Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giáo viên đau đầu tính cách dạy học trực tuyến sao cho hiệu quả

(VTC News) -

Không chỉ tích cực triển khai dạy trực tuyến nhằm giúp học sinh không bị bỏ quên kiến thức, các trường đang cố gắng căn chỉnh về phương pháp giúp các em hứng thú với bài học hơn.

Linh hoạt trong giảng bài và kiểm tra

Cô Thẩm Thị Linh, giáo viên một trường THPT ở Hà Nội cho biết, trong đợt tạm nghỉ phòng virus corona, các thầy, cô giáo ở trường rất vất vả vì khối lượng công việc dồn dập.

Từ việc soạn giáo án điện tử sao cho ngắn gọn nhất, dễ hiểu nhất, đến thực hiện quay, dựng các hình ảnh video bài giảng. Giáo viên phải đọc thắc mắc của học sinh để giải đáp, chấm bài, sửa bài… Dĩ nhiên sẽ càng khó khăn với những thầy cô không giỏi về công nghệ thông tin đều phải từng bước “vừa làm, vừa mò”.

“Trước đây trường từng tổ chức các buổi dạy học trực tuyến nhưng theo hướng tập trung học sinh hoặc tập dượt rất ít so với hiện nay, điều đó khiến giáo viên loay hoay về việc truyền đạt và tương tác với học sinh”, cô Linh nói.

Hiệu quả của học sinh học trực tuyến tại nhà không tốt bằng học trên lớp.

 

Công nhận việc dạy học online có nhiều điểm rất hay, nhưng theo cô Phương Hoa, trường THPT Chu Văn An, nếu ỷ lại vào "máy móc" để giao bài cho học sinh qua hệ thống online, mặc cho học sinh xoay xở thì hiệu quả sẽ thấp.

Cô Hoa cho rằng khi giáo viên kiểm tra bài học sinh trên kênh online phải tính toán linh hoạt cách ra đề có thể kiểm tra được kỹ năng của học sinh trong điều kiện làm bài ở nhà. Khi chấm bài, phải đánh giá được học sinh nào có suy nghĩ, làm thật, học sinh nào làm cho có để chấn chỉnh.

"Tôi luôn phải theo dõi tốc độ học của các em. Hoặc khi thấy bài làm trên máy của học sinh này thực hiện quá nhanh, tôi nhận định học sinh làm cho có, phải nghĩ cách để kiểm tra lại. Vì mục tiêu không phải chỉ là điểm mà là việc rèn kỹ năng, ghi nhớ kiến thức", cô Hoa cho biết.

Làm sao để thu hút được học sinh?

Cô Lê Bích Nhung, trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ, từ khi trường tạm nghỉ, giáo viên khẩn trương soạn bài và gửi group các lớp theo nhiều hình thức khác nhau về đề kiểm tra, bài tập củng cố kiến thức.

Tuy nhiên, trong những ngày nghỉ, không phải tất cả học sinh đều vào group hoặc có thể các em có vào nhưng không chịu làm bài tập thầy cô giao.

Một giáo viên dạy môn Văn khác cho biết, trường đã lên kế hoạch dạy học từ xa ở tất cả các môn học. Với môn Văn, các thầy cô giao cho các em viết một bài nghị luận xã hội với những hướng dẫn rất cụ thể giúp học sinh rèn luyện văn phong, cách làm bài văn nghị luận. 

Đến hạn nộp bài kiểm tra, các lớp chỉ có 50% học sinh nộp bài, lớp nào khá hơn thì có 2/3 học sinh nộp bài. "Tôi tự hỏi, tình hình thế này mà dạy bài mới bằng cách quay phim rồi up trên Youtube thì có được bao nhiêu em xem và tự học.

Tôi nghĩ dạy học từ xa chỉ phù hợp với những học sinh học tập chủ động và tự giác, còn lại thì không hề có chút hiệu quả nào với các em lơ là, gia đình không sát sao”, thầy giáo cho hay.

Học trực tuyến là phương pháp an toàn nhất khi dịch virus corona đang hoành hành.

 

 

Thầy Trần Văn Huy, trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cũng cho biết, trường đã triển khai các ứng dụng dạy học và quản lý việc tự học online từ lâu, nhưng đến nay mới được trở thành kênh chính thức khi các em nghỉ học phòng lây lan virus corona.

Theo thầy việc học online chỉ thực sự tốt khi có ứng dụng hệ thống tương tác online và kiểm tra, đánh giá online thay vì "giao việc một chiều", cập nhật bài giảng điện tử một chiều như một số trường đang làm.

Các trường, thầy cô giáo cần thay tương tác trực tiếp trên lớp bằng tương tác online. Ở đó học sinh có thể hỏi, thầy giải đáp. Thầy kiểm tra mức độ kiến thức bằng phản hồi từ học sinh, thầy nhận xét, sửa bài. Với những trường có nền tảng công nghệ thông tin tốt đã áp dụng hệ thống dạy học online đảm bảo yêu cầu tương tác và đánh giá học sinh.

Các hệ thống ứng dụng cũng cho phép lãnh đạo nhà trường kiểm soát công việc của giáo viên quản lý, hướng dẫn, dạy học online cho học sinh, giáo viên. Bên cạnh đó, phụ huynh kiểm soát được việc các con có truy cập nghe giảng bài, sửa bài, làm bài tập, bài kiểm tra hay không.

Theo ghi nhận, tại Hà Nội, một số trường cũng triển khai cho giáo viên áp dụng các hình thức "học từ xa". Nhưng do nền tảng công nghệ thông tin chưa tốt nên đa số giáo viên xây dựng các video bài học hoặc giảng bài và ghi lại bằng điện thoại, cập nhật trên các group của lớp.  

Một số trường có bản text bài học và hệ thống bài tập gửi email cho học sinh kèm theo lời nhắc của giáo viên chủ nhiệm yêu cầu học sinh hoàn thành trong dịp nghỉ tết. Tuy nhiên, đây chỉ là cách dạy học một chiều, khó kiểm soát được mức độ tiếp nhận của học sinh. Không ít giáo viên đang thấy mệt mỏi vì thời lượng làm việc online quá nhiều mỗi ngày, hiệu quả thu lại không cao.

Hà Cường

Tin mới