David Cheriton là nhân vật có tiếng trong ngành công nghệ, đồng thời cũng là giáo sư giàu có nhất thế giới công tác tại đại học top 3 thế giới. Ông đã tạo dựng nên tài sản nhờ sự kết hợp giữa nỗ lực kinh doanh và đầu tư khôn ngoan. Tuy nhiên, chính một cuộc gặp gỡ tình cờ với 2 sinh viên đã đưa ông đến con đường trở thành tỷ phú.
Đam mê nghệ thuật nhưng lại theo đuổi khoa học
Cheriton sinh năm 1951 tại TP Vancouver, bang British Columbia (Canada). Ngay từ nhỏ, cậu bé Cheriton đã có tinh thần tự lập mạnh mẽ, không thích chơi những môn thể thao đồng đội và tự xây một căn nhà gỗ trong sân để khỏi phải chơi với lũ trẻ hàng xóm.
Cha mẹ đều là kỹ sư, Cheriton lại mơ ước trở thành một nghệ sĩ. Ông từng tham gia nhạc kịch ở trường, tham gia nhiều vở diễn ở địa phương. Cheriton ứng tuyển vào chuyên ngành guitar cổ điển của Đại học Alberta nhưng bị từ chối.
Cheriton là giáo sư khoa học máy tính Stanford từ 1981.
Vì vậy, ông chuyển hướng, học toán và khoa học máy tính tại Đại học British Columbia, lấy bằng cử nhân năm 1973. Ông tiếp tục học cao học ngành khoa học và lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Waterloo vào năm 1978. Sau khi hoàn thành nghiên cứu của mình, Cheriton gia nhập Đại học danh giá Stanford vào năm 1981, nơi ông là giáo sư khoa học máy tính kể từ đó.
Trong suốt sự nghiệp của mình, Cheriton tham gia vào nhiều dự án kinh doanh, nhiều dự án trong số đó đã thành công rực rỡ. Ông đồng sáng lập một số công ty công nghệ, như Granite Systems, được Cisco Systems mua lại vào năm 1996 với giá 220 triệu USD và Kealia, được Sun Microsystems mua lại vào năm 2004 với số tiền khổng lồ không được tiết lộ.
Cheriton cũng đã tham gia vào nhiều công ty khởi nghiệp và là thành viên trong hội đồng quản trị của một số công ty công nghệ.
Cuộc gặp gỡ định mệnh thay đổi cuộc đời
Một cuộc gặp gỡ tình cờ với 2 sinh viên đã đưa Cheriton vào con đường trở thành tỷ phú. Vào cuối những năm 1990, Cheriton làm cố vấn cho những sinh viên Stanford mới tốt nghiệp. Sergey Brin và Larry Page tiếp cận Cheriton với ý tưởng về một công cụ tìm kiếm mới mà sau này trở thành Google, theo Forbes.
Sau bài thuyết trình dài 10 phút đó, Cheriton không mất nhiều thời gian để hiểu hết kế hoạch đầy tham vọng của hai chàng trai trẻ. "Họ gặp khó khăn trong việc gọi vốn. Tôi không nghĩ nó cần trở thành một vấn đề lớn như vậy. Các học viên tìm đến tôi vì cần hỗ trợ tài chính để mở công ty. Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm phải giúp các em, bởi chính tôi cũng đã được giúp rất nhiều mới có thể đi đến ngày hôm nay", giáo sư Stanford chia sẻ.
Cheriton quyết định viết một tấm séc trị giá 100.000 USD cho 2 nam sinh vừa tốt nghiệp. Tấm séc được viết vào năm 1998 và vào thời điểm đó, Google vẫn đang ở giai đoạn sơ khai. Số tiền từ tấm séc được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động của công ty và nhiều người tin rằng khoản đầu tư này là nhân tố chính dẫn đến thành công của Google.
Google tiếp tục trở thành một trong những công ty công nghệ thành công nhất trong lịch sử và khoản đầu tư của Cheriton sinh lợi cao. Theo Forbes, giá trị tài sản ròng của Cheriton ước tính là 9,5 tỷ USD vào năm 2023, đứng thứ 206 thế giới, với phần lớn tài sản của ông đến từ khoản đầu tư ban đầu vào Google.
Sống bình dân, dành tiền cho thiện nguyện
Dù là tỷ phú nhưng Cheriton nổi tiếng với lối sống bình dân.
Cheriton sống khá kín tiếng, không sử dụng bất cứ mạng xã hội nào, dù là Facebook, Twitter hay LinkedIn, vì muốn tránh xa những ồn ào của xã hội. Ông cũng không thường xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và coi trọng quyền riêng tư và sự thận trọng.
Bất chấp khối tài sản khổng lồ của mình, Cheriton được biết đến là người có lối sống tương đối bình dân. “Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi đầu tư, nhưng tôi vẫn có đầu óc của một kẻ ăn bám khi tiêu tiền”, ông nói với Forbes.
Tuy nhiên, ông cũng được biết đến với lòng thiện nguyện của mình với những số tiền lớn cho khoa học và thế hệ trẻ.
Năm 2005, Cheriton tặng 25 triệu USD cho Đại học British Columbia để thành lập Trường Khoa học Máy tính mang tên ông. Khoản quyên góp này là món quà đơn lẻ lớn nhất trong lịch sử của trường và nhằm giúp hỗ trợ thế hệ các nhà khoa học máy tính tiếp theo.
Cheriton cũng hào phóng ủng hộ cho Đại học Stanford, nơi ông đã giảng dạy hơn 40 năm. Năm 2016, ông đã tặng 25 triệu USD cho trường đại học để hỗ trợ nghiên cứu về khoa học máy tính và các lĩnh vực khác.