Những năm qua, Bộ GD&ĐT luôn xác định công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là nền tảng để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Thông qua mỗi tiết học, mỗi hoạt động ngoại khóa hay từng phong trào văn nghệ, thể dục thể thao, các nhà trường đã cụ thể hóa, lồng ghép giáo dục nếp sống cho học sinh bằng nhiều hình thức, từ đó tạo chuyển biến tích cực trong đạo đức, lý tưởng sống cho học sinh.
“Em biết lắng nghe” là bài học mở đầu năm học mới về giáo dục nếp sống của các em học sinh lớp 3A3, trường Tiểu học Đông Thái (Quận Tây Hồ, Hà Nội). Câu chuyện tình huống của cô giáo chủ nhiệm Hoàng Thị Hải Yến vừa dứt thì nhiều em học sinh nhanh chóng giơ tay xung phong phát biểu cách xử lý tình huống. Có em mạnh dạn tự đưa ra tình huống của mình liên quan tới câu chuyện của cô kể để cả lớp cùng xử lý.
Bằng cách dẫn dắt của cô, giờ học về giáo dục nếp sống cho các em học sinh lớp 3A3 diễn ra sôi nổi và ý nghĩa. Cô Yến cho biết, đây là bài học nằm trong nội dung triển khai thực hiện Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng, giai đoạn 2015-2020".
Các nội dung dạy học được sắp xếp, lồng ghép theo từng chủ đề, bằng nhiều hình thức thể hiện khác nhau. Nếu như hôm nay là một câu chuyện thì giờ học sau có thể là một đoạn phim hay tình huống qua tranh ảnh. Mỗi tình huống đưa ra phải gần gũi, gắn bó với cuộc sống hằng ngày để tạo hứng thú và sự tích cực chủ động học tập cho học sinh.
Chị Nguyễn Diệu Linh, phụ huynh có con học lớp 3A3 nhận xét, sau những giờ học, các con biết nói lời cảm ơn, xin lỗi, biết giúp đỡ bố mẹ việc nhà, bớt tính tranh giành. “Vì là con út lại được chiều nên ở nhà con tôi rất nghịch và nhõng nhẽo. Được cô giáo rèn kỹ năng sống ở trường, tôi thấy con ngày một ngoan hơn, lễ độ hơn trong ứng xử với mọi người”, vị phụ huynh chia sẻ thêm.
Một giờ học lớp 3A3 trường Tiểu học Đông Thái (Hà Nội).
Giờ sinh hoạt cuối tuần, em Lê Minh Hiền, học sinh lớp 10A7, trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) thuyết trình trước lớp về “một vùng văn hóa Hồ Tây”. Cùng với Minh Hiền, một số bạn trong lớp cũng thuyết trình về các địa danh, ẩm thực nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội.
Theo Minh Hiền, những giờ học như thế này sẽ giúp các em sống có trách nhiệm với bản thân và mọi người xung quanh để trở thành một công dân tốt.
Đại diện trường THPT Yên Hòa cho hay, từ nhiều năm nay, việc giáo dục nếp sống, đạo đức, lý tưởng cách mạng cho học sinh được nhà trường triển khai giảng dạy theo hướng mở với các nội dung mới mẻ, gần gũi đời sống hằng ngày, vừa bảo đảm chương trình nhưng cũng không bó hẹp trong những nội dung hướng dẫn thực hiện quyết định 1501.
Theo đánh giá của các nhà trường, sau nhiều năm triển khai giáo dục nếp sống, đạo đức, lý tưởng cách mạng cho học sinh, các em đã tích cực, chủ động hơn trong học tập; ý thức hơn trong ứng xử, hành vi và luôn đề cao tinh thần yêu thương, giúp đỡ bạn bè, thầy cô. Không chỉ tác động đến học sinh, việc nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy học cho mỗi bài học còn giúp các thầy cô giáo ngày càng hoàn thiện bản thân, vị đại diện cho biết.
Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020” được Thủ tướng ký ban hành theo Quyết định số 1501 gồm một số mục tiêu như:
Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ Việt Nam nhằm tạo chuyển biến căn bản về đạo đức, lối sống phát triển toàn diện; yêu gia đình, có đạo đức trong sáng, lối sống văn hóa; yêu nước, tự hào dân tộc, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có ý thức tuân thủ pháp luật; có năng lực và bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khỏe, tri thức và kỹ năng lao động, trở thành những công dân có ích, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Phấn đấu đến năm 2020, 100% thanh niên trong lực lượng vũ trang, thanh niên công chức, viên chức, thanh niên học sinh và sinh viên; 70% tổng số thanh niên Việt Nam còn lại, kể cả trong nước và nước ngoài được tuyên truyền, học tập nghị quyết của các cấp ủy Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; 100% nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; 100% đội ngũ làm công tác giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng được thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Đồng thời phấn đấu, 90% trở lên hộ gia đình được phổ biến, hướng dẫn và cam kết thực hiện tốt việc giáo dục đạo đức, lối sống, góp phần hướng dẫn học tập cho con em trong gia đình; có 2 triệu đoàn viên ưu tú được giới thiệu cho Đảng; trong đó ít nhất 650.000 đảng viên trẻ được kết nạp; 100% thanh niên, học sinh, sinh viên tình nguyện tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo, hoạt động lao động tập thể.