Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giảm phí trước bạ ô tô: Bộ Công Thương đồng ý, Bộ Tài chính phản đối

(VTC News) -

Cho rằng sản xuất, lắp ráp ô tô là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, Bộ Công Thương đồng ý giảm phí trước bạ ô tô, tuy nhiên Bộ Tài chính lại từ chối.

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư góp ý Dự thảo tờ trình và Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19.

Bộ Công Thương đồng ý giảm phí trước bạ ô tô do cho rằng đây là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

Tại văn bản do Thứ trưởng Cao Quốc Hưng ký, Bộ Công Thương cho rằng sản xuất, lắp ráp ô tô là một trong những ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.

Trong dài hạn, ngành sản xuất ô tô nội địa cũng sẽ gặp phải sự cạnh tranh vô cùng gay gắt trước làn sóng ô tô nhập khẩu giá rẻ trong khu vực ASEAN tràn vào thị trường trong nước khi các hàng rào thuế quan và kỹ thuật đã được gỡ bỏ.

Do đó, nếu không quyết liệt có chính sách kịp thời và đủ mạnh để vực dậy, duy trì ngành sản xuất ô tô trong nước trong bối cảnh dịch bệnh cũng như trong dài hạn, ngành sản xuất ô tô (đặc biệt là ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi) sẽ có nguy cơ sụp đổ, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến ngân sách, việc làm và phát triển bền vững nền kinh tế.

Bộ Công Thương khẳng định, đối với việc đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020. Đây là biện pháp cần thiết để kích cầu tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

“Nếu áp dụng chung cho cả ô tô nhập khẩu, rất có thể người tiêu dùng sẽ có xu hướng chuyển sang tiêu thụ mạnh ô tô nhập khẩu khi giá bán xe nhập khẩu hạ xuống do lệ phí trước bạ giảm, gây tác dụng ngược đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước”, Bộ Công Thương cho biết.

Theo Bộ Công Thương, thời gian áp dụng chính sách này cũng rất ngắn (chỉ đến hết năm 2020) và đồng thời chính sách cũng được áp dụng trong bối cảnh đặc biệt (ảnh hưởng của dịch bệnh), do đó khả năng bị các quốc gia khởi kiện do vi phạm cam kết hầu như không có. Do đó, Bộ này đề nghị giữ nguyên đề xuất.

Về đề xuất áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô nội, Bộ Công Thương đề nghị quy định chi tiết chính sách này tại dự thảo Nghị quyết của Chính phủ. Cụ thể, áp dụng chính sách gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (với thời hạn tối đa 6 tháng) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Bộ Công Thương giải thích lý do là giúp tháo gỡ khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước, đồng thời góp phần kích cầu tiêu thụ ô tô nội địa - tương tự như đề xuất chính sách giảm lệ phí trước bạ.

Bộ Công Thương cũng đề xuất giao Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp Quốc hội gần nhất về chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô, cụ thể là không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với giá trị sản xuất nội địa, áp dụng đối với cả ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu.

Bộ Công Thương nêu lý do Nghị quyết số 23/NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định công nghiệp ô tô là một trong những ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, đồng thời định hướng thực hiện chính sách miễn, giảm thuế ở mức hợp lý và có thời hạn phù hợp nhằm phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, trong đó có ô tô.

Hiện tại chi phí sản xuất ô tô trong nước cao hơn so với các quốc gia trong khu vực từ 10-20% khiến giá thành xe sản xuất trong nước chịu nhiều bất lợi so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN trong bối cảnh hàng rào thuế qua và kỹ thuật được gỡ bỏ.

Nếu không có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm giảm giá thành xe sản xuất, lắp ráp trong nước, cụ thể là các ưu đãi về phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt, so với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, ngành ô tô Việt Nam, đặc biệt là ngành sản xuất, lắp ráp ô tô con sẽ không thể cạnh tranh được với làn sóng ô tô nhập khẩu trong thời gian tới.

Với lý do trên, Bộ Công Thương cho biết việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ khắc phục bất lợi về giá bán của ô tô sản xuất trong nước là hết sức cấp bách.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tuân thủ cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, đề nghị xem xét việc áp dụng chính sách ưu đãi trên đối với cả ô tô nhập khẩu trong trường hợp chứng minh được trong cấu thành giá ô tô nhập khẩu có chứa giá trị sản xuất nội địa của Việt Nam.

Cũng bàn về vấn đề này, tại tờ trình mới nhất dự thảo Nghị quyết các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong COVID-19 do Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì soạn thảo, Bộ Tài chính không đồng tình giảm 50% thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 5% cho các nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ. 

Bộ Tài chính lý giải đây là thuế gián thu, người tiêu dùng là đối tượng phải nộp thuế. Còn với doanh nghiệp, toàn bộ VAT đầu vào được khấu trừ với thuế giá trị gia tăng đầu ra khi xác định số thuế phải nộp, nên không ảnh hưởng đến chi phí.

Tiếp thu ý kiến trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất sửa quy định theo hướng cho phép hoãn nộp VAT đến tháng 9 với nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành chịu ảnh hưởng của dịch.

Tương tự, Bộ Tài chính không đồng ý giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã trong năm 2020 do nội dung này trùng với một số chính sách dự kiến áp dụng. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị giữ lại đề xuất này để có cơ sở cho Chính phủ quyết nghị phương hướng thực hiện cụ thể, sau đó giao lại cho Bộ Tài chính tiếp tục rà soát.

Về việc giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 cũng không được Bộ Tài chính đồng ý vì nếu thông qua sẽ vi phạm cam kết quốc tế về không phân biệt đối xử giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu.

Bộ Tài chính chỉ chấp thuận giảm 50% thuế bảo vệ môi trường vớinhiên liệu bay để cứu ngành hàng không vì ngành này chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Hoà Bình

Tin mới