Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giáo sư từng xin nghỉ 1 buổi họp Quốc hội để chỉ đạo ghép tim nói gì khi tái cử?

(VTC News) -

GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế có những chia sẻ về chương trình hành động của mình khi ứng cử ĐBQH khoá XV.

GS.TS Phạm Như Hiệp – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế là người tham gia tái cử đại biểu Quốc hội khoá XV. Ông được biết đến là vị “thuyền trưởng” chèo lái bệnh viện Trung ương Huế trở thành đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng dịch vụ kỹ thuật cao được áp dụng trong khám, chữa bệnh, cũng như điều trị những ca bệnh khó có tỷ lệ thành công ở hàng cao nhất cả nước.

Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch bệnh vừa qua, dưới sự quản lý của GS.TS Phạm Như Hiệp, Bệnh viện Trung ương Huế được xem là “thành trì” của ngành y tế miền Trung, nơi tiếp nhận điều trị các bệnh nhân COVID-19, trong đó có việc điều trị thành công nhiều ca bệnh nặng.

GS.TS Phạm Như Hiệp từng xin nghỉ một buổi họp Quốc hội khoá XIV để tham gia lấy tạng, chuyển quả tim từ Hà Nội vào Huế cứu người.

Trong cương vị đại biểu Quốc hội khoá XIV, ngoài những ý kiến đóng góp tích cực trong việc xây dựng phát triển ngành y tế nước nhà, trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, GS.TS Phạm Như Hiệp còn được cử tri nhớ đến là vị giáo sư từng xin tạm nghỉ một buổi họp Quốc hội, để trực tiếp tham gia lấy tạng, chuyển quả tim từ Hà Nội vào Huế và trực tiếp chỉ đạo ca ghép tim xuyên Việt thành công cứu sống bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế. 

Mới đây, PV VTC News có buổi phỏng vấn với GS.TS Phạm Như Hiệp để nghe ông chia sẻ về chương trình hành động của mình khi tái ứng cử đại biểu quốc hội Khoá XV: 

- Thưa giáo sư, nếu trúng đại biểu Quốc hội ông sẽ làm gì để hiện thực hoá chương trình hành động của mình?

Tôi sẽ cố gắng phát huy hơn nữa vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội mà nhiệm kỳ vừa qua tôi hoàn thành.

Trong vai trò là đại biểu hoạt động tại Quốc hội và địa phương tôi sẽ cố gắng đảm bảo thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn của một đại biểu Quốc hội. Liên hệ chặt chẽ và chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo, trả lời những yêu cầu và kiến nghị với cử tri về hoạt động của mình và của Quốc hội.

GS.TS Phạm Như Hiệp chia sẻ về chương trình hành động cụ thể khi ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV.

Thực hiện quyền thu thập thông tin, chất vấn, kiến nghị trong Quốc hội và chính quyền những vấn đề cấp thiết, quan trọng mà cử tri tin tưởng ủy thác, đôn đốc và giám sát việc giải quyết. Báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp, phổ biến, giải thích và hướng dẫn các nghị quyết của Quốc hội, vận động và cùng với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, nhân dân thực hiện các nghị quyết đó.

Tăng cường tiếp xúc với các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ… để họ hiểu rõ tình hình, ủng hộ  Thừa Thiên - Huế và ngành y tế.

- Trong công tác chuyên ngành thì sao thưa giáo sư?

Với vai trò là đại biểu Quốc hội, trong công tác chuyên ngành, tôi sẽ tham mưu cho Quốc hội cũng như giám sát việc thực hiện các vấn đề liên quan đến chính sách, chiến lược y tế tại địa phương cũng như cả nước. Công tác quy hoạch phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh; vệ sinh, an toàn thực phẩm; đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học công nghệ...

Tham mưu cho việc phối hợp giữa ngành y tế với bảo hiểm xã hội, đảm bảo cho người bệnh tại các bệnh viện được hưởng các dịch vụ y tế tốt nhất; công bằng giữa phát triển kỹ thuật cao – chăm sóc toàn diện – chi phí y tế.

Phối hợp tốt ngành y tế và các ban ngành có liên quan trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, khống chế và kiểm soát tốt dịch bệnh trong trường hợp xấu nhất. Thực hiện chương trình quân dân y kết hợp trong bảo vệ sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng biên giới hải đảo,…

Tham gia xây dựng và quyết định các biện pháp thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công; cán bộ, chiến sĩ, bộ đội công tác tại vùng sâu, vùng xa,... An sinh xã hội và xoá đói, giảm nghèo. Bảo vệ và chăm sóc người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa.

 

Đảm bảo cho người bệnh tại các bệnh viện được hưởng các dịch vụ y tế tốt nhất, công bằng giữa phát triển kỹ thuật cao – chăm sóc toàn diện – chi phí y tế.

- Trong vai trò là đại biểu Quốc hội khoá XIV và đang tiếp tục ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV, giáo sư đã và sẽ làm gì cho lĩnh vực mình đang công tác tại địa phương?

Bệnh viện Trung ương Huế có những đóng góp quan trọng cho việc trở thành Trung tâm Y tế chuyên sâu, thực hiện tốt Kết luận 48 của Bộ Chính trị năm 2009 và bây giờ càng cố gắng phát huy hết vai trò của mình để tiếp tục thực hiện thành công Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Từ năm 2016 cho đến nay, Bệnh viện Trung ương Huế đã và đang tiếp tục xây dựng và nâng cấp các trung tâm mới, dự án với tổng vốn gần 1.500 tỷ đồng. Trong đó, nâng cấp Trung tâm Ung bưới và Y học hạt nhân (200 tỷ đồng); Trung tâm Sản Phụ khoa (300 tỷ đồng); Bệnh viện Quốc tế giai đoạn 2 (300 tỷ đồng); mở rộng Bệnh viện Trung ương Huế -  Cơ sở 2 và các dự án nước thải, đầu tư trang thiết bị y tế, đào tạo nguồn nhân lực… sẽ góp phần thay đổi diện mạo bệnh viện cũng như chất lượng khám chữa bệnh tại Thừa Thiên - Huế, khu vực miền Trung – Tây nguyên và cả nước.

Trung tâm y tế chuyên sâu của tỉnh thừa Thiên - Huế hiện được cấu thành bởi 3 thành phần: Bệnh viện Trung Huế; Trường Đại học Y - Dược Huế, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từng đơn vị cần phát huy thế mạnh của mình góp phần đưa Thừa Thiên - Huế trở thành trung tâm đầu ngành về y học tại Việt Nam và thế giới. Cùng với Sở Y tế Thừa Thiên - Huế hoàn thiện thiết chế y tế cơ sở và Trường Đại học Y dược Huế đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao.

Duy trì và nâng cao vị thế ngành Y tế của Thừa - Huế, xây dựng thiết chế Y tế của tỉnh trở thành một ngành kinh tế quan trọng; theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị là: “Trung tâm y học cao cấp, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao”.

Đảm bảo phát triển bệnh viện ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới, để nhân dân, cán bộ, chiến sĩ,… đến khám và chữa bệnh tại Thừa Thiên - Huế xứng đáng được hưởng thụ các dịch vụ y tế với chất lượng tốt nhất.

GS.TS Phạm Như Hiệp trong một lần  mổ nội soi thị phạm giảng dạy cho các bác sĩ đến từ Singapore, Malaysia.

- Cử tri đặt kỳ vọng gì vào chương trình hành động của giáo sư?

Tại hội nghị trực tuyến với 29 điểm cầu tiếp xúc giữa cử tri TP Huế với những người ứng cử Đại biểu Quốc hội khoá XV, những câu hỏi làm thế nào nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, tránh nạn chảy máu “chất xám” đội ngũ y bác sĩ… được nhiều cử tri gửi đến tôi.

Tại hội nghị trực tuyến này, tôi tóm gọm chương trình hành động của mình để báo cáo đến bà con cử tri. Sau khi nghe tôi trình bày và trả lời những câu hỏi, cử tri đặt nhiều kỳ vọng về y tế tỉnh nhà trong tương lai. Trong đó, những vấn đề mà cử tri kỳ vọng, muốn gửi gắm nhiều nhất là, nếu tôi trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV thì sẽ tiếp tục tham mưu cho Quốc hội cũng như giám sát việc thực hiện các vấn đề liên quan đến chính sách, chiến lược y tế tại địa phương cũng như cả nước.

Đồng thời, tham mưu việc phối hợp giữa ngành y tế với bảo hiểm xã hội trong việc đảm bảo quyền lợi của người bệnh được hưởng bảo hiểm y tế, chi trả viện phí cho bệnh nhân nghèo, người dân tộc, vùng sâu, vùng xa...Đảm bảo cho người bệnh tại các bệnh viện được hưởng các dịch vụ y tế tốt nhất, công bằng giữa phát triển kỹ thuật cao – chăm sóc toàn diện – chi phí y tế.  

Khi tôi tái cử đại biểu Quốc hội khoá XV, một cử tri ở TP Huế tin tưởng tôi sẽ góp một phần không nhỏ để thực hiện hoá việc Huế trở thành trung tâm y học cao cấp trong tương lai. Trước cử tri, tôi cũng hứa sẽ kiện định với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành trung tâm y học chuyên sâu, cao cấp của cả nước và khu vực, trong đó bệnh viện Trung ương Huế là một hạt nhân cực kỳ quan trọng.

NGUYỄN VƯƠNG

Tin mới