Ngày 11/7, kỳ họp lần thứ 10, HĐND TP.HCM khóa X, bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Mở đầu phiên chất vấn, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm thông tin, hệ thống giao thông thành phố đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và vẫn là điểm nối giao thông quan trọng nhất trong khu vực và cả nước.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm. (Ảnh: Thành Nhân)
Trong đó, thành phố có hệ thống cảng biển lớn nhất cả nước, chiếm 25% sản lượng hàng hải của cả nước và 50% sản lượng vùng Đông Nam Bộ.
Về hàng không, TP có cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đón khoảng 40 triệu khách/năm. Về trật tự an toàn giao thông, TP.HCM giảm sâu số vụ, số người bị thương và số người chết.
“Đó là tín hiệu lạc quan cho thấy sự vào cuộc của Bộ Chính trị và ý thức đồng lòng của người dân”, ông Lâm nhận định.
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Trần Quang Thắng yêu cầu Giám đốc Sở GTVT TP.HCM làm rõ về hình thức phát hành vé của tuyến Metro số 1. Cụ thể, thẻ vé của tuyến có được tích hợp với các loại hình phương tiện giao thông công cộng khác hay không.
Trả lời vấn đề này, ông Lâm cho biết, các vướng mắc về thủ tục liên quan dự án Metro số 1 đã tháo gỡ xong. Ban Quản lý Đường sắt đô thị thành phố đã báo cáo và cam kết hoàn thành dự án trong năm 2023 và đưa vào vận hành khai thác an toàn, hiệu quả vào năm 2024.
Đại biểu Trần Quang Thắng. (Ảnh: Thành Nhân)
Đến thời điểm này, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM đã công bố mẫu thẻ IC thông minh sử dụng để đi tuyến đường sắt đô thị Metro số 1. Việc ứng dụng thẻ thông minh sẽ giúp việc vận hành tuyến metro thuận tiện nhất.
"TP.HCM đang xem xét và thống nhất sử dụng ứng dụng công nghệ thẻ xe mở, như xu thế các nước trên thế giới đang áp dụng. Với hình thức mở, hành khách có thể thanh toán bằng điện thoại, thẻ tín dụng. Thành phố cũng hướng tới việc nghiên cứu giải pháp công nghệ, kỹ thuật quản lý để thẻ vé Metro số 1 có thể tích hợp với các tuyến buýt, taxi, phương tiện đường thủy", Giám đốc Sở GTVT TP.HCM phân tích.
Về công tác PCCC, ông Trần Quang Lâm cho rằng rút kinh nghiệm trước đây tại hầm Thủ Thiêm, khi đưa tuyến metro số 1 vào vận hành, các cơ quan chức năng phải nghiên cứu kỹ phương án, các kịch bản để đảm bảo PCCC trong mọi tình huống.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Đoàn Thị Ngọc Cẩm đề nghị ông Trần Quang Lâm cho biết tiến độ xây dựng, thời điểm khởi công dự án cầu Cần Giờ.
Theo bà, dự án này đã được HĐND TP.HCM bổ sung vào nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, được làm thủ tục ghi vốn từ năm 2022, là dự án trọng điểm phát triển Cần Giờ cũng như phát triển TP.HCM ra hướng biển, đáp ứng mong mỏi của Đảng bộ, người dân huyện Cần Giờ qua bao thời kỳ.
Đại biểu Đoàn Thị Ngọc Cẩm. (Ảnh: Thành Nhân)
Trả lời thắc mắc này, ông Trần Quang Lâm cho biết, huyện Cần Giờ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông xanh, thành phố du lịch. Nhưng để phát triển được, hạ tầng phải đi trước và vấn đề được cử tri, lãnh đạo TP.HCM nhìn nhận là phải ưu tiên xây dựng cầu Cần Giờ.
Hiện, các cơ quan chuyên môn đã cơ bản hoàn thành việc lập báo cáo tiền khả thi với dự án và đang cùng với huyện Cần Giờ rà soát chi phí giải phóng mặt bằng. Dự án dự kiến có quy mô đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, phấn đấu trình HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm 2023, khởi công xây dựng vào ngày 30/4/2025.
Song song với việc nghiên cứu thực hiện dự án cầu Cần Giờ, TP.HCM cũng sẽ nghiên cứu dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, nghiên cứu hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối của huyện Cần Giờ.