Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giật mình những chuyện kỳ thị, vô lương tâm trong cơn đại dịch Covid-19

(VTC News) -

Trong trận chiến với đại dịch Covid-19, nhiều người trở thành nạn nhân của những con virus mang tên "kỳ thị" trên chính mảnh đất mà họ yêu thương.

"Chúng tôi có tội gì?"

"Ở đây không phục vụ Tây", tấm biển thông báo khiến Ellie và tôi như bị hất gáo nước lạnh khi đang hồ hởi bước vào quán phở quen thuộc. Nhưng đó không phải câu chuyện duy nhất mà cô bạn giáo viên người Anh của tôi gặp phải giữa những ngày dịch bệnh. 

Hôm trước, trong lúc đang trò chuyện cùng cô bé hàng xóm, cũng là học sinh ở trung tâm tiếng Anh của mình, Ellie khá sốc khi mẹ cô bé ném cái nhìn khó chịu về phía cô và ra hiệu cho con gái không được ở gần Ellie.

Ellie coi Việt Nam như quê hương thứ hai, nơi cô luôn được chào đón và đối xử thật đặc biệt, thậm chí còn được ưu ái hơn cả người bản địa. Nhưng mọi chuyện không còn như cũ kể từ khi dịch bệnh xảy ra. Trước đây, cô luôn được đám trẻ trong chung cư hồ hởi tới bắt chuyện thì giờ đây, chỉ cần thấy bóng dáng Ellie, bố mẹ tụi nhóc sẽ kéo vội chúng đi nơi khác.

Ellie rất thích ẩm thực Việt Nam, lại không biết nấu ăn nên cô thường xuyên dùng bữa ở ngoài nhưng gần đây, cô đang phải tập nấu ăn để...chống đói vì không chịu được những ánh nhìn khó chịu của những người Việt xung quanh.

“Thế là tôi sai vì có diện mạo nước ngoài đúng không? Tôi có tội gì chứ?”, Ellie thổn thức.

Daniel Hewitt, một người đàn ông nước ngoài sống và làm việc ở Việt Nam đã nhiều năm đăng đàn chia sẻ bức xúc sau khi vợ anh bị một bệnh viện tư từ chối siêu âm thai kỳ chỉ vì anh là người nước ngoài. Daniel giải thích rằng anh không ra khỏi Việt Nam từ tháng 10/2019 nhưng chẳng ai quan tâm, cứ Tây là “auto” nhiễm bệnh.

Chia sẻ của Daniel Hewitt trên diễn đàn cách đây không lâu.

Giữa đại dịch Covid-19, đôi khi chính những người con đất Việt, những người đang trực tiếp và gián tiếp chiến đấu với dịch bệnh cũng bị kỳ thị trên chính quê hương mình. Câu chuyện của những tiếp viên hàng không giữa mùa dịch bệnh là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó. 

Cùng với phi hành đoàn, tiếp viên hàng không là những người đồng hành trên các chuyến bay đón bà con kiều bào, du học sinh từ vùng dịch trở về đất mẹ. Làm việc trong môi trường có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh dịch, các tiếp viên phải đeo khẩu trang liên tục mười mấy tiếng đồng hồ, vệt khẩu trang xước hằn lên má nhưng với họ, vất vả một chút, chịu đau một chút cũng chẳng vấn đề gì.

Điều khiến họ đau lòng nhất chính là thái độ kỳ thị của những người xung quanh. T.M, một nữ tiếp viên hàng không cho biết, ở châu Âu, anh chị em tiếp viên bị người da trắng tỏ thái độ vì đeo khẩu trang khi đi ra ngoài không đau lòng bằng việc cô và đồng nghiệp bị chính những người đồng bào kỳ thị trên mảnh đất quê hương.

Có nơi dán thông báo trong thang máy, nêu đích danh tên cũng như số phòng và lý do phải tự cách ly. Đến thời hạn hết cách ly, nữ tiếp viên ra ngoài vẫn gặp phải sự xa lánh của những người cùng chung cư. Một số đồng nghiệp khác của họ thậm chí không được tiếp tục thuê căn hộ, nơi mà họ vẫn trở về sau chuyến bay với lý do "để đảm bảo an toàn cho cư dân sống tại tòa nhà".

Thậm chí, những sự việc này đang diễn ra xung quanh cuộc sống của chính tôi. Như thường lệ, cứ giữa tháng tôi lại tạt qua nhà chị K. đầu ngõ mua gạo cho cả tháng nhưng hôm nay cửa hàng chị treo biển “Nghỉ bán”. Trông thấy tôi, bà hàng xóm sát vách nhà chị lại gần, thầm thì: “Em gái nó đi Hàn Quốc về phải vào viện ngay rồi. Chắc đứa em bị thì chị nó cũng chẳng thoát được đâu. Giờ mà mở bán chẳng ai dám mua!”.

Phỏng đoán của người phụ nữ khiến tôi hơi chột dạ. Gia đình tôi cũng có người quen mới về từ Hàn Quốc và việc cách ly là hoàn toàn bình thường trong trường hợp này. Nhưng chị K. phải đóng cửa hàng chỉ vì có cô em gái từ ổ dịch về thì lý do thật sự không thuyết phục. 

Sau đó, tôi gọi chị K. và được biết, em gái chị ở Seoul về, khai báo y tế và hoàn thành cách ly đủ 14 ngày nhưng về tới nhà chẳng được lời hỏi thăm nào của xóm giềng, lại bị người ta "tránh như tránh tà”.

Nhiều người nước ngoài ở Việt Nam, người Việt nhiễm Covid-19 phải chịu cảnh bị kỳ thị vô lý. (Ảnh: VIR/VNA)

Mặc dù chị chẳng nhắc đến việc mình bị liên luỵ khi có cô em đi Hàn về ra sao, nhưng ánh mắt khinh khỉnh và câu nói: “Chắc đứa em bị thì chị nó cũng chẳng thoát được đâu” của bà hàng xóm nhà chị K. cũng giải thích được phần nào.

Đồng nghiệp của tôi, một người em phóng viên mảng sức khỏe, những ngày dịch dã, cậu cũng phải xông pha đến vùng tâm dịch để đảm bảo tin bài, kịp thời cập nhật. Dù được đảm bảo an toàn nhưng khi về khu nhà trọ cậu bỗng trở thành con virus lúc nào không hay. Hễ thấy cậu là họ tránh, không cả chào hỏi dù ngày thường mọi người vẫn có thói quen chuyện trò bởi cậu làm báo, nắm bắt được tin tức nhanh.

Virus kỳ thị

Cách đây ít lâu, chúng ta từng lên án những người nước ngoài kỳ thị dân châu Á vì Covid-19 ở châu Âu, thế mà giờ đây, chính chúng ta lại có thái độ tương tự. Câu chuyện của Ellie và Daniel chỉ là một ví dụ trong số rất nhiều người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam giữa mùa dịch, những người từ bỏ cuộc sống đầy đủ vật chất ở quê hương và đang xây dựng, đóng góp cho sự phát triển của đất nước ta. Và rồi những những gì họ nhận lại là “vô cảm” và “kỳ thị”.  

Chính phủ dang rộng tay đón những người con xa xứ trở về từ vùng dịch và nỗ lực hết mình để đảm bảo an toàn cho bất cứ ai đang có mặt trên dải đất hình chữ S, bất kể là công dân Việt Nam hay nước ngoài. Vậy tại sao một số người trong chúng ta lại có thái độ phân biệt, kỳ thị với họ, chỉ vì màu tóc, làn da?

Tồi tệ hơn khi ta kỳ thị cả chính những người con đất Việt đang ngày đêm cống hiến trực tiếp trong cuộc chiến Covid-19. Họ bất chấp nguy hiểm để bảo vệ chúng ta, gia đình chúng ta nhưng những gì họ và gia đình họ nhận được vẫn chỉ là sự xa lánh và những ánh mắt kỳ thị. Thử hỏi, sự hy sinh ấy liệu có xứng đáng?

Câu hỏi ấy, rõ ràng mỗi chúng ta đều có thể trả lời được nhưng từ câu trả lời đến hành động là cả một quá trình. Ai dám chắc, trong mỗi chúng ta không có những lo lắng về Covid-19 của riêng mình. Nỗi sợ hãi bị lây bệnh khiến con người ta trở nên vô cảm đến đáng sợ. Phải chăng mỗi chúng ta hãy tỉnh táo để không bị sự lo sợ lấn át, hình thành tâm lý tiêu cực bởi kì thị mới chính là con virus đáng sợ nhất?

Lúc này, xin hãy cùng nhau đồng hành, đừng vì thiếu hiểu biết mà kỳ thị, xa lánh những người xung quanh ta. Hãy đối xử với nhau bằng lòng nhân ái, cảm thông và đoàn kết trong lúc hoạn nạn, sẽ không có dịch bệnh nào đánh gục chúng ta!

Hạ Vũ

Tin mới