Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai thay mặt cho Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia giới thiệu báo cáo bằng hình ảnh về đánh giá kết quả công tác năm 2019 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Báo cáo nêu rõ, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước vẫn còn diễn biến phức tạp.
Ảnh: VGP
Thống kê sơ bộ đến hết tháng 11/2019, lực lượng chức năng cả nước phát hiện, xử lý 196.830 vụ việc vi phạm (giảm 16% so với cùng kỳ năm 2018), thu nộp ngân sách nhà nước 20.118,2 tỷ đồng (tăng gần 4% so với cùng kỳ), khởi tố 1.883 vụ (tăng 29% so với cùng kỳ), 2.231 đối tượng (tăng 35% so với cùng kỳ năm 2018)
Trên các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn còn tiếp diễn tại biên giới nhiều tỉnh với tình trạng vận chuyển trái phép ma túy, tàng trữ pháo nổ, đồ điện tử, phế liệu và hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng.
Trong khi đó, tại các cảng hàng không quốc tế Nội bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng; bưu điện quốc tế, chuyển phát nhanh tại Hà Nội, TP.HCM, hàng hóa vi phạm chủ yếu là hàng hóa gọn nhẹ có giá trị kinh tế cao và dễ cất giấu như vàng, sản phẩm động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, thiết bị công nghệ, rượu ngoại, thuốc lá, xì gà...
Trên tuyến đường biển, cảng biển trọng điểm như tại khu vực cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP.HCM, Đồng Nai; vùng biển Đông Bắc, miền Trung và Tây Nam bộ nổi lên hoạt động vận chuyển trái phép xăng, dầu, khoáng sản không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp, hoặc hồ sơ quay vòng nhiều lần, việc mua bán xảy ra ở khu vực biển giáp ranh giữa Việt Nam và nước ngoài, khi bị lực lượng chức năng phát hiện thì chạy khỏi vùng biển Việt Nam.
Cũng trên tuyến này, tình hình vận chuyển trái phép hàng hóa nằm trong Danh mục CITES như cá thể tê tê, vảy tê tê, ngà voi... có chiều hướng gia tăng.
Không chỉ phức tạp trên tuyến biên giới, ở trong nội địa, các đối tượng đặt sản xuất hàng hóa giả mạo các thương hiệu, nhãn hiệu của Việt Nam ở nước ngoài, dán sẵn tem nhãn tại nước ngoài sau đó thông qua các hình thức khác nhau để thẩm lậu vào trong nước tiêu thụ; hoặc vẫn giữ nguyên nhãn mác nước ngoài, sau đó về Việt Nam tẩy xóa và dán tem nhãn của Việt Nam để bán ra thị trường.
Đáng chú ý, các đối tượng còn đặt các linh kiện đầy đủ của một sản phẩm tại nước ngoài, sau đó nhập về Việt Nam tiến hành lắp ráp đơn giản, không đảm bảo tiêu chí xuất xứ của Việt Nam để tiêu thụ trong nước hoặc xuất sang nước thứ 3 để hưởng ưu đãi thuế hoặc lẩn tránh thuế tự vệ. Đơn cử như trường hợp dính "nghi vấn" của Công ty Cổ phần tập đoàn Asanzo và các công ty có liên quan.
Asanzo đang bị các cơ quan chức năng điều tra nghi vấn gian lận xuất xứ hàng hóa. (Ảnh: VnReview)
Cũng tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh, tình hình gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng.
Năm 2019, ngành hải quan đã tập trung chỉ đạo toàn lực lượng đấu tranh phòng ngừa gian lận xuất xứ, giả mạo xuất xứ Việt Nam. Có hàng sợi, may mặc, tiêu dùng, điện tử… khai là hàng Trung Quốc nhưng bên trong dán mác Made in Việt Nam, thậm chí giấy bảo hành, doanh nghiệp, địa chỉ sản xuất đều là Việt Nam và lấy thương hiệu của Việt Nam.
Nêu vấn đề khó khăn trong xử lý, ông Cẩn cho biết hiện nay có khoảng trống pháp lý về quy định xuất xứ, có luật và nghị định nhưng lại chồng chéo.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan viện dẫn ví dụ về hàng nước ngoài thành phẩm và bán thành phẩm. Ông Cẩn cho hay, "những mặt hàng này bán ra nước ngoài thì được coi là hàng Việt nhưng tiêu thụ trong nước thì không biết gọi là gì, giống như có khai sinh mà không có họ, gây khó khăn trong quản lý, nên đề nghị sớm sửa thông tư".
Đại diện Tổng cục Hải quan kiến nghị ngay trong quý I các bộ ngành cần rà soát, cấp thông tư thì ban hành rõ ràng, cấp nghị định thì sửa đổi, tránh tình trạng khi có vụ việc, hành vi thì cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý đều bối rối.
Liên quan đến hàng lậu, hàng giả, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho rằng, hiện đang có những phương thức, thủ đoạn mới nổi lên. Theo đó, hàng giả hàng nhái đến từ nhập lậu biên giới và cửa khẩu, thậm chí có hàng giả Việt Nam sản xuất ở nước ngoài và thẩm lậu vào nội địa.
Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường khẳng định, năm 2020 lực lượng quản lý thị trường xác định nhiệm vụ chính quan trọng là đẩy lùi hàng giả. Quản lý thị trường sẽ ban hành kế hoạch đấu tranh phòng ngừa xử lý vi phạm và "tấn công" các tụ điểm sản xuất hàng giả, với danh sách 20 tỉnh thành phố và các địa bàn cụ thể sản xuất và bán hàng giả như khu vực phố cổ, làng nghề, trung tâm thương mại…