Ngày 18/10, Bộ Y tế và Tuổi Trẻ Online tổ chức cuộc trò chuyện trực tuyến giữa với 3 bác sĩ đã tham gia cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 là Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, bác sĩ Nguyễn Tri Thức và bác sĩ Lê Minh Khôi.
Nhận nhiệm vụ chớp nhoáng sau cuộc gọi
Khoảnh khắc mà BS Nguyên Tri Thức khó quên trong khoảng thời gian dài chống dịch vừa qua chính là lúc nhận được cuộc điện thoại từ một vị lãnh đạo TP.HCM.
Vị lãnh đạo trao đổi rất nhanh với ông về tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM diễn biến phức tạp, và mong ông có thể sắp xếp nhận nhiệm vụ làm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19. Thời điểm này, dịch diễn ra rất nhanh và chưa có Trung tâm hồi sức cấp cứu Trung ương hỗ trợ, chỉ có duy nhất Trung tâm hồi sức cấp cứu 1.000 giường tại TP.HCM.
“Trước chỉ đạo của thành phố, tôi rất băn khoăn và suy nghĩ vì chưa hình dung được vấn đề sắp trải qua và công việc thời gian tới như thế nào. Lúc bấy giờ, tôi trao đổi chớp nhoáng với một số trưởng khoa phòng và các bộ phận liên quan chỉ trong vòng 15 phút. Trả lời lãnh đạo TP.HCM, chúng tôi cần xin phép Bộ Y tế cho BV Chợ Rẫy đảm trách Trung tâm hồi sức COVID-19 TP.HCM. Đây là thời khắc nhanh và chớp nhoáng, đem lại hiệu quả cao trong công tác chống dịch của thành phố", BS Nguyễn Tri Thức kể lại.
BS Nguyên Tri Thức.
BS Nguyễn Tri Thức chia sẻ, bản thân có rất nhiều kỷ niệm, tuy nhiên những kỷ niệm đáng nhớ lại là những chuyện rất đời thường. Chẳng hạn Bệnh viện hồi sức COVID-19 có nhiều lực lượng chi viện, vì thế có khi tiếng nói cũng không hiểu được vì khác vùng miền, ăn thì khẩu vị khác nhau. Trong hai tuần đầu rất khó khăn để các y bác sĩ hòa nhập và làm việc thành một ê-kíp.
Trong suốt 5 tháng vừa qua, cá nhân BS Nguyễn Tri Thức và tập thể bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và Hồi sức COVID-19 cảm nhận rất rõ tình người trong đại dịch, tinh thần đại đoàn kết, tình yêu thương của nhân dân TP.HCM, cả nước và nước ngoài đã thấu hiểu và chia sẻ, hỗ trợ, đồng hành lực lượng chống dịch.
“Điều này tạo động lực rất lớn, không cho phép chúng tôi gục gã và đứng lên chiến đấu hết mình. Theo tôi, tinh thần đoàn kết đóng vai trò quyết định thành công trong vai trò chống dịch vừa qua", BS Nguyễn Tri Thức nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, TP.HCM bắt đầu các hoạt động nhộn nhịp trở lại, tuy chưa hoàn toàn được như trước nhưng đây là dấu hiệu đáng mừng. Điều này chứng tỏ các biện pháp chống dịch của thành phố đi đúng hướng.
"Nhìn cảnh đường sá, sinh hoạt nhộn nhịp trở lại, cá nhân tôi rất vui vì trong đó có công sức nhiều lực lượng để TP.HCM có diện mạo mới. Tôi rất mong muốn tất cả người dân TP đều có việc làm trở lại. Đặc biệt các em học sinh được đến trường, điều này rất quan trọng, ảnh hưởng tâm lý các em trong suốt quãng đường về sau”, BS Nguyễn Tri Thức chia sẻ.
Vì chữ đồng bào, chúng ta đã đi qua 5 tháng khó khăn
BS Lê Minh Khôi, Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức COVID-19, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã dùng từ "bi tráng" để nói về thời gian 5 tháng chống dịch. Bởi vì, "bi" có nhiều mất mát, thương đau mà không tránh được. "Tráng" là toàn bộ hệ thống chính trị từ y tế, đồng bào, thiện nguyện,… vào trung tâm hồi sức hỗ trợ ngành y tế.
"Chúng ta đi qua nhiều thương đau nhưng cuối cùng vượt qua chính mình, vượt những khoảnh khắc đau thương nhất để thêm sức mạnh từ đồng bào, đồng đội, toàn bộ nhân dân để đi qua cuộc chiến này. Đó là cảm xúc có lẽ cả cuộc đời tôi sống và hành nghề y không bao giờ có được lần thứ 2", BS Lê Minh Khôi xúc động nói.
BS Lê Minh Khôi.
Trong tiến hóa sẽ có biến cố nào đó để tạo ra bước tiến. Dịch COVID-19 là biến cố, tác động toàn thể cộng đồng, kể cả doanh nghiệp, nhắc chúng ta phải "soi rọi", điều chỉnh bản thân. Và BS Lê Minh Khôi xem đợt dịch này là biến cố để phát triển bền vững hơn.
Khi bước vào trận chiến này, trên cả đồng nghiệp thì có đồng đội. Bởi vì đồng nghiệp thì trao đổi với nhau về công việc, còn đồng đội đã nâng đỡ rất nhiều điều khác mà bên ngoài không thấy được. Khi đối diện cái chết, khó khăn thì tình đồng đội rất cao.
"Có một từ tôi hay nói với các bạn trẻ, sinh viên, tình nguyện viện là "đồng". Đồng lòng, đồng nghiệp và đồng đội đều hướng về đồng bào. Chính tiếng "đồng bào" thúc đẩy tôi và cả những đồng nghiệp trẻ bước tiếp, đồng lòng vượt qua thời điểm khó khăn nhất. Tôi hy vọng trong thời gian tới với chữ đồng đó chúng ta sẽ cùng thành phố vượt qua dịch bệnh và đi lên", BS Lê Minh Khôi chia sẻ.