- Vẫn chưa đụng đến gốc rễ của tham nhũng, thưa ông?
Cuộc chiến phòng chống tham nhũng chỉ vừa mới bắt đầu và cần có một cuộc thanh lọc, rà soát lại toàn bộ đội ngũ cán bộ. Thực sự mà nói, tình hình tham nhũng hiện nay quá nghiêm trọng, cần có thời gian và chiến lược rõ ràng để bài trừ tận gốc rễ.
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã mạnh dạn hơn trong cố gắng xác định được danh tính một số đối tượng tham những ở cấp cao, nhưng dư luận nhân dân vẫn cảm thấy những đối tượng tham nhũng lớn vẫn hạ cánh an toàn, ít nhất đến thời điểm này.
Chỉ cần nhìn lại những người quá giàu sang chỉ với quyền tước chính trị và được ung dung tự tại thì thấy họ đã lọt lưới, hạ cánh an toàn, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.
- Nhưng chúng ta vẫn có cơ chế để thanh, kiểm tra tài sản của họ đó chứ, thưa Giáo sư?
Đúng thế. Những tài sản không rõ nguồn gốc, do những người có quyền lực và người không có đủ tiêu chuẩn chuyên môn phát minh những sản phẩm đem lại thu nhập chính đáng… thì cần phải điều tra tận nguồn gốc để xử lý bằng các chế tài nghiêm minh.
Hiện, luật pháp phải thật nghiêm minh hơn nữa. Người bị kết luận vi phạm tham nhũng, phải được xử hình phạt nặng, đích đáng đủ để răn đe những người khác có tiềm năng tham nhũng.
- Cuộc chiến lần này được xem là một “cuộc đại phẫu” trong phòng chống tham nhũng, khác hẳn với cách làm của chúng ta trước đây?
Đúng. Đó là quyết tâm chính trị của Đảng ta, nhưng cần phải mạnh hơn nữa để phá nổi thành trì kiên cố của tham nhũng.
Bây giờ đụng chỗ nào cũng thấy bóng dáng tham nhũng. Đảng muốn tiêu diệt tham nhũng phải đặt ra nhiều biện pháp. Ví dụ chuyện nhỏ như giải quyết giấy tờ cho dân chỉ qua một cửa, nhưng xem lại cửa đó có rất nhiều ống khóa, mỗi khóa đều có điều kiện mới mở được.
Hoặc một chuyện nhỏ khác: Vi phạm luật giao thông, người vi phạm có thể được xí xóa với một món tiền rồi tiếp tục vi phạm nữa. Cho đến những chuyện lớn hàng ngàn tỉ đồng, như chúng ta đã thấy.
- Nhiều người nói đáng lo ngại nhất hiện nay là tham nhũng chính sách, tham nhũng quyền lực?
Những vụ việc tham nhũng thường do cả hai hoặc nhiều bên đồng lòng với nhau, xuất phát từ nguyên tắc “bên quyền lực đặt ra nhiều cái khó để cho cái dễ cho đối tượng chưa đạt tiêu chuẩn cái khó.” Từ đó người bất tài nhưng có quyền lực thì có cái ăn, và người bất tài muốn thụ hưởng những cái khó sẽ được cho hưởng.
Do đó cả hai bên đều đóng góp vào sự tàn lụi của xã hội. Nếu bên có quyền lực phải liêm khiết nghiêm minh, kiên quyết giữ kỷ cương, nề nếp, tiêu chuẩn của mọi chính sách, dự án, chương trình, công trình,... không cho kẻ bất tài, người không đủ điều kiện để thực hiện những chính sách, dự án, chương trình, công trình đó, thì tham nhũng sẽ không xảy ra.
Như vậy bên phía quyền lực không nên đặt ra nhiều chính sách, quy định, điều lệ quá rườm rà, quá khó đạt để dễ đòi hối lộ.
Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng.
- Tìm ra người liêm khiết, nghiêm minh, kiên quyết giữ kỷ cương không phải dễ?
Thuận lợi là có một quyết tâm mới của Đảng; khó khăn là khó có người thực hiện sự quyết tâm đó.
Thách thức lớn nhất là ví dụ như làm sao có được anh cảnh sát giao thông dửng dưng trước cám dỗ của món tiền dễ bỏ túi để xử phạt người vi phạm giao thông một cách
công minh để bảo vệ trât tự xã hội?
Phải có nhiều người công tâm, liêm khiết hơn nữa mới trị được tham nhũng.
- Trị tham nhũng là phải trị cả người xin thì mới mong giải quyết được gốc rễ vấn đề. Ý giáo sư là gì ạ?
Về phía chính sách, Nhà nước nên đặt ra mọi tiêu chuẩn cho mọi sự việc trong xã hội để mọi người dân phải theo đúng, tất cả đều hướng về sự phát triển kinh tế của đất nước ta tiến lên vững chắc.
Phía chính quyền nghiêm minh liêm chính; phía người dân thực hiện phải có tài năng, đủ điều kiện chuyên môn mới được phép thực hiện.
Một chương trình, dự án… nào bị phát hiện không đạt những tiêu chuẩn đó đều phải bị kiểm tra, thanh tra tận gốc để phát hiện những tham nhũng và cả hai phía xin và cho đều phải bị trừng phạt thật nghiêm minh.
Xin cảm ơn Giáo sư!