Khối ngành Sư phạm nói chung và ngành giáo dục mầm non nói riêng đang thu hút sự quan tâm của nhiều thí sinh trên cả nước. Tuy nhiên, để có thể làm giáo viên mầm non bạn cần phải sở hữu khá nhiều chứng chỉ và cấp khác nhau.
Giáo viên mầm non là ngành nghề khá đặc biệt. (Ảnh minh họa)
Căn cứ quy định tại Điều 3, 4, 5 Thông tư 1 của Bộ GD&ĐT năm 2021, giáo viên mầm non cần đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo như sau:
Giáo viên mầm non hạng III
Giáo viên mầm non hạng III, bắt buộc phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm giáo dục mầm non trở lên, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non.
Ngoài ra, bạn cần có thêm chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản và chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên mầm non hạng III.
Giáo viên mầm non hạng II
Với hạng chức danh giáo viên mầm non hạng II, người dạy cần có bằng cử nhân giáo dục mầm non trở lên hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm giáo dục mầm non và bằng cử nhân quản lý giáo dục trở lên.
Đồng thời, bạn phải hoàn thành lớp học và được cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non cũng như chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản.
Giáo viên mầm non hạng I
Tương tự giáo viên mầm non hạng II, giáo viên mầm non hạng I cũng cần phải có bằng cử nhân giáo dục mầm non trở lên hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm giáo dục mầm non và bằng cử nhân quản lý giáo dục trở lên.
Đồng thời, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non và chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản.
Ngoài các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, giáo viên mầm non còn phải đáp ứng được tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ với từng hạng chức danh.
Khối xét tuyển ngành Sư phạm mầm non
Hiện, khối thi xét tuyển chủ yếu của ngành Sư phạm mầm non là khối M. Các môn thi trong khối M bao gồm: Toán, Ngữ văn và Năng khiếu với chuyên ngành Giáo dục mầm non hoặc Toán, Văn, tiếng Anh và Năng khiếu với chuyên ngành Giáo dục mầm non - tiếng Anh.
Trong đó, các môn Văn, Toán và tiếng Anh sẽ sử dụng điểm thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Với môn Năng khiếu, thí sinh phải đăng ký dự thi riêng theo quy định của trường đại học đăng ký xét tuyển.
Các môn thi năng khiếu ở khối M bao gồm: Hát, Đọc diễn cảm, Kể chuyện. Tùy từng trường sẽ có yêu cầu về môn thi năng khiếu khác nhau, phù hợp với tuyển chí tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, hầu hết thí sinh đều phải thi Hát và Kể chuyện khi xét tuyển khối M.
Nếu đam mêm ngành học này, thí sinh có thể tham khảo thông tin tuyển sinh và mức điểm chuẩn năm 2023 của một số trường như: trường Đại học Sư phạm Hà Nội (22 điểm), trường Đại học Giáo dục - Đại Quốc gia Hà Nội (25,29 điểm), trường Đại học Vinh (21 điểm), trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế (22 điểm), trường Đại học Sư phạm TP.HCM (24,21 điểm).