Bình Dương đang là điểm "nóng" thứ 2 sau TP.HCM về số ca mắc COVID-19. Từ đợt dịch thứ 4 đến nay địa phương này đã ghi nhận gần 35.000 ca mắc, 242 bệnh nhân tử vong. Đáng chú ý trong thời gian gần đây số ca mắc liên tục gia tăng, có những ngày trên 2.000 ca nhiễm.
Các y bác sĩ làm việc quên ngày tháng
Hiện số bệnh nhân đang điều trị trên địa bàn tỉnh trên 10.000 bệnh nhân, trong đó nhiều người diễn tiễn nặng. Đối diện với tình trạng quá tải, tỉnh rất cần sự chi viện của Bộ Y tế về bác sĩ và trang thiết bị.
Bác sĩ Văn Quang Tân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bình Dương. (Ảnh: Báo Bình Dương)
Theo Bác sĩ Văn Quang Tân, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bình Dương, số ca mắc COVID-19 vẫn gia tăng với diễn biến khó lường và còn có thể tăng nữa. Trước tình hình đó, Bình Dương đầu tư nhanh cho cơ sở giường bệnh, phương tiện kỹ thuật, máy móc thiết bị và cả con người để giảm tối đa ca nguy kịch, tử vong.
Riêng tại Bệnh viện Đa khoa Bình Dương - nơi đây tập trung các ca bệnh nặng, rất nặng và nguy kịch. Là tuyến cuối điều trị COVID-19 ở Bình Dương nên tại đây có rất nhiều bệnh nhân phải thở oxy, máy thở.
"Chúng tôi tập trung rất mạnh vào tuyến điều trị để chăm lo cho người bệnh vì bệnh này diễn tiến nhanh quá. Tất cả các y bác sĩ phải tập trung cao cho công tác điều trị, nhất là người có triệu chứng. Các thầy thuốc trong cả nước cũng đã chi viện lực lượng hùng hậu cho Bình Dương nên việc điều trị đang được đẩy mạnh. Chúng tôi làm việc quên luôn ngày tháng", Bác sĩ Tân nói.
Oxy rất quan trọng
Theo bác sĩ Tân, do virus SARS-CoV-2 tấn công vào hệ hô hấp, làm tê liệt hệ hô hấp, nên oxy cực kỳ quan trọng, do đó phải đảm bảo oxy cho người bệnh. Hiện khu điều trị COVID-19 của Bệnh viện đa khoa Bình Dương có 620 bệnh nhân, gồm tất cả các ca có bệnh nền, có người chưa chuyển biến nặng, có cả em bé. Trong số đó khoảng 250 người phải thở oxy, thở máy.
Các bác sĩ trong khu điều trị bệnh nhân COVID-19.
"Oxy cũng như máy móc, trang thiết bị luôn là vấn đề quan trọng. Chúng tôi đang được hỗ trợ bằng cách mua nhanh, mua chỉ định để kịp cứu người. Bên cạnh đó các mạnh thường quân cũng hỗ trợ nên nhiều người trong cơn nguy kịch đã hồi sinh. Chúng tôi quyết tâm không để người bệnh phải thiếu máy móc, oxy dẫn đến tử vong", Bác sĩ Tân nói.
Giám đốc bệnh viện đa khoa Bình Dương cũng cho biết, để kịp thời cứu chữa bệnh nhân COVID-19, bệnh viện đẩy mạnh kết nối kết nối hệ thống Telehealth. Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc hỗ trợ đơn vị rất nhiều. Điển hình như việc kết nối với các bệnh viện lớn ở Hà Nội, Thừa Thiên - Huế; Bệnh viện Chợ Rẫy… những trường hợp nặng là bệnh viện hội chẩn ngay qua trực tuyến. Nhờ đó, các chuyên gia hàng đầu, nhiều kinh nghiệm đã tư vấn đưa ra các phác đồ điều trị hiệu quả nhất.
Ngoài ra, ông cho biết, các đơn vị thu dung, điều trị COVID-19 khác ở Bình Dương cũng bố trí nhân lực, trang thiết bị công nghệ thông tin và đường truyền đầy đủ để sẵn sàng cho việc hội chẩn trực tuyến, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Bệnh viện dã chiến Bình Dương tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế.
"Đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn giỏi để điều trị các ca bệnh COVID-19 luôn được bổ sung. Với các nỗ lực này hy vọng sớm giúp các bệnh nhân từ nặng thành nhẹ và khỏi", bác sĩ Tân nói.
Bình Dương có 2,5 triệu dân, giáp TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh và Bình Phước. Đây là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất phía Nam với gần 50.000 doanh nghiệp, hơn 1,2 triệu lao động. Nhiều khu nhà trọ đan xen với các nhà máy, xí nghiệp. Vì vậy, theo Sở Y tế Bình Dương, mầm bệnh xâm nhập từ các khu trọ vào công ty xí nghiệp, rồi từ công nhân lan ra các khu trọ khác, tạo thành các ổ dịch lớn.