Việc thưởng Tết cho giáo viên là do đơn vị tự quyết định dựa trên nguồn kinh phí, doanh thu và năng suất làm việc của từng cá nhân. Do đó, nếu có thưởng Tết thì số tiền thưởng cũng do các đơn vị tự quyết định. Nhưng ở vùng biên, việc học sinh được đến trường giáo viên đã mừng muốn khóc, chứ đừng nói đến chuyện được thưởng.
Tết còn xa lắm
Năm 2014, thầy Trần Mạnh Hùng được phân công về dạy ở trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học và THCS Dân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình). Những ngày đầu giảng dạy ở ngôi trường vùng biên giới với đa phần là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số Chứt, Khùa, Mày và Sách, thầy thật sự bỡ ngỡ.
Trải qua những năm tháng gắn bó, ngôi trường bây giờ như một phần máu thịt của thầy. "Dù có cực nhưng không thể dứt được, học sinh nơi đây cần cái chữ để thoát nghèo, vươn ra biển lớn. Với người thầy sứ mệnh chính là mang tri thức đến cho các em học sinh, không thể vì hoàn cảnh khó khăn, lương thưởng ít hơn nơi khác mà bỏ được" – thầy Hùng tươi cười khi được hỏi về khoản thưởng Tết hằng năm của giáo viên vùng biên giới.
Năm nay, thầy Hùng và đồng nghiệp được thưởng Tết 400.000 đồng/người. Không biết nên vui hay buồn, vì so với các đồng nghiệp ở trường bán trú số 2 Trọng Hóa, giáo viên trường thầy Hùng đỡ vất vả hơn rất nhiều. Nhưng năm nay vật giá leo thang, với 400.000 đồng thầy không biết phải sắm Tết như thế nào, bắt đầu từ đâu.
"Tết đến nơi rồi, mà cứ ngỡ phải hơn một tháng nữa, còn chưa sắm sửa gì được cho gia đình. Hai đứa con còn đợi ba về mua cho bộ đồ mới, vợ còn trông ngóng chồng mua ít bánh mứt cho ngày Tết. Đi dạy xa nhà cả năm trời, đến Tết chỉ mong có thể mua về ít quà cho con, sắm ít đồ cho gia đình, vậy mà cũng chưa thể làm trọn vẹn, thật khó để tả cảm xúc này" – thầy Hùng nghẹn ngào.
Ngôi trường PTDTBT tiểu học và THCS Dân Hóa lọt thỏm dưới những ngọn núi đá vôi cao sừng sững của vùng biên giới Việt-Lào, các em học sinh nơi đây chủ yếu là người dân tộc thiểu số, cuộc sống còn lắm khó khăn.
Các em được đến trường đã là nỗ lực rất lớn của đội ngũ giáo viên. Bởi hằng ngày, các em còn phải lo mưu sinh, đỡ đần công việc giúp ba mẹ, giáo viên muốn các em đến trường phải đến tận nhà "bắt".
Thầy Hùng tâm sự, học sinh nơi đây không được đủ đầy như ở miền xuôi, điều kiện để tiếp xúc với kiến thức phổ thông cũng hạn chế hơn.
Giáo viên vùng cao lại càng vất vả, khi phải đi đường sá xa xôi, qua đèo qua suối để đến trường, vừa phải tìm ra phương pháp dạy học thích hợp, làm công tác tư tưởng để phụ huynh cho các em được đến trường.
Với giáo viên nơi đây, còn nhiều bộn bề và lo toan, nhiều lúc thầy cô giáo còn dùng tiền lương của mình để hỗ trợ lại những em có hoàn cảnh quá khó khăn. Nên, Tết ấm no với giáo viên nơi đây…còn xa lắm.
Cắt tóc miễn phí cho các em học sinh tại sân trường PTDTBT tiểu học và THCS Dân Hóa.
Ưu tiên chăm lo cho học sinh dịp Tết
Hiểu được khó khăn, nổi khổ của các học sinh khi Tết đến nên đa số các thầy cô đều ưu tiên chăm lo, giúp đỡ cho các em trước. Trích tiền lương của mình và kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ các phần quà Tết cho các em, món quà nhỏ nhưng kịp động viên để các em có động lực vươn lên, thêm niềm vui khi Tết đến xuân về.
Đồng thời, giáo viên của trường kết nối với các tình nguyện viên cùng chung tấm lòng thiện nguyện ở nhiều nơi, tạo ra sân chơi cho các em, tổ chức cuộc thi gói bánh chưng, trang trí và biểu diễn văn nghệ tại sân trường, đưa không khí Tết về với học sinh vùng biên giới.
Thầy Trần Mạnh Hùng và đồng nghiệp luôn tự nhủ, phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa để chăm lo cho cuộc sống của học sinh, tạo niềm tin vững chắc để các em yên tâm đến trường.
Hiện thầy phải làm thêm công việc khác để kiếm cải thiện thu nhập, nhưng luôn hỗ trợ hết mình các em học sinh khó khăn, sẵn sàng trao hàng trăm suất quà là: cặp, sách, bút, vở, áo, quần cho học sinh. Thầy Hùng nói vui, có khi thưởng Tết vừa về đến tay là đã hết sạch, chỉ kịp mua vài phần quà cho học sinh.
Được biết, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh – Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã tổ chức cắt tóc miễn phí cho các em học sinh trường PTDTBT tiểu học và THCS Dân Hóa; trao quà đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.