Giáo sư Huỳnh Thị Phương Liên, nguyên Trưởng khoa Virus của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, chuyên gia cao cấp của Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 Vabiotech (Bộ Y tế) được nhiều người gọi với cái tên trìu mến: “Nữ bác sĩ của Nhân dân”.
GS Huỳnh Thị Phương Liên thời kỳ công tác tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
Chế tạo vaccine ngay tại chiến trường
Giáo sư Huỳnh Thị Phương Liên là con cả trong gia đình 8 chị em. Năm 1963, cô sinh viên năm thứ 3 Đại học Y Hà Nội đã viết đơn tình nguyện đi chiến trường, nhưng phải đến tháng 4/1966, sau gần nửa năm nhận công tác tại chuyên khoa Vi sinh Viện Vệ sinh Dịch tễ học và sau một tháng đứng trong hàng ngũ của Đảng, cô bác sĩ trẻ mới được nhận quyết định đi B. Hành trang đơn giản là 2 bộ quần áo, 1 chiếc võng dù, chăn, 2 ruột nghé gạo, muối. Ngoài ra còn có chủng giống virus để nuôi cấy, nghiên cứu và sách vở.
“Lúc đó bác Phạm Ngọc Thạch gặp tôi và nói rằng, khoa Vi sinh chỉ có 2 người, cháu đi Khu V và một bạn nữa đi Nam. Nhiệm vụ của cháu là phải sản xuất bằng được 3 loại vaccine tả, thương hàn và đậu mùa. Những năm thập kỷ 60 thế kỷ 20, mọi người đều sợ 3 bệnh này. Địch thực hiện chiến tranh vi sinh cho nên chúng ta phải chế tạo bằng được”, Giáo sư Liên nhớ lại.
Qua nhiều lần đổi xe, cô bác sĩ trẻ Phương Liên đến ngôi làng nhỏ ở tỉnh Quảng Bình rồi tiếp tục hành quân đường bộ. Sau 2 tháng rưỡi, bác sĩ Liên mới đến được địa điểm, nhưng không may, địa điểm tập kết vừa bị đánh bom nên đoàn phải tiếp tục di chuyển tới một nơi khác. Qua nhiều ngày luồn rừng, vượt núi, đoàn của bác sĩ Liên đặt chân tới một cánh rừng nguyên sinh. Đây chính là địa điểm mang mật danh K15, thuộc ban Dân y khu V đóng tại Nam Trà My, thuộc tỉnh Quảng Nam.
Ở giữa rừng, lại đang là thời chiến, nên mọi thứ đều thiếu thốn. Hàng ngày, bác sĩ Liên vừa làm công tác chuyên môn, vừa phải vào rừng chặt tre, nứa làm lán, dựng phòng thí nghiệm. Thời gian còn lại, bà cùng đồng đội kiếm củi, trồng lúa, khoai và sắn để cải thiện. Vượt qua nhiều khó khăn, cuối cùng, phòng thí nghiệm bằng tre, nứa, mái lợp bằng lá cây được dựng lên giữa rừng.
Khác với nơi nghỉ ngơi, phòng thí nghiệm phải đảm bảo đặc thù về môi trường phục vụ việc nghiên cứu. Bà cùng đồng đội căng dù bên trên, xung quanh quây kín bằng nilon với mục đích bảo vệ toàn bộ trang thiết bị bên trong.
Nói là thiết bị nhưng thời đó rất thiếu thốn. Ngoài vi khuẩn nuôi cấy và chiếc cân hoá chất thì gần như không có gì. Lọ thủy tinh để nghiên cứu rất mỏng, dễ vỡ, mỗi lần rửa là lại vỡ. Xót ruột quá, bà nhờ mọi người nhặt hoặc bằng cách nào tìm được vỏ chai rượu Wishky bằng thuỷ tinh của lính Mỹ vứt lại trên chiến trường, rồi rửa sạch để làm thí nghiệm.
Mãi 6 tháng sau, một đợt hàng chuyển từ Bắc vào, phòng thí nghiệm mới có thêm các dụng cụ như kính hiển vi, dung dịch, hút vô trùng, găng tay, mũ trùm đầu và cả áo blouse… Còn những thứ khác như lò sấy hấp khử khuẩn hay tủ ấm để nuôi cấy vi khuẩn đều tận dụng hoặc tự sáng tạo bằng bếp Hoàng Cầm hay bếp dầu hoả để làm.
“Gọi là phòng thí nghiệm cho oai, chứ thực chất chỉ là cái lán nhỏ, dựng tạm lên để có chỗ nghiên cứu. Dụng cụ phục vụ nghiên cứu rất thô sơ”, bác sĩ Liên chia sẻ.
Đội ngũ cán bộ chuyên môn cũng là vấn đề lớn. Cùng đi với bác sĩ Liên chỉ có một y sĩ làm pha chế môi trường, một người nữa lo sấy hấp, còn một người cất nước cất và cồn. Bác sĩ Phương Liên phải đào tạo “tại chỗ” các nhân sự mới chỉ học tới lớp 2, lớp 3, hiếm lắm thì lớp 4 để hỗ trợ. Với phương pháp cầm tay chỉ việc, tuy không phải chuyên môn của mình nhưng mọi người đều hỗ trợ tận lực.
Có những trận sốt rét khiến bà mãi không quên vì phải tự quyết định với “mạng sống” bản thân.
Sốt rét là bệnh mà hầu như chiến sỹ nào cũng mắc khi ở trong rừng. Bác sĩ như bà cũng không ngoại lệ. Có những lúc tưởng không thể qua khỏi. Trên giường bệnh, nghĩ tới những nghiên cứu còn dang dở, bà không thể nằm yên. Nhưng mỗi khi ngồi dậy là cơn sốt lại ập đến khiến đầu óc bà quay cuồng, mệt mỏi rã rời. Thời điểm này có quy định không được tiêm một loại dung dịch vào ven, vì dung dịch này được sản xuất ngay tại chiến trường, không tinh khiết. Nếu tiêm vào ven, nguy cơ bị ngừng tim rồi tử vong rất lớn. Nhưng do quá mệt mỏi và nhìn đống chai lọ, dung dịch còn đang chờ đợi, bác sĩ Huỳnh Thị Phương Liên quyết định tiêm dung dịch đó vào ven của mình.
Đồng nghiệp được bà nhờ tiêm không dám làm. Đến khi nghe nguyện vọng của bà, anh mới tiêm mũi tiêm “chống chỉ định”. May mắn hôm sau, cơn sốt rét dứt, sức khoẻ dần hồi phục, bà tiếp tục quay lại nghiên cứu.
GS Huỳnh Thị Phương Liên được Chủ tịch nước phong tặng Anh hùng Lao động vì thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động sáng tạo từ 2009-2019.
Trải qua thời gian nghiên cứu với vô số lần bị địch ném bom, 3 lần bị cháy phòng thí nghiệm, 3 loại vaccine tả, thương hàn và đậu mùa của nữ bác sĩ trẻ Huỳnh Thị Phương Liên ra đời ngay giữa rừng, nơi chiến trường đầy bom đạn.
Vaccine sau đó được đóng ống, dán nhãn, chuyển cung cấp cho đồng bào và chiến sĩ các vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi sử dụng, góp phần từng bước đẩy lùi âm mưu sử dụng chiến tranh vi sinh của địch.
Đầu năm 1972, sau 6 năm nghiên cứu và làm việc nơi chiến trường khu V, bà được Khu uỷ khu V cho ra Bắc chữa bệnh. Lúc này bà chỉ còn nặng 31 kg. Sau khi điều trị bệnh và hồi phục sức khoẻ, bà được Viện Vệ sinh Dịch tễ cử đi học tại Đức.
Cứu tinh của trẻ em Việt Nam
Những năm 1980, dịch Viêm não Nhật Bản xảy ra tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, khiến nhiều trẻ em tử vong, hoặc để lại di chứng nặng nề. Vấn đề cấp thiết là sớm có vaccine để tiêm phòng, từng bước chấm dứt đại dịch.
Năm đó, một giáo sư người Nhật, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương công tác. Qua tìm hiểu, giáo sư biết số trẻ em bị mắc viêm não Nhật Bản ở Việt Nam quá nhiều. Thương nhất là những trẻ ở Bắc Ninh, Bắc Giang mắc bệnh, sau đó bị di chứng nặng nề khiến chân tay co quắp, tâm thần không được bình thường. Quá xót xa, giáo sư đề nghị Nhật Bản cho Việt Nam được chuyển giao công nghệ.
Trước đó, có rất nhiều đoàn của các nước sang Nhật Bản để học chuyển giao công nghệ nhưng đều không thành công. Tuy vậy, năm 1988, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương vẫn quyết định cử 2 nghiên cứu viên, 1 chuyên ngành dược và 1 chuyên ngành virus sang Nhật. Không may, cả 2 đều bị tai nạn máy bay không qua khỏi, việc sang nước bạn nghiên cứu phải dừng lại.
Tháng 5/1989, TS Huỳnh Thị Phương Liên, Trưởng khoa Virus của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và cử nhân sinh học Đoàn Thị Thủy được cử sang Nhật nghiên cứu, nhận chuyển giao công nghệ tại Viện Biken thuộc Đại học Osaka.
Nói là học tập một tháng, nhưng trừ những ngày nghỉ, thực tế bác sĩ Liên và cộng sự được tiếp nhận thông tin chỉ trong khoảng 19 ngày với lượng kiến thức của khóa học 12 tháng, gồm 28 công đoạn kỹ thuật cao. Tuy vậy, bà vẫn không nản lòng.
Nhờ sự nhạy bén, cần cù và ham học hỏi, bác sĩ Liên đã ghi chép lại tất cả những con số cụ thể và những gì được nghe, được thấy, được kể. Trở về nước, sau đúng một ngày, bà bắt tay ngay vào nghiên cứu từng công đoạn và quy trình để sản xuất vaccine Viêm não Nhật Bản cho Việt Nam.
Trải qua nhiều lần thử nghiệm, bà chọn được phương án phù hợp nhất, đạt kết quả cao, sinh miễn dịch rất tốt. Sau đúng một năm, 5 lô vaccine Viêm não Nhật Bản “made in Việt Nam” thế hệ 1 đầu tiên hoàn thành.
Tiếp đó, năm 1991, Giáo sư Suzuki người Nhật Bản là Trưởng đại diện WHO tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đề nghị gửi lô vaccine thứ 4 và thứ 5 sang Nhật Bản để kiểm nghiệm. Ba tháng sau, các nhà khoa học gửi thư chúc mừng tới Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương với lời nhắn: “Vaccine Viêm não Nhật Bản của Việt Nam sản xuất đạt 10 tiêu chuẩn của Nhật Bản. Các đáp ứng kháng thể đạt 100%, có độ tinh khiết tối đa, an toàn và rất tốt so với vaccine Nhật Bản”.
Việt Nam đã sản xuất thành công vaccine Viêm não Nhật Bản và trở thành nước thứ 4 tại Châu Á (sau Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan) sản xuất được vaccine này. Vaccine của Việt Nam có giá thành rẻ, chỉ 7.000 đồng cho 2 liều trẻ em từ 1 - 5 tuổi và 10.000 đồng cho một liều người lớn. Trong khi vaccine đó của Nhật Bản giá tới hơn 70.000 đồng/liều.
Năm 1997, Việt Nam đưa vaccine Viêm não Nhật Bản vào tiêm chủng mở rộng cho trẻ em 1 - 5 tuổi trên toàn quốc. Tỷ lệ mắc, chết và di chứng thần kinh do viêm não Nhật Bản ở nước ta giảm mạnh, gánh nặng cho gia đình và xã hội cũng dần thu hẹp.
Tuy vậy, cuối năm 2005, WHO đưa ra khuyến cáo về việc cần chuyển sản xuất vaccine Viêm não Nhật Bản nghiên cứu từ não chuột sang vaccine bất hoạt trên tế bào vero (vaccine Viêm não Nhật Bản thế hệ 2), do một số nước ở Châu Âu ghi nhận trường hợp dùng vaccine thế hệ 1 có nguy cơ bị viêm não tuỷ rải rác cấp tính.
GS Huỳnh Thị Phương Liên đang là chuyên gia cao cấp Công ty TNHH MTV Vắc - xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) thuộc Bộ Y tế.
Năm 2006, Giáo sư Huỳnh Thị Phương Liên vừa nghỉ hưu và đang làm việc tại Công ty TNHH MTV Vaccine và sinh phẩm số 1 Vabiotech (Bộ Y tế) tiếp tục tự mày mò, nghiên cứu vaccine thế hệ 2. Thời gian đầu, bà gặp khó khăn về việc xin cấp phép đề tài. Nhưng bà không nản chí.
Theo đơn đặt hàng của Bộ Y tế, một năm phải sản xuất 3 loạt vaccine, mỗi loạt 1.000 liều. Nhưng Giáo sư Liên đã sản xuất tổng cộng 3 loạt với hơn 5.500 liều.
“Lúc nghiệm thu, vaccine rất đẹp, cả về kính hiển vi điện tử, virus nhân lên trên tế bào thế nào…Tất cả đều đầy đủ”, Giáo sư Liên kể lại.
Vaccine chế tạo ra mà không được thử nghiệm trên người thì chẳng khác gì “công nghệ bỏ ngăn kéo”. Giáo sư Liên lại lặn lội đi xin cấp phép. Sau nhiều lần gặp gỡ, trao đổi, vaccine Viêm não Nhật Bản thế hệ 2 đủ điều kiện để thử nghiệm trên người trong 3 giai đoạn: giai đoạn 1 thử nghiệm trên người lớn; giai đoạn 2 để dò liều và giai đoạn 3 thử trên trẻ em (từ 9 đến 12 tháng). Trong đó, giai đoạn 3 vất vả nhất. “Mọi người chưa biết nhiều về vaccine và cái nhìn về vaccine cũng khác bây giờ lắm, nên ở giai đoạn 3, nhóm nghiên cứu rất khó khăn để thực hiện”, Giáo sư Phương Liên nói.
Vượt qua muôn vàn khó khăn, với sự cố gắng không mệt mỏi, trong 6 năm từ 2013 đến 2018, vaccine Viêm não Nhật Bản của Giáo sư Huỳnh Thị Phương Liên cùng cộng sự đã hoàn thành thử nghiệm trên người với 1.140 tình nguyện viên. Kết quả, vaccine JECEVAX đạt tính an toàn cao, dung nạp tốt trên người lớn và trẻ em 9 - 24 tháng tuổi.
JECEVAX cũng đáp ứng miễn dịch 99,6 - 100% không thua kém vaccine Viêm não Nhật Bản của các nước trên thế giới.
Tháng 1/2019, công trình nghiên cứu của Giáo sư Liên được nghiệm thu cấp nhà nước. Như vậy, Việt Nam là nước thứ 4 có công nghệ vaccine Viêm não Nhật Bản bất hoạt sản xuất trên tế bào vero. Nhóm nghiên cứu đang hoàn thiện hồ sơ để xin cấp phép và triển vọng sớm được sản xuất mở rộng để có vaccine phòng bệnh cho người dân.
Giáo sư Huỳnh Thị Phương Liên dành trọn cả cuộc đời nghiên cứu vaccine, tạo “lá chắn thép” giúp người dân Việt Nam chống lại bệnh tật. Hiện nay, dù đã nghỉ hưu lâu năm, nhưng hàng ngày, bà vẫn đều đặn đến khu nghiên cứu vaccine tại Công ty TNHH MTV Vaccine và sinh phẩm số 1 Vabiotech (Bộ Y tế) làm việc, tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu. Bà cũng là người hướng dẫn, chỉ bảo những thế hệ nghiên cứu sinh về sau hoàn thiện và trưởng thành hơn, từ đó vững bước trên con đường thực hiện nhiệm vụ cao cả là bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Anh hùng Lao động, TTND.GS.TS. Huỳnh Thị Phương Liên sinh năm 1940, quê tại Hội An, Quảng Nam. Bà được Nhà nước công nhận chức danh Giáo sư (1996), Danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân (2000).
Từ năm 1976 - 2018, bà là tác giả và đồng tác giả của 114 công trình khoa học đã công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế. Bà cũng chủ trì và tham gia 12 đề tài khoa học cấp Bộ và cấp Nhà nước, hướng dẫn luận án tiến sĩ cho 10 nghiên cứu sinh, tích cực đào tạo các cán bộ khoa học trẻ kế cận.
Bà Huỳnh Thị Phương Liên đã đạt Giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (2000), Huân chương Lao động hạng Hai (2005), Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2021).