Theo Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 5/8/2022 của Thủ tướng, Việt Nam giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí metan vào năm 2030 so với mức năm 2020.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp cùng các Bộ, ngành và địa phương xây dựng, thực hiện kế hoạch hành động bao gồm 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và cụ thể hóa bằng 26 nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Trong đó, thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí mê-tan trong trồng trọt như triển khai giải pháp để chấm dứt đốt phế, phụ phẩm nông nghiệp thông qua cải tiến, áp dụng trên diện rộng quy trình, công nghệ thu gom tập trung, phân loại, xử lý, tái sử dụng, tuần hoàn.
Đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường.
Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, trước đây 70% các hộ nông dân vẫn thường xuyên sử dụng giải pháp đốt rơm rạ ngoài trời, 83% hộ dân chưa có quy trình xử lý các vỏ bao bì hóa chất thuốc bảo vệ thực vật, thường được thải bỏ và đốt cùng rác sinh hoạt.
Theo ước tính của các nhà chuyên môn, đốt 1ha (trung bình 8 tấn rơm rạ) sẽ phát thải 9,1 tấn Co2, 789 kg khí CO, 398kg các chất hữu cơ độc và 12kg tro bụi. Vì vậy, để khắc phục những thách thức này, nhiều giải pháp giảm thiểu tác động của hóa chất nông nghiệp và đốt ngoài trời được triển khai tại nhiều địa phương, đến nay đang mang lại hiệu quả.
PGS.TS. Đinh Văn Phúc, Phó Viện trưởng thường trực, Viện Khoa học Xã hội liên ngành, trường Đại học Nguyễn Tất Thành, cho biết: Khi triển khai dự án ‘Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của hóa chất nông nghiệp và đốt ngoài trời đối với biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học ở Việt Nam” tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, cán bộ dự án đã hướng dẫn các giải pháp giảm thiểu hoạt động đốt ngoài trời như: Công nghệ xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh vật (Than sinh học, Làm Nhiên liệu sinh học, Sản xuất bột giấy, Phương pháp vùi rơm rạ vào đất và không làm đất, Sản xuất phân bón hữu cơ, Sử dụng rơm rạ làm thức ăn gia súc, làm nấm).
PGS.TS. Đinh Văn Phúc, Phó Viện trưởng thường trực, Viện Khoa học Xã hội liên ngành, trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Mỗi địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn cho hơn 200 hộ dân, trong đó bà con nông dân được hướng dẫn sử dụng các giải pháp thay thế mang lại hiệu quả cao. Những giải pháp này giúp giảm lượng phân hóa học, cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng, hạ giá thành đầu tư và tăng lợi nhuận, đồng thời cải thiện vệ sinh đồng ruộng. Đây là những biện pháp thiết thực không chỉ thúc đẩy năng suất và hiệu quả kinh tế cho nông dân mà còn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.
Tại Trà Vinh, câu chuyện lúa ma, cỏ dại trên cánh đồng vẫn là trăn trở của người nông dân từ nhiều năm nay, sau khi dự án được triển khai với mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch, được cung cấp thuốc xử lý rơm rạ, các chế phẩm sinh học từ các nhà khoa học của dự án đã cho thấy hiệu quả tích cực.
Ông Đoàn Trí Hải, Xã An Trường, huyện Càn Long, tỉnh Trà Vinh, chia sẻ: "Lúa vụ này trúng hơn vụ rồi. Qua việc sử dụng men vi sinh để ủ rơm rạ sau khi thu hoạch, chúng tôi thấy nó rất hiệu quả, phân hủy được rơm rạ nhanh, làm cho cây lúa không bị ngộ độc hữu cơ. Chúng tôi đã giảm đốt đồng, không ảnh hưởng đến môi trường, giảm chất hóa học, làm môi trường trở nên tốt hơn".
Ông Đoàn Trí Hải, Xã An Trường, huyện Càn Long, tỉnh Trà Vinh.
Còn tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, trong năm 2024, dự án hỗ trợ tập huấn cho gần 80 hộ nông dân địa phương.;
Cung cấp hướng dẫn kĩ thuật cho bà con nông dân áp dụng “Mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch tại đồng ruộng bằng chế phẩm vi sinh” được áp dụng thí điểm tại một số hộ nông dân tại địa phương trong hai vụ vừa qua, bao gồm vụ mùa từ tháng 9 đến tháng 12 và vụ Đông Xuân từ tháng 1 đến tháng 4. Hiện tượng “lúa ma” cũng đã được xử lý trên 90%. Theo tính toán, sau khi trừ các chi phí, người nông dân có lợi về kinh tế từ 3- 5 triệu/2.600m2.
PGS.TS. Đinh Văn Phúc, Phó Viện trưởng thường trực, Viện Khoa học Xã hội liên ngành, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, chia sẻ: "Qua thời gian hỗ trợ cho bà con, chúng tôi đến trực tiếp xem bà con thu hoạch lúa, và khảo sát kết quả, chúng tôi thấy rằng việc sử dụng chế phẩm vi sinh hoàn toàn phù hợp với điều kiện nhiều địa phương.
Trước đây, bà con ở đây sử dụng một số chế phẩm vi sinh, nhưng chỉ trong điều kiện ẩm và yếm khí. Nhưng với sản phẩm của chúng tôi có thể sử dụng trực tiếp tại đồng ruộng và trong điều kiện là có nước. Sau khi sử dụng chế phẩm vi sinh đã thấy bà con đã hạn chế được việc đốt đồng.
Kết quả thí điểm mô hình xử lý rơm rạ trên diện tích 2,01 ha cho thấy việc sử dụng chế phẩm sinh học mang lại nhiều lợi ích rõ rệt: hàm lượng chất hữu cơ tăng 27,27%, đạm tổng số tăng 1,43 lần, lân tổng số tăng 1,77 lần, lân dễ tiêu tăng 1,90 lần và kali dễ tiêu tăng 1,06 lần.
Ngoài ra, chế phẩm này còn làm tăng mật độ vi sinh vật có ích trong đất, giúp tiết kiệm chi phí và dễ thực hiện, đồng thời giảm phát thải khí metan trong quá trình canh tác. Vì vậy, việc nhân rộng mô hình và triển khai sâu rộng trên toàn quốc, kết hợp với nâng cao nhận thức của cộng đồng, là nhiệm vụ cần được thực hiện lâu dài cần sự chung sức và vào cuộc của các cấp, Bộ, ngành, địa phương".