Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đề nghị tăng ngày nghỉ lễ cho người lao động

Đại biểu Quốc hội Phạm Như Hiệp đề nghị tăng thời gian nghỉ lễ, Tết trong năm theo phương án nghỉ ghép thêm vào dịp lễ Quốc Khánh, Tết Dương lịch.

Góp ý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, GS Phạm Như Hiệp - Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế nhận định, mục tiêu cuối cùng là hướng đến một bộ luật liên quan tổng thể các vấn đề về việc làm, an sinh xã hội khi thông qua phải đảm bảo dung hòa được yêu cầu của thị trường, đòi hỏi của thực tiễn và đảm bảo được quyền lợi cho người lao động.

Theo GS.TS Phạm Như Hiệp, về các ngày nghỉ lễ, Tết, theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) thì số lượng ngày nghỉ lễ, Tết trong năm của nước ta vẫn giữ nguyên theo quy định hiện hành là 10 ngày.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới có thời gian nghỉ lễ khá dài và chia thành nhiều đợt trong năm. Ở nước ta, đặc biệt là Tết Dương lịch và ngày Lễ Quốc khánh là ngày lễ có ý nghĩa trọng đại của đất nước, trong khi đó chúng ta chỉ có bố trí 1 ngày, trên thế giới lại bố trí nhiều ngày nghỉ hơn.

 Đại biểu Phạm Như Hiệp trình bày bài phát biểu góp ý cho dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

"Vì vậy, đề nghị nên chăng tăng thời gian nghỉ lễ, Tết trong năm theo phương án nghỉ ghép thêm ngày nghỉ vào dịp lễ Quốc Khánh, Tết Dương Lịch để người lao động có thời gian dài hơn để nghỉ ngơi, có điều kiện hưởng thụ các dịch vụ cũng như đi du lịch, nghỉ dưỡng nhằm tái tạo được sức lao động", đại biểu Phạm Như Hiệp nói.

GS Phạm Như Hiệp cho rằng, về bảo vệ thai sản (Điều 137), quy định người sử dụng lao động không được sử dụng lao động làm việc vào ban đêm đối với phụ nữ mang thai tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Đối với phụ nữ mang thai ở những tháng cuối cũng rất quan trọng, không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà có khi ở thành phố, công nhân khu chế xuất, khu công nghiệp công việc cũng nặng nhọc không kém. Do đó, cần quy định 6 tháng chung cho tất cả phụ nữ mang thai để đảm bảo tính công bằng.

Riêng về thời gian làm việc, cần phải xét tổng thể nhiều yếu tố như độ tuổi nghỉ hưu, thời gian làm việc bình thường và việc tăng thời gian làm thêm…

Theo quy định trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này thì thời gian lao động bình thường vẫn giữ nguyên như Bộ luật Lao động năm 2012. Theo đó thì thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần.

Đại biểu cho rằng việc sửa đổi lần này cần có nhiều đổi mới nhằm bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam; đồng thời cần bảo đảm tính công bằng trong điều kiện làm việc.

Hiện nay ở cơ quan hành chính nhà nước quy định thời gian làm việc là 40 giờ/tuần; đối với khối đơn vị hành chính sự nghiệp như giáo dục, y tế thời gian làm việc bình quân từ 44 - 48 giờ; đối với khối doanh nghiệp đa phần là 48 giờ.

Như vây, mặc dù trong dự thảo quy định Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ nhưng trên thực tế chỉ khối cơ quan hành chính Nhà nước đã thực hiện còn các khối khác vẫn đang áp dụng là mức từ 44 – 48 giờ/tuần.

NGUYỄN VƯƠNG

Tin mới