Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang đề xuất giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan.
Theo đó, so với hiện hành, dự thảo luật đã điều chỉnh tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan tương ứng từ không được vượt quá 15% và 25% xuống còn 10% và 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; tương tự giảm từ 25% và 50% xuống còn 15% và 25% đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Nhận định về quy định này, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng, giới hạn cấp tín dụng nên dựa trên sự điều tra nghiên cứu cụ thể đối với từng doanh nghiệp và từng ngân hàng. “Mỗi doanh nghiệp kinh doanh trong điều kiện rất khác nhau, ví dụ doanh nghiệp về karaoke giải trí sẽ khác doanh nghiệp về công nghệ thông tin, một doanh nghiệp về nông nghiệp sẽ khác doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi. Do đó không nên áp dụng một con số là 10 hay 15% cho mọi doanh nghiệp”, ông nói.
Cũng theo ông Doanh, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 qua đi chưa được bao lâu, dư âm và hậu quả vẫn lớn, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về vốn thì việc áp thêm các quy định hạn chế tín dụng thì sẽ là "lợi bất cập hại".
Giảm giới hạn cấp tín dụng sẽ khiến cả khách hàng và ngân hàng có thể gặp bất lợi. (Ảnh minh họa: CafeF)
Cũng bàn về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh không phủ nhận mặt tích cực của việc giảm giới hạn cấp tín dụng khi việc này sẽ đảm bảo an toàn vốn của ngân hàng và tránh rủi ro một cách tối đa do tập trung vào một số khách hàng lớn.
Tuy nhiên, theo ông Thịnh, việc giới hạn cấp tín dụng theo đề xuất trong Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có thể sẽ gây bất lợi đối với cả ngân hàng và doanh nghiệp.
Khi đó, ngân hàng chỉ được cấp tín dụng cho khách đến một mức tối đa thấp. Giải ngân vốn trên thị trường sẽ giảm xuống. Ngân hàng cũng sẽ nhiều việc hơn khi muốn giải ngân vốn cho các đối tác khác, lại phải thẩm định các tài sản đảm bảo, các hồ sơ liên quan đến khoản vay nợ mới.
Còn đối với các khách hàng (hay doanh nghiệp), trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn gây nhiều khó khăn, các kênh huy động vốn như chứng khoán, trái phiếu chưa phát huy được vai trò huy động vốn thì vốn ngân hàng là vô cùng quan trọng. Trong khi hiện điều kiện cho vay tại các ngân hàng đã rất khó khăn thì quy định mới sẽ khiến doanh nghiệp vay được ít vốn hơn, dẫn đến thiếu vốn, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng.
Một chuyên gia phân tích: Việc điều chỉnh theo hướng giảm tỷ lệ tối đa cho vay khách hàng sẽ khiến doanh nghiệp phải tiếp cận cùng lúc nhiều ngân hàng mới đảm bảo đủ nguồn lực tài chính để triển khai dự án. Các chi phí liên quan đến tài chính cũng sẽ cao hơn rất nhiều, đặc biệt là sẽ giảm sức cạnh tranh của ngân hàng.
Ngay ở hiện tại, quy định hạn mức tối đa cũng đã gây khó cho các tổ chức kinh tế. Nhiều doanh nghiệp hay dự án lớn do không được cấp đủ vốn tín dụng phải đi huy động từ các nhiều nguồn khác. Ngoài ra, việc doanh nghiệp phải vay tại nhiều ngân hàng, phải đáp ứng nhiều điều kiện khác nhau của các tổ chức tín dụng, trong khi lại không có nguồn tài trợ chính cũng sẽ có thể dẫn đến nhiều rủi ro, khi hoạt động kinh doanh không thuận lợi hay xảy ra tranh chấp.
Các doanh nghiệp lớn hoạt động theo mô hình holding, công ty mẹ - con thường có nhiều dự án cùng triển khai một lúc, mỗi dự án đều có nhu cầu đi vay vốn. Nếu các công ty thành viên cùng vay một ngân hàng thì lượng vốn được vay sẽ rất nhỏ, buộc phải chia nhỏ nhu cầu để đi vay hoặc phải thu xếp vay đồng tài trợ nhiều ngân hàng cho một dự án mới đủ vốn đáp ứng nhu cầu. Điều này gây nhiều khó khăn, trở ngại cho hoạt động của doanh nghiệp.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng việc sửa đổi các giới hạn này.
Vì việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng sẽ tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, chi phí vốn tăng cao.
Ủy ban Kinh tế cho rằng việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng có thể tác động đến thu hút FDI khi các doanh nghiệp FDI đang vay nợ ở Việt Nam ở mức gần với giới hạn tối đa 15% và 25% theo luật hiện hành sẽ phải tìm kiếm các nguồn vốn mới, do vậy kém hấp dẫn hơn trong thu hút FDI.