Những con số giật mình
Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Nguyễn Thanh Phong, có hơn 20 trường hợp chết do ngộ độc thực phẩm, thì nguyên nhân do rượu pha cồn công nghiệp chiếm tới 20 trường hợp.
Cũng theo báo cáo của Cục này, trong giai đoạn 2013 – 2017, toàn quốc ghi nhận 28 vụ làm 193 người mắc, 179 người đi viện và 34 người chết. Trong tổng số ca tử vong do ngộ độc thực phẩm, số người chết vì rượu chiếm tới 26,15% - xác suất tử vong cao hơn rất nhiều so với các loại ngộ độc khác.
Bệnh nhân điều trị ngộ độc rượu tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh ( Ảnh: Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh)
Đặc biệt, năm 2017, số vụ ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp tăng cao đột biến với 10 vụ, 119 người mắc, 115 người đi viện và 11 người chết. Trong đó, số vụ ngộ độc thực phẩm do rượu tập trung nhiều nhất tại khu vực miền núi phía Bắc.
Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm 2017 đến nay đã có 40 trường hợp tại 12 quận/huyện bị ngộ độc rượu có chứa methanol.
Ghi nhận tại Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai, BS. Nguyễn Trung Nguyên – cán bộ phụ trách trung tâm cho biết, số ca ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp tăng vọt vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán.
Trả lời báo chí sau buổi hội thảo, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP cho biết, trong những mẫu rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc mà đoàn thanh tra thu về: 1 lít rượu có chứa tới 560ml methanol (một loại cồn công nghiệp).
Hàm lượng methanol quá lớn là nguyên nhân chính khiến cho người sử dụng bị ngộ độc, thậm chí có thể gây tử vong.
Ngoài ra, rượu còn là nguyên nhân chính của 31% vụ đánh nhau, giết người; 33% vụ hiếp dâm, 18% vụ tai nạn giao thông, nhiều tệ nạn xã hội và 60 loại bệnh khác nhau như: ung thư, suy đa tạng, tai biến,…
Phải kiểm soát chặt
Theo Cục ATTP, nguyên nhân khiến cho ngộ độc rượu gia tăng đến từ hai thành tố chính: người sản xuất, kinh doanh nhỏ vì ham lợi nhuận nên cung cấp rượu giả, rượu kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ…
Trong khi đó, ý thức của người tiêu dùng còn hạn chế, ham rẻ, công tác quản lý trong lĩnh vực này còn nhiều khó khăn.
Rượu là nguyên nhân chính của tới 60 loại bệnh khác nhau: ung thư, tai biến, suy đa tạng,...
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ước tính đến năm 2025, sản lượng rượu của cả nước sẽ đạt khoảng 440.000 lít với hàng nghìn cơ sở sản xuất rượu.
Việc lạm dụng rượu, bia gây nhiều tác hại cho sức khỏe, tăng nguy cơ tai nạn giao thông, bất lợi về an ninh trật tự.
Đáng lo ngại hơn, theo nghiên cứu của Viện Sức khỏe tâm thần trung ương, tỷ lệ điều trị tâm thần do rượu chiếm 5-6% số bệnh nhân và vẫn đang có xu hướng tăng.
Đứng trước thực trạng này, theo ông Nguyễn Hùng Long, giải pháp trước mắt là kiểm tra các cửa hàng nhỏ lẻ có bán rượu để tìm ra nguồn gốc của rượu trôi nổi nhằm xử lý triệt để.
Về giải pháp lâu dài, Bộ Y tế đang biên soạn và sẽ trình Chính phủ về dự án Luật phòng chống tác hại rượu bia vào tháng 6/2018, sau đó tình ra Quốc hội.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng đề xuất tăng thuế bia rượu; kiến nghị ngành Công thương kiểm soát chặt việc sản xuất và kinh doanh, nguyên liệu đầu vào của các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là những người kinh doanh nhỏ lẻ bằng cách sử dụng chất chỉ thị màu cho cồn công nghiệp.
Với người dân, để phòng tránh ngộ độc rượu trong dịp Tết, các chuyên gia ATTP khuyến cáo: người tiêu dùng chỉ nên sử dụng các loại rượu bia có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sử dụng rượu có chừng mực.
Tránh tâm lý ham rẻ, mua rượu trôi nổi trên thị trường không được kiểm định chất lượng, không đảm bảo an toàn.
Video: Cách sơ cứu người bị ngộ độc rượu