Đối với một số cửa hàng thực phẩm có lợi cho sức khỏe, dầu dừa gần như là “thuốc chữa bách bệnh” từ trị tóc xấu, rụng đến giúp giảm cân. Nhưng một giáo sư Đại học Harvard, Mỹ mới đây đã phủ nhận những lợi ích như một thực phẩm tốt cho sức khỏe của loại dầu phổ biến này.
Giáo sư dịch tễ học Karin Michels của Trường Y tế công cộng Harvard TH Chan, Đại học Harvard đã phản đối những nhận định dầu dừa là một siêu thực phẩm và chỉ ra loại dầu này là “một trong những thứ tồi tệ nhất bạn có thể ăn”, bà nói loại dầu này “hoàn toàn là chất độc”.
Dầu dừa thực sự tốt khi dùng chăm sóc da, tóc nhưng hoàn toàn phản tác dụng nếu dùng như một thực phẩm.
Giáo sư Michels đưa ra bình luận trong một bài thuyết giảng với chủ đề “Dầu dừa và những sai lầm dinh dưỡng khác” tại Đại học Freiburg, Đức. Bài phát biểu bằng tiếng Đức của bà về vấn đề này đã đạt được gần một triệu lượt xem trên Youtube.
Theo The Guardian, giáo sư này đưa ra cảnh báo dựa trên nồng độ chất béo bão hòa cao có trong dầu dừa, chất được biết đến với tác dụng làm tăng lượng cholesterol LDL và từ đó tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Dầu dừa chứa hơn 80% chất béo bão hòa, hơn gấp đôi lượng được tìm thấy trong mỡ lợn và nhiều hơn 60% so với mỡ bò.
Năm 2017, Hiệp hội tim mạch Mỹ đã xem xét lại những bằng chứng về tác dụng của dầu dừa. Trong khi 3/4 công chúng Mỹ coi dầu dừa là tốt cho sức khỏe, khảo sát của hiệp hội cho thấy chỉ 37% các nhà dinh dưỡng đồng ý với điều này. Các tác giả khảo sát cho rằng tác dụng của dầu dừa phần nào được phổ biến thông qua tiếp thị trên báo chí. “Bởi vì dầu dừa làm tăng cholesterol LDL, nguyên nhân gây bệnh tim mạch và không có tác dụng tích cực nào, bù lại chúng tôi khuyên không nên sử dụng dầu dừa như một thực phẩm” – khảo sát kết luận.
Hiệp hội tim mạch Mỹ cũng nói dầu dừa tốt hơn nếu sử dụng cho chăm sóc da, tóc thay vì dùng trong thức ăn, và khuyến cáo không nên có hơn 5-6% calories trong ngày đến từ chất béo bão hòa – tương đương 13 g một ngày.
Các tổ chức khác cũng đưa ra cảnh báo tương tự. “Dầu dừa có thể được sử dụng trong chế độ ăn, nhưng vì chứa nhiều chất béo bão hòa chỉ nên sử dụng một lượng nhỏ và phải bao gồm trong một chế độ ăn cân bằng, lành mạnh.” – Quỹ dinh dưỡng Anh cho biết. “Hiện nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học mạnh mẽ nào ủng hộ những tuyên bố về lợi ích sức khỏe của việc ăn dầu dừa'', tổ chức này tuyên bố.
Dù vậy, dầu dừa cũng làm tăng lượng cholesterol HDL – được biết đến là cholesterol “tốt”, đặc biệt khi thay thế cho carbohydrates trong chế độ ăn. Tuy nhiên tác dụng của cholesterol HDL vẫn còn nhiều tranh cãi và “chúng ta không chắc chắn nhiều HDL hơn sẽ tốt hơn cho sức khỏe” – Willett, một nhà khoa học khác ở trường y tế công cộng Harvard T.H Chan cho biết.
“Vì vậy, không phải bạn cần tránh hoàn toàn ăn dầu dừa, nhưng nên hạn chế và chỉ sử dụng khi thực sự cần.” – Willett nói.