiến thắng 30 tháng 4 và Ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5 năm 2024 tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người lao động.
Trong dịp này, lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất tổ năm Giáp Thìn 2024 sẽ diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi tại Phú Thọ. Các hoạt động bao gồm chương trình nghệ thuật với chủ đề "Hội tụ non sông" và màn bắn pháo hoa tầm cao, hứa hẹn thu hút đông đảo du khách tham gia. Ngoài ra còn có các hoạt động như hội trại văn hóa, triển lãm sản phẩm, liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn hát xoan, triển lãm mỹ thuật với chủ đề "Quê hương, đất nước, con người Phú Thọ"; Hội chợ thương mại và trưng bày sản phẩm OCOP Phú Thọ…
Nhiều hoạt động thể dục, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống, sự kiện văn hóa khác cũng được tổ chức với việc khai mạc Giải chạy Đền Hùng Spirituality Marathon 2024 mang tên "Về nguồn". Sự kiện khánh thành bức phù điêu có hình tượng Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong cũng là một điểm nhấn trong dịp này.
Cùng với sự phát triển các hoạt động du lịch là công tác đảm bảo trật tự kinh doanh lưu trú. Phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ đã ghi nhận tổng cộng 376 cơ sở kinh doanh lưu trú, trong đó có gần 140 cơ sở tại thành phố Việt Trì. Trong dịp này, nhiều khách sạn, nhà nghỉ đã cam kết không tăng giá và niêm yết công khai bảng giá để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách.