Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giám đốc kỹ thuật Gede và tư duy chồng chéo của bóng đá Việt

(VTC News) -

Cuộc chia tay của VFF với Giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede cho thấy bóng đá Việt Nam tồn tại vấn đề về mặt tư duy phát triển.

1. Khi thông tin Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) Jurgen Gede và VFF không kéo dài thỏa thuận gắn bó được đăng tải, cộng sự thân tín của ông Gede là HLV Hoàng Anh Tuấn chỉ trả lời bình thản: "Bóng đá luôn thay đổi. Đòi hỏi cao hơn, nên thay đổi là bình thường. Tôi cũng liên tưởng đến HLV Park Hang Seo. Ông ấy không phải là "thánh", rồi cũng có lúc phải thay. Trong bóng đá có những thuật ngữ như sa thải, thanh lý, từ chức..., đó là điều bình thường". 

GĐKT Gede sẽ chia tay VFF sau ngày 30/6.

Với bóng đá Việt, biến động nhân sự là chuyện "cơm bữa". 10 năm qua, tuyển Việt Nam được 9 HLV dẫn dắt. Ngoài HLV Park Hang Seo, chưa ai ngồi quá 2 năm. Những cuộc chia tay thường đến từ một trong hai nguyên nhân: Không đạt chỉ tiêu hoặc không phù hợp.

Với trường hợp của Gede, 4 năm ngồi ghế GĐKT là khoảng thời gian bất cứ chuyên gia nào cũng mơ ước khi hợp tác với VFF.

Tuy nhiên, có những khúc mắc phía sau màn chia tay này. Chuyên gia người Đức đã làm và chưa làm được gì? Những thứ ông chưa làm được là do không đủ chuyên môn hay do không được tạo điều kiện để làm?

2. Thành công của bóng đá Việt trong hai năm qua được lý giải bằng nhiều yếu tố, trong đó có tầm nhìn. Ít nhất thì đây là góc nhìn của "người ngoài". Báo Thái Lan trầm trồ, cho rằng tuyển Việt Nam gặt hái thành tích tốt nhờ tầm nhìn ở cả diện ngắn, trung và dài hạn của cả nền bóng đá.

Nếu vậy, công lớn phải thuộc về GĐKT Gede, người trên lý thuyết có nhiệm vụ hoạch định chiến lược và đưa ra phương hướng phát triển. Nhưng đến khi ông Gede và VFF quyết định thôi hợp tác, người ta vẫn định lượng những gì Gede làm được một cách rất mù mờ.

Ai cũng nói ông giỏi, nhưng chiến lược của Gede là gì, ứng dụng được bao nhiêu, hiệu quả cỡ nào, không ai biết. 

Dấu ấn lớn nhất của ông Gede trong 4 năm chỉ là hình ảnh gắn bó, hợp tác với HLV Hoàng Anh Tuấn ở U19 Việt Nam giai đoạn 2016 - 2018 với vai trò tham vấn chuyên môn.

Ngoài ra, Gede đi cùng đội U15 Việt Nam của HLV Vũ Hồng Việt, xuất hiện cùng U23 Việt Nam của HLV Park Hang Seo cũng với vai trò tương tự. 

GĐKT Gede và HLV Hoàng Anh Tuấn. 

Với kinh nghiệm bóng đá dạn dày, Gede kiêm luôn vai trò trinh sát đối thủ, giúp các HLV lên kế hoạch tác chiến. Nhưng tại sao Gede, thay vì hoạch định chiến lược cho nền bóng đá, lại phải đóng góp trực tiếp vào chuyên môn - công việc đáng ra trợ lý HLV cần làm? 

3. Khi người đáng ra phải hoạch định chiến lược lại đi... do thám đối thủ, còn HLV thay mặt GĐKT để phát biểu về những yếu tố phát triển dài hơi của bóng đá Việt, điều đó cho thấy đang có sự lẫn lộn về vai trò ở VFF.

Nói cách khác, dường như Gede không làm đúng công việc của mình. Nếu Gede "ngồi nhầm ghế", vậy những "kế hoạch dài hạn" để bóng đá Việt thành công do ai đưa ra? Hay thực sự chúng ta không có một kế hoạch dài hạn nào.

Thành tích có được chỉ đơn thuần đến từ lứa cầu thủ 1995-1997 với chất lượng nổi trội được đào tạo từ các trung tâm, lò luyện tiếng tăm như HAGL, PVF, Hà Nội, SLNA hay Viettel, cộng với cái duyên và đẳng cấp của HLV Park Hang Seo và cộng sự.

Dấu ấn của ông Gede vì thế cũng mờ nhạt trong bức tranh tổng thể. 

Gede có được làm đúng vai trò thuần túy của GĐKT?

Chia sẻ với VTC News, cựu chuyên gia của Hà Nội FC Daniel Enriquez cho rằng công việc của GĐKT gồm 6 đầu mục, đó là lập kế hoạch, tổ chức, vận hành, phối hợp, kiểm soát và định hướng.

Khác với HLV, người mà chất lượng công việc được kiểm chứng bằng thành tích trên sân, hiệu quả công việc của GĐKT phải được tính toán bằng cả quá trình. Và 4 năm có lẽ chưa đủ lâu để định lượng thành bại của một chiến lược.

Không chỉ chồng chéo công việc và mông lung về mặt vai trò thượng tầng, bóng đá Việt còn phát triển kiểu "mạnh ai nấy làm". Những định hướng kiểu phát triển bóng đá trẻ đồng bộ vẫn nằm trên bàn giấy, khi chỉ một số trung tâm đào tạo được đầu tư bài bản, đủ tiêu chuẩn.

Các cầu thủ trẻ ít được tạo cơ hội ở V-League. Giải đấu trẻ chỉ được tổ chức "hú họa", lẻ tẻ, không đủ nhiều để cầu thủ tích lũy kinh nghiệm. Hệ thống bóng đá học đường, bóng đá cộng đồng mới đi lên kiểu manh nha. Chế độ dinh dưỡng, y tế ở nhiều CLB gặp vấn đề. Bản thân V-League còn gặp khó khi tìm nhà tài trợ.

Đầu tư bóng đá không nên tồn tại theo kiểu "chỉ vui mới vỗ tay vào". Bản thân bóng đá phải có sức hấp dẫn tự thân thu hút nhà tài trợ. Đây là điều bóng đá Việt vẫn thiếu.

Vậy giải quyết thế nào, chiến lược cụ thể là gì, thời gian qua làm và chưa làm được gì, vá víu thiếu sót ra sao, đó mới là thứ người ta mong đợi ở bộ não của GĐKT đã kinh qua nhiều nền bóng đá phát triển như Đức, Iran, Uzbekistan. 

Mà những điều ấy, người ta vẫn không biết liệu Gede có được làm hay không.

Hồng Nam

Tin mới