Chiều 14/10, Sở Y tế TP.HCM tổ chức sơ kết hoạt động 9 tháng năm 2022 và các nhiệm vụ trọng tâm trong 3 tháng cuối năm. Tại đây, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP tóm tắt 7 thách thức lớn của ngành sau COVID-19.
“Những khó khăn này tồn tại từ lâu nhưng chúng ta gồng được. Dịch COVID-19 khiến khó khăn càng rõ hơn. Nói theo chuyên môn y tế, đây là giai đoạn sốc bất phục hồi nếu không có biện pháp điều trị”, ông Thượng bày tỏ.
Theo đó, khó khăn đầu tiên là một số bệnh viện, cơ sở y tế không có nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết 03 (chi thu nhập tăng thêm). Ông Thượng cho biết, có những bệnh viện, trung tâm, trạm y tế chưa nhận được thu nhập tăng thêm từ đầu năm đến này.
Nhân viên y tế TP.HCM sau dịch COVID-19 lại đối mặt với dịch sốt xuất huyết, bệnh hô hấp...
"Đây là nỗi khó khăn cho nhân viên y tế, là một nguyên nhân trực tiếp khiến ngày càng nhiều người nghỉ việc".
Sở Y tế kiến nghị UBND TP hỗ trợ 209 tỷ đồng từ ngân sách để các bệnh viện chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 trong năm nay (với các bệnh viện mà nhân viên chưa được hưởng).
Đồng thời, kiến nghị mở rộng đối tượng hưởng thu nhập tăng thêm từ Nghị quyết 03, bao gồm tất cả viên chức, người lao động trong chỉ tiêu biên chế được giao và theo đề án vị trí việc làm. Ước tính số tiền ngân sách phải cấp bổ sung năm 2022 để thực hiện là 305 tỷ đồng.
“Con số này không nhỏ, khoảng 500 tỷ, nhưng để giữ chân và tạo sinh khí làm việc cho nhân viên y tế, việc này cần được giải quyết”, ông Thượng tâm tư.
Thứ hai, nhân viên y tế nghỉ việc ngày càng tăng. Mới 9 tháng của năm 2022, y tế TP có trên 1.000 nhân viên nghỉ việc (tương đương số lượng của cả năm 2021).
Trong đó, đáng lo ngại là điều dưỡng nghỉ rất nhiều khiến một số khoa ghi nhận hiện tượng bác sĩ nhiều hơn điều dưỡng. Tình trạng này rất hiếm xảy ra nhưng đang có xu hướng phổ biến. Từ đó, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, theo dõi người bệnh. Nhân sự mới tuyển dụng lại không đủ bù đắp số đã nghỉ.
Thứ ba, các trạm y tế chưa thu hút được người dân khám chữa bệnh ban đầu. Nguyên nhân chủ yếu là do thuốc của trạm chưa đủ đáp ứng nhu cầu.
Thứ tư, bệnh viện công lập gặp khó trong cung cấp dịch vụ tiện ích phục vụ cho người bệnh như bãi giữ xe, căn tin. Trước đây, bệnh viện chỉ cần xin ý kiến Sở Y tế để thực hiện. Nhưng nay, bệnh viện phải chờ Sở Tài chính và UBND TP phê duyệt. Hiện chỉ có Bệnh viện Từ Dũ được phê duyệt.
Thứ năm, người dân mắc các bệnh tâm thần, truyền nhiễm, chấn thương gặp khó khăn khi thăm khám, điều trị. Lý do là Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình xuống cấp nhưng chưa được đầu tư xây mới, kéo dài rất nhiều năm qua. Hậu quả là người bệnh chịu thiệt thòi.
Thứ sáu, tình hình tự chủ tài chính của các bệnh viện càng lúc càng khó khăn. Hiện nay, số lượt khám chưa phục hồi, một số bệnh viện mất cân đối thu chi, đặc biệt là các bệnh viện đa khoa.
Thứ bảy, nhiều bệnh viện chưa được cơ quan bảo hiểm thanh toán chi phí vượt tổng mức thanh toán. Điều này làm cho tình trạng mất cân đối thu chi của các bệnh viện càng lúc càng tăng, làm tăng thời gian giải quyết công nợ.
“Một số bệnh viện sa vào cảnh nợ nần kéo dài, rất khó cho các giám đốc bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện nhỏ”.
Ông Thượng cho hay, 7 khó khăn này tồn tại từ lâu nhưng ngành y tế TP gồng được. Dịch COVID-19 khiến các vấn đề rõ hơn và vượt sức, vượt tầm. Sở Y tế TP.HCM đã đưa ra những kiến nghị về mặt chính sách, cơ chế để khắc phục tận gốc những thách thức trên, gửi đến lãnh đạo TP và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM.