Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giáo sư ĐH Oxford: Đa dạng vaccine COVID-19 là cách tiếp cận hợp lý của Việt Nam

(VTC News) -

Vị giáo sư đến từ Đại học Oxford đang làm việc tại Việt Nam đã có những chia sẻ xung quanh vaccine AstraZeneca cũng như quá trình chống dịch ở nước ta.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên VTC News, Guy Thwaites - Giáo sư Bộ môn các bệnh truyền nhiễm, Đại học Oxford, Giám đốc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam (OUCRU) - đã có những chia sẻ thân tình xung quanh vaccine AstraZeneca và quá trình chống dịch tại Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam vừa nhận lô vaccine COVID-19 đầu tiên từ chương trình COVAX -sáng kiến nhằm đảm bảo quyền tiếp cận vaccine COVID-19 công bằng - với 811.200 liều vaccine AstraZeneca. Từ nay đến cuối tháng 5, Việt Nam dự kiến có thêm gần 3,4 triệu liều vaccine từ nguồn này.

Việt Nam hôm 1/4 nhận lô vaccine COVID-19 đầu tiên được tài trợ từ chương trình COVAX.

Trước đó, lô vaccine AstraZeneca đầu tiên với 117.600 liều về Việt Nam ngày 24/2 và được tiêm phòng cho 52.868 người là cán bộ, nhân viên y tế tại 19 tỉnh, thành phố. Tổng cộng, Việt Nam dự kiến sẽ có khoảng 60 triệu liều vaccine AstraZeneca, trong đó 30 triệu liều từ COVAX, 30 triệu liều đặt mua.

Như vậy, AstraZeneca đóng vai trò không nhỏ trong tiến trình tiêm vaccine cho toàn dân ở Việt Nam, bên cạnh các loại vaccine khác cũng đang trong quá trình về với người dân. Theo ông Guy Thwaites, việc nước ta đa dạng hóa nguồn cung cấp vaccine là một cách tiếp cận hợp lý. “Không ai thích phụ thuộc hoàn toàn vào một thứ, với vaccine cũng vậy”, ông nói.

Ông Thwaites cũng chia sẻ về những thách thức Việt Nam phải đối mặt trong bối cảnh 7,8 tỷ dân toàn thế giới cũng đang "khát" vaccine cũng như cần nhiều thời gian để nước ta tự phát triển loại vaccine của riêng mình. “30 triệu liều, bao gồm AstraZeneca từ COVAX, là một khởi đầu rất tốt. Nhưng rõ ràng Việt Nam vẫn cần nhiều hơn nữa, khi các bạn có gần 100 triệu người”, ông nói.

Tuy nhiên, đóng góp của vaccine AstraZeneca trong bức tranh tiêm chủng chống đại địch COVID-19 cũng đặt ra một số lo ngại, đặc biệt xung quanh tác dụng phụ của loại vaccine này. 

Nhiều quốc gia EU tạm dừng tiêm vaccine này sau khi phát hiện khoảng 30 trường hợp huyết khối xoang tĩnh mạch não (CSVT) ở những người tiêm. Dù vậy, các cơ quan quản lý y tế của Liên minh Châu Âu và Vương quốc Anh cho biết vaccine này là an toàn để sử dụng.

Trong khi đó, AstraZeneca cho biết dữ liệu của họ cho thấy rằng hiện tượng các cục máu đông xảy ra với tỷ lệ thấp hơn ở những người tiêm vaccine khi so với toàn bộ dân số Châu Âu, với tỷ lệ ít hơn 1 trong mỗi 2 triệu người được tiêm chủng.

Ông Guy Thwaites. (Ảnh: Ngọc Anh)

Không nên quá lo lắng

Ông Guy Thwaites cho rằng cộng đồng không nên quá lo lắng về vấn đề này, vì các dữ liệu đã cho thấy đây là một loại vaccine an toàn.

“Cách tốt nhất để đánh giá rủi ro là bằng dữ liệu. Khi xem xét các thử nghiệm lâm sàng đã được công bố rộng rãi, vaccine này an toàn và hiệu quả”, ông nói.

Theo chuyên gia, mọi loại thuốc, mọi quá trình can thiệp y tế đều có khả năng xảy ra tác dụng phụ. Các tác dụng phụ như sốt và mệt mỏi thường gặp nhưng không có hại. “Bạn có thể sốt hoặc mệt mỏi một hai ngày và được ngăn chặn khỏi việc mắc phải căn bệnh truyền nhiễm chết người. Điều đó sẽ giúp cứu sống hàng trăm, hàng nghìn người”.

Vaccine hiện được hàng triệu người ở châu Âu sử dụng và đó cũng là cơ hội để biết liệu nó có an toàn hay không. “Vấn đề là, khi bạn tiêm chủng cho khoảng 18-20 triệu người, các biến cố bắt đầu xảy ra, ví dụ ở 10 người, và nó có thể có hoặc không liên quan đến vaccine”.

Ông Thwaites cho biết, các tác dụng phụ được tìm thấy cho đến nay, như máu đông ở chân và phổi, là những tác dụng phụ khá phổ biến. Nhưng “với tư cách là một cá nhân, thì bạn không nên lo lắng” về máu đông. 

“Vì khả năng bạn gặp phải một trong những tác dụng phụ này thường là sẽ không liên quan đến vaccine. Việc mọi người luôn lo lắng về tác dụng phụ của bất kỳ loại thuốc nào và nghĩ rằng nó có thể xảy ra với họ là hoàn toàn tự nhiên. Nhưng tất cả các số liệu thống kê cho thấy rằng rất khó có khả năng những điều này sẽ xảy ra với bạn”.

Tương lai điều trị COVID-19

Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) có văn phòng tại Việt Nam từ năm 1991, là đơn vị có năng lực chuyên môn cao về y học, đã nhiều năm hợp tác với các đối tác Việt Nam để nghiên cứu hệ gen ở nhiều bệnh khác nhau. Trong đại dịch, OUCRU hợp tác với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh trong thử nghiệm điều trị COVID-19, và hỗ trợ giải trình tự nhiều mẫu SARS-CoV-2 và phát hiện các biến chủng mới lan truyền vào Việt Nam.

Đối với vaccine COVID-19, dù không tham gia vào việc phân phối, ông Thwaites cho biết tổ chức của ông quan tâm đến các thông điệp xung quanh vaccine và cố gắng giúp truyền thông để mọi người hiểu về vaccine. “Chúng tôi nghĩ thông điệp vaccine an toàn là một thông điệp sức khỏe cộng đồng thực sự quan trọng”.

Chia sẻ về tương lai của việc điều trị COVID-19, Giáo sư Thwaites cho biết, để chấm dứt căn bệnh này, “sẽ phải có nhiều thứ hơn là vaccine”.

Theo chuyên gia, điều trị COVID-19 sẽ là sự kết hợp cả vaccine với việc xác định nhanh những người nhiễm virus và cách ly, ngăn chặn lan truyền. Bên cạnh đó, là ngăn ngừa chết người do căn bệnh, thông qua phục hồi hoặc cải thiện phương pháp điều trị.

“Đã có một số thử nghiệm phục hồi được thực hiện, và tin vui là Việt Nam cũng đã đồng ý tham gia một trong những thử nghiệm như vậy”, ông cho biết.

Các thử nghiệm đã bắt đầu ở Indonesia và Nepal và cũng đã diễn ra ở Anh trong năm ngoái với gần 40.000 người tham gia. Qua đó cho thấy rằng một số loại thuốc như dexamethasone, một loại thuốc chống viêm, hoặc tocilizumab có thể giảm nguy cơ chết do COVID-19. Các loại thuốc khác cũng đang được thử nghiệm.

“Sẽ cần các cuộc thử nghiệm lớn và chúng đang được tiếp tục vào lúc này. Có rất nhiều hy vọng và tôi nghĩ chúng ta đã đi được một chặng đường dài”.

“Tôi không thích họp online nhưng giờ đã quen”

Ông Thwaites là giám đốc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam từ năm 2013. Là chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và vi sinh học, ông chịu trách nhiệm về chiến lược khoa học của đơn vị, đã làm việc với nhiều đối tác là các bệnh viện và trường đại học Việt Nam. 

COVID-19 đã "chi phối" suốt 1 năm qua của ông, với khoảng 50% thời gian dành cho những công việc liên quan. 

-  Ông có thể chia sẻ những trải nghiệm cá nhân trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại Việt Nam? 

Những điều tôi và các đồng nghiệp trải qua có lẽ cũng tương tự như những gì các bạn và những người khác trải qua, những người làm việc cùng nhau trên khắp đất nước trong những thời điểm khó khăn vào tháng 3 và tháng 4 năm ngoái, khi chúng ta phong tỏa. Nhiều người làm việc tại nhà. Đó là những thời điểm thực sự khó khăn, khi trong nhà còn có con trẻ hay không có không gian rộng đủ để làm việc, hay khi bạn bị tách khỏi đồng nghiệp, bạn bè, những người thường hỗ trợ bạn.

Nhưng Việt Nam thực sự rất may mắn so với nhiều quốc gia khác. Chúng tôi cũng đã làm việc cùng với các đồng nghiệp ở Indonesia và họ bị phong tỏa gần một năm. Chúng ta không chắc chắn về tương lai sẽ ra sao, và khi nào đất nước sẽ mở cửa. Đối với chúng tôi, những người nước ngoài ở Việt Nam, chúng tôi không thể đi du lịch trong và ngoài nước một cách dễ dàng.

-  Vậy những gì đã thay đổi kể từ khi bắt đầu đại dịch?

Chúng ta đã quen với việc không thể di chuyển xung quanh, quen với các phương pháp giao tiếp với mọi người, đặc biệt là trực tuyến và làm cho chúng trở nên tốt hơn nhiều so với trước đây. Tôi là một người thường không thích các cuộc gọi hội nghị, tôi luôn thấy rằng điều đó không hữu ích lắm. Nhưng bây giờ không thể tránh được. Tôi đã học được cách làm cho chúng hữu ích hơn, sử dụng hợp lý hơn. Mặt khác thì tôi nghĩ rằng rất nhiều chuyến đi mình từng thực hiện trước đây là không cần thiết, và nhiều việc có thể thực hiện thông qua zoom chẳng hạn.

- Trong quá trình đó điều gì là khó khăn nhất với ông về khoa học?

Khó khăn nhất trong giai đoạn đầu của đại dịch là chúng tôi không hiểu đủ về cách thức lây lan hoặc gây bệnh của virus, dù biết rằng mọi người đang phải chết vì nó. Chúng tôi không biết liệu bạn có thể nhiễm virus dễ dàng bằng cách đi ngang qua một ai đó trên phố hay là cần nhiều thời gian hơn, và cảm giác không chắc chắn trong hai hoặc ba tháng đầu tiên đó là thực sự khó khăn. Tất cả mọi người, bao gồm những người đang làm việc trong bệnh viện, những người có khả năng bị nhiễm virus, đều rất lo lắng.

- Vậy ông và đội của ông đã đạt được những gì cho đến bây giờ khi chiến đấu chống lại dịch bệnh?

Việt Nam đã làm quá tốt khi kiểm soát dịch bệnh. Thành tựu khoa học của chúng tôi theo một cách nào đó là khá khiêm tốn, bởi vì không có quá nhiều ca. Nhưng điều mà tôi tự hào nhất khi đạt được, và tôi nghĩ rằng đó lý do tại sao chúng tôi ở Việt Nam, là sự đóng góp mà chúng tôi đã có thể làm cho các bạn để phản ứng với dịch bệnh. Khi Chính phủ Việt Nam phản ứng, chúng tôi đã giúp tạo ra các xét nghiệm chẩn đoán mới ngay từ đầu trong vụ dịch, chúng tôi đã giúp trong quá trình giải trình tự gen virus, thiết lập các thử nghiệm lâm sàng để giúp xác định cách điều trị đạt hiệu quả tốt nhất. Chúng tôi đã hỗ trợ để Việt Nam có thể sử dụng hệ thống sẵn có làm tốt nhất có thể. Tôi rất tự hào về điều đó.

-   Ông có nhớ về khoảnh khắc đáng ăn mừng nào không?

Có rất nhiều khoảnh khắc như vậy. Khi bạn đăng bài báo của mình mô tả những gì Việt Nam đã làm trên các tạp chí quốc tế, và mọi người công nhận. Tôi đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn, với với các nhà báo quốc tế, vì các ấn phẩm đến từ đơn vị của chúng tôi. Sự công nhận đó là một niềm hạnh phúc, bởi vì nó có nghĩa là tất cả những việc chúng tôi làm chăm chỉ thực sự đã giúp được Việt Nam, cũng như các nước khác.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phương Anh

Tin mới