Ngày 11/3/2019, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Hòa Bình, liên quan tới việc gian lận điểm trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2018.
Cơ quan An ninh điều tra đã chuyển kết luận, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố 3 bị can: Nguyễn Quang Vinh (53 tuổi, nguyên Trưởng phòng khảo thí và Quản lý giáo dục); Đỗ Mạnh Tuấn (40 tuổi, Phó hiệu trưởng trường Trung học phổ thông - Trung học cơ sở huyện Lạc Thủy và Nguyễn Khắc Tuấn (38 tuổi, chuyên viên Phòng khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục)
Quá trình điều tra, bị can Đỗ Mạnh Tuấn đã thừa nhận được hưởng 550 triệu đồng để can thiệp sửa bài thi trắc nghiệm của các thí sinh.
Tương tự, tại Sơn La, ngày 16/2/2019, cơ quan chức năng ra quyết định khởi tố ông Đỗ Khắc Hưng (54 tuổi, cựu trung tá, cán bộ phòng An ninh Chính trị nội bộ - PA83, Công an tỉnh Sơn La) về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật hình sự 2015.
Theo điều tra, ông Hưng được phân công bảo vệ phòng chứa các bài thi trong kỳ thi THPT quốc gia tại Sơn La. Ông này đã thông đồng mở khóa phòng để một số người sửa chữa điểm bài thi.
Như vậy, đến ngày 16/2/2019, tại Sơn La, 6 cán bộ ngành Giáo dục Đào tạo Sơn La bị Công an tỉnh Sơn La khởi tố bị can bao gồm: Trần Xuân Yến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Lò Văn Huynh - Trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Nguyễn Thanh Nhàn - Phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Nguyễn Thị Hồng Nga - chuyên viên Phòng khảo thí và quản lý chất lượng, bà Cầm Thị Bun Sọn - Phó trưởng Phòng Chính trị - Tư tưởng và Đặng Hữu Thủy - Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu.
Tổ công tác kiểm tra tại Hà Giang. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an)
Trong khi đó, tại Hà Giang ngày 13/7, hai ngày sau khi Bộ Giáo dục công bố kết quả thi, Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia đã thành lập tổ công tác rà soát toàn bộ quá trình coi và chấm thi khi có dấu hiệu điểm cao bất thường. Kết quả chấm thẩm định cho thấy, có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi có tổng điểm công bố chênh hơn 1 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Tổ công tác xác định người trực tiếp can thiệp vào kết quả bài thi là ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang. "Quá trình điều tra, kiểm tra điện thoại của ông Lương, chúng tôi nhận thấy rất nhiều tin nhắn được chuyển đến, lưu số báo danh thí sinh", ông Nguyễn Cao Khương - Phó trưởng phòng 4 (A83) cho hay.
Khi nhận được tin nhắn đề nghị sửa điểm, ông Lương nhập các số báo danh, file excel bài làm của thí sinh vào máy tính... Trong hơn hai tiếng, từ 12h đến 14h38, ông Lương mở ổ khoá niêm phong, rút bài ở các túi, tẩy xóa và sửa theo đáp án đã chuẩn bị trước. Khi thực hiện lại các hành vi gian lận cho tổ công tác, ông Lương chỉ mất 6 giây để sửa kết quả cho một bài thi.
Ngày 20/7/2018, Cơ quan An ninh điều tra- Công an tỉnh Hà Giang tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với Vũ Trọng Lương (41 tuổi, Phó phòng khảo thí và quản lý chất lượng – Sở GD&ĐT Hà Giang về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ để điều tra làm rõ.
Tiếp đó, ngày 23/7/2018, Cơ quan An ninh điều tra đã ra Quyết định khởi tố bị can số Lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thanh Hoài (50 tuổi, Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng – Sở GD&ĐT Hà Giang về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Nguyễn Thanh Hoài được xác định là người đã đưa chìa khóa nơi lưu giữ bài thi, hồ sơ thi trắc nghiệm đã chấm cho Vũ Trọng Lương trái với quy chế thi Trung học Phổ thông quốc gia.
Trả lời báo chí vào thời điểm điểm đó, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhấn mạnh: “Có hay không bố mẹ mua điểm cho con hay bất kỳ vấn đề nào khác, chúng ta vẫn phải chờ đợi cơ quan điều tra…Tất cả các thí sinh, con em đều là công dân Việt Nam, đều phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Vậy nên, nếu phát hiện cá nhân nào vi phạm, sẽ căn cứ theo mức độ để xử phạt theo đúng quy định".
Thế nhưng 7 tháng đã trôi qua, vụ việc tiêu cực kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 ở Hà Giang vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Từ bất ngờ đến bức xúc, khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Hà Giang.
Nếu người đứng đầu địa phương chưa bị xử lý, thì tiêu cực vẫn sẽ có?
Trước vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, khi đã làm rõ được những ai đã qua chấm định điểm được nâng lên thì sẽ phải xử lý.
TS Khuyến cho rằng, những người không đủ điểm vào đại học là bắt buộc phải cho ra khỏi trường để đảm bảo công bằng, đảm bảo chất lượng.
“Việc các em học ở đại học đã gần một năm rồi, nhưng không vì thế mà nhân nhượng. Điều này phải làm, không thể nể nang”- TS nêu quan điểm.
Ông Khuyến cho rằng, việc xử lý những người đứng đầu các địa phương để ra những sai phạm là rất quan trọng, vì họ có trách nhiệm nhưng lại để xảy ra sai phạm.
“Các địa phương hiện nay được giao quyền tổ chức kỳ thi thì phải gắn với trách nhiệm giải trình và chịu sự giám sát của xã hội. Nếu có sai phạm, Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Sự việc ở này sẽ là bài học cho các địa phương khác”, TS Khuyến nói.
Tuy nhiên, ông Khuyến cho rằng, gần một năm xảy ra sai phạm, những người đứng đầu của các địa phương đến giờ chưa có tỉnh nào đứng đầu địa phương nào bị phê bình chứ chưa nói đến cảnh cáo.
“Nếu người đứng đầu địa phương không xử lý nghiêm túc thì tình trạng chạy điểm đó vẫn tiếp tục, vẫn chuyển từ hình thức này sang hình thức khác mà thôi”, TS Khuyến nhấn mạnh.