Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

‘Biển là máu thịt, là lẽ sống, văn hóa của người Việt’ 

(VTC News) -

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN - trò chuyện với VTC News về Biển Đông và hành trình khẳng định chủ quyền Biển Đông của Việt Nam.

- Biển Đông chưa từng lặng sóng suốt hàng chục năm qua. Theo ông, nguyên nhân từ đâu?

Biển Đông là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật, khoáng sản, du lịch, đồng thời, đây cũng là khu vực đang chịu nhiều sức ép về bảo vệ môi trường sinh thái biển. Biển Đông là “cầu nối” Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nối châu Âu và Trung Đông với châu Á thông qua tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch. Ngoài ra, trong phạm vi Biển Đông còn có 5 tuyến hàng hải cấp khu vực và nhiều tuyến hàng hải cấp quốc gia. Đây là khu vực có các đường biển nhộn nhịp vào hàng thứ hai trên thế giới, sau Địa Trung Hải.

Khu vực Đông Nam Á có 536 cảng biển, trong đó có 2 cảng lớn và hiện đại cấp thế giới nằm trong khu vực Biển Đông là Singapore và Hong Kong. Biển Đông không chỉ nằm trên trục đường giao nhau giữa Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương mà còn cả giữa Châu Á - Châu Úc, ở ngay các trục và vành đai hợp tác kinh tế Đông Bắc Á, Trung Á, Nam Á và Đông Nam Á, đóng vai trò quan trọng trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và phát triển thương mại quốc tế.

Chiến lược một trục hai cánh của Trung Quốc có thể hiểu như lấy Biển Đông làm trục, hai cánh là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó, eo biển Đài Loan ở phía Đông Bắc và eo biển Malacca phía Tây Nam trấn giữ các lối ra vào ở phía nam và phía bắc, có giá trị về chính trị, chiến lược quân sự hết sức quan trọng.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc.

Sự xuất hiện khái niệm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế đã làm cho hầu hết Biển Đông bị bao phủ bởi vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của các nước ven Biển Đông. Kết quả là nhiều nước trước đây vốn cách trở nay trở thành quốc gia cùng chia sẻ đường biên giới biển chung và làm cho Biển Đông chứa đựng nhiều tranh chấp. Các tranh chấp ở Biển Đông không những ảnh hưởng đến quan hệ giữa các nước có liên quan, mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của các nước khác, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định và sự hợp tác, phát triển của khu vực và thế giới.

Trung Quốc là một cường quốc lục địa đang theo đuổi mục tiêu trở thành cường quốc biển, nên tư duy của các chiến lược gia Trung Quốc hiện nay, xét cho cùng vẫn là lấy tư duy bành trướng trên đất liền làm cơ sở xác lập tư duy bành trướng trên biển. Và theo họ, điều kiện tiên quyết để có thể trở thành cường quốc biển, cả trong lý thuyết lẫn thực tiễn là Trung Quốc phải nắm giữ vai trò quyết định trên Biển Đông, làm chủ toàn bộ Biển Đông.

Lawrence Prabhakar Williams - Phó Giáo sư nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế thuộc khoa Khoa học Chính trị Đại học Madras Christian (Ấn Độ) cho rằng, Biển Đông là nơi để Trung Quốc phục hồi hình ảnh dân tộc, vươn lên siêu cường thế giới. Làm chủ toàn bộ Biển Đông, biến Biển Đông thành lợi ích cốt lõi, thành sân sau, thành “ao nhà”, thành bàn đạp để Trung Quốc vươn ra chiếm lĩnh Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương trở thành nguyên tắc, thành chìa khóa vạn năng quyết định mọi thành bại của con đường thành cường quốc biển, thành bá chủ thế giới của Trung Quốc.

Vì thế, nhiều năm qua, Biển Đông không ngừng dậy sóng.

- Thực tế là không phải đến bây giờ mà từ xa xưa, cha ông ta đã có ý thức về chủ quyền biển đảo. Hành trình đó trong lịch sử diễn ra thế nào, thưa ông?

 Đầu thế kỷ XVII, ta khẳng định chủ quyền với tư cách nhà nước bằng việc lập ra các đội Trường Sa, sau đó là đội Bắc Hải cai quản Biển Đông, thực thi chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông kết hợp khai thác các sản vật. Suốt trong thế kỷ XVII và toàn bộ thế kỷ XVIII, chúng ta vẫn liên tục khẳng định chủ quyền. Toàn bộ thế kỷ XIX, chúng ta thực thi chủ quyền, đẩy chủ quyền lên mức cao trong tuyên bố của vua Gia Long được thế giới công nhận. Rồi đến thời vua Minh Mệnh đẩy chủ quyền lên cao nhất. Tư liệu thể hiện rõ không chỉ ở các châu bản, các bộ chính sử và bản đồ quốc gia chính thức của Việt Nam mà còn ở cả bản đồ phương Tây. Có ai phản đối đâu.

Như vậy, chúng ta đã thực thi chủ quyền một cách thực sự, đầy đủ, trọn vẹn trong hòa bình, không có tranh chấp.

Năm 1909, lần đầu tiên Trung Quốc cử ông Lý Chuẩn ra ngoài Hoàng Sa, nói là phát hiện ra quần đảo, đặt tên là quần đảo Tây Sa và tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, mặc dù chúng ta đặt chủ quyền của quần đảo này từ lâu đời rồi.  Nếu ông Lý Chuẩn không biết thì hiểu biết của ông ta quá hạn hẹp, còn nếu biết mà vẫn cố tình thì thể hiện một sự thô bạo. Tuy nhiên, tuyên bố xong họ cũng chưa có động thái gì. Đến năm 1928, họ cho một đoàn ra ngoài đó điều tra nghiên cứu. Trong báo cáo “Tây Sa quần đảo báo cáo thư”, họ lờ đi việc Việt Nam khẳng định chủ quyền biển đảo ở Biển Đông ít nhất 3 thế kỷ rồi.

 
Biển là không gian sinh tồn, đối với chúng ta biển là lẽ sống, không có biển là không có sự phát triển, không có nước Việt ngày hôm nay. Văn hóa biển có trong máu thịt của chúng ta từ ngàn đời.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc

 

- Chủ quyền biển đảo không chỉ là ranh giới hành chính mà còn là câu chuyện của văn hóa, lịch sử, của tiềm thức? Điều lạ là, Trung Quốc trong lịch sử chưa từng quan tâm đến vấn đề biển đảo?

Trung Quốc là một đại đế chế lục địa, hình thành từ văn minh Hoa Hạ, nằm ở vùng trung nguyên, khu vực sông Hoàng Hà. Tư tưởng quan trọng nhất là tập trung phát triển nông nghiệp dọc các dòng sông. Trung Quốc quan niệm, họ là một thế giới nhưng là thế giới lục địa, nên người Trung Quốc từng quay lưng với biển, không coi biển là yếu tố phát triển. Vì vậy, bành trướng của Trung Quốc là trên đất liền. Còn ta thì khác.

Ngay từ thưở khai sinh, biển đã trở thành không gian sinh tồn của người Việt. Ở phía Bắc có huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ, khởi nguyên về sự ra đời của nhà nước Văn Lang. Biển và núi là hai nguồn lực tạo nên sự phát triển của Việt Nam. Các triều đại Việt nào khai thác biển tốt sẽ phát triển, nếu không sẽ lụi tàn. Thế nên mới có chuyện chúng ta tìm ra hàng loạt các di chỉ của văn hoá Sa Huỳnh cách đây 3000 năm ở Trường Sa.

Biển là không gian sinh tồn, đối với chúng ta biển là lẽ sống, không có biển là không có sự phát triển, không có nước Việt ngày hôm nay. Văn hóa biển có trong máu thịt của chúng ta từ ngàn đời.

- Nhiều chuyên gia cho rằng, Trung Quốc muốn “áp đặt một nguyên trạng mới”, tạo ra “sự đã rồi” trên Biển Đông, áp đặt chúng ta phải thỏa hiệp, chấp nhận “cùng khai thác” trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ông nghĩ thế nào về nhận định này?

Thực tế, khi có vấn đề về tranh chấp chúng ta mới quay lại xem các tài liệu chính thức của nhà nước, còn trước đây đó là đời sống tự nhiên. Tôi chỉ biết đó là cái ruộng của nhà tôi. Tôi đi ra Trường Sa, Hoàng Sa là đi vào ruộng nhà ta, vườn nhà ta, như một sự hiển nhiên, không có vấn đề chủ quyền đặt ra.

Trung Quốc đã đánh tráo khái niệm, đưa ra khái niệm chủ quyền lịch sử, từ thời Hán Trung Quốc đã có chủ quyền rồi, mặc định biển Đông và chủ quyền của họ dù nó hoàn toàn trái với nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ của Luật pháp Quốc tế. Họ mập mờ khái niệm, lịch sử chủ quyền và chủ quyền lịch sử. Lịch sử chủ quyền là quá trình đi đến việc khẳng định. Còn chủ quyền lịch sử là họ lừa bịp. Đấy không phải là hành xử văn minh, phải theo Luật pháp Quốc tế, Công ước Biển mà chính họ đã ký.

Phán quyết của PCA ngày 12/7/2016 đã bác bỏ tính pháp lý của yêu sách “đường 9 đoạn” (còn gọi là đường lưỡi bò), đồng thời lên án các hành vi trái phép của Trung Quốc trong việc cải tạo đảo và ngăn cản việc thực thi quyền đánh cá trên Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng, phán quyết về đường lưỡi bò là phi lý, để muốn chiếm, biến tới 80% biển Đông thành ao nhà. Họ gọi đó là lợi ích cốt lõi. Rõ ràng đó không phải là cách hành xử của một nước có một nền văn minh lâu đời.

- Biển Đông sẽ vẫn không ngừng dậy sóng trong thời gian tới. Vậy theo ông, về mặt chiến lược chúng ta cần làm những gì?

Về mặt chiến lược, chúng ta vẫn phải đấu tranh không ngừng. Tôi cho rằng, đã là nước có văn hóa, văn minh thì họ phải coi đó là sự đáng xấu hổ. Nếu thế giới nhận thức ra, họ sẽ bị coi thường và cô lập. Cái gì đi ngược với truyền thống văn minh của nhân loại sẽ bị phá bỏ. Tôi tin vào con đường phát triển của văn minh nhân loại. Nhân loại tiến bộ sẽ đi đến đích của mình.

- Câu khẩu hiệu “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước” dường như chưa bao giờ cũ. Thế nhưng, trên thực tế hiện nay, nhiều bạn trẻ chưa hiểu rõ về lịch sử biển đảo nước ta, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa. Yêu mà không hiểu sẽ gây ra hệ lụy. Vậy chúng ta cần thể hiện yêu nước thế nào thưa ông?

Đã là thành viên của một quốc gia văn minh thì phải luôn nhớ rằng, phải hành xử theo đúng luật. Một là Luật Biển của Việt Nam và hai là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Trong điều kiện hiện nay, hãy cứ tôn trọng tuyệt đối Luật Biển Việt Nam và Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Công ước ghi rõ, không chấp nhận bất cứ hành động tấn công vũ lực nào để chiếm biển đảo.

Cho nên, chúng ta phải hết sức cảnh giác, giữ chủ quyền bằng mọi giá, nhưng chớ có dại mà mắc mưu họ. Họ có thể tìm mọi cách, nhử chúng ta tấn công trước. Nếu chúng ta phạm sai lầm, họ sẽ có đủ lý lẽ để tiêu diệt chúng ta. Nên chúng ta không đánh trước không có nghĩa là chúng ta yếu hèn mà chúng ta có cái mạnh của chúng ta, chân lý, lẽ phải, luật pháp thuộc về chúng ta.

Biển là không gian sinh tồn, đối với người dân Việt, biển là lẽ sống. (Ảnh minh họa: Internet)

- Vấn đề biển đảo, giữ vững chủ quyền biển đảo không chỉ là trách nhiệm của nhà nước mà còn là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi công dân?

Người Việt Nam chúng ta, lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất của Tổ Quốc lớn lắm, có truyền thống từ xa xưa rồi. Nói như Bác Hồ, tinh thần yêu nước nhiều khi cũng như thứ của quý đặt trong rương, trong hòm. Nếu ta không biết cách khai thác cũng chỉ là thứ để trong rương trong hòm thôi. Nếu Đảng và nhà nước biết cách làm sáng lên, tinh thần yêu nước đó sẽ biến thành muôn ngọn sóng nhấn chìm lũ bán nước và cướp nước.

Tôi nghĩ, vấn đề quan trọng là biết cách nuôi dưỡng và phát huy lòng yêu nước như thế nào. Tôi lấy ví dụ, Hồ Quý Ly là một người yêu nước, nhưng ông thất bại trong cuộc chiến chống ngoại xâm vì không được lòng dân, đội quân của ông trăm vạn quân trăm vạn lòng, làm sao chiến đấu được. Nhưng chỉ 10 năm sau, đến Lê Lợi thì khác, và nhà Lê đã chiến thắng quân Minh. Những bài học của tiền nhân vẫn còn đó. Vấn đề là làm sao cho dân tin. Khi đã tin, người dân chúng ta sẽ không quản máu xương. Chủ nghĩa yêu nước thành hành động tự giác, lẽ sống của mỗi con người, làm thế nào để nó phát huy.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hà Linh

Tin mới