Để hiểu rõ hơn về tác động và những giải pháp hiệu quả giảm bao bì nhựa, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên giảng viên cao cấp Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
- Thưa PGS.TS Vũ Thanh Ca, rác thải nhựa bắt nguồn từ bao bì nhựa, quá trình đóng gói và vận chuyển. Theo ông, bao bì nhựa tác động thế nào đến môi trường và sức khỏe con người?
Rác thải nhựa bắt nguồn từ sử dụng các sản phẩm nhựa, trong đó bao bì nhựa chiếm phần lớn. Chúng ta cần phải xem xét các vấn đề ở hai mặt của nó.
Bao bì nhựa trong nhiều trường hợp phải đảm bảo thực phẩm, nhất là thực phẩm ăn liền, thực phẩm tươi sống vẫn giữ được độ tươi ngon, không bị nhiễm khuẩn, đảm bảo điều kiện vệ sinh và tốt cho sức khỏe con người. Ngoài ra, tác dụng cụ y tế như ống tiêm, kim tiêm dùng một lần hoặc túi/hộp dung dịch tiêm truyền là rất cần thiết. Trong thương mại điện tử, bao bì nhựa giúp hàng hóa không bị ẩm, mốc, méo.
Nếu tính toàn bộ vòng đời sản phẩm thì sản phẩm nhựa dùng một lần, thậm chí còn ít gây tác động môi trường hơn so với sản phẩm được cho là thân thiện với môi trường. Các nghiên cứu ở Anh, Thụy Điển cho thấy rằng là túi nilon dùng một lần có tác động môi trường ít hơn so với túi vải bông.
Rõ ràng việc loại bỏ toàn bộ sản phẩm nhựa dùng một lần và các bao bì là thực sự là bất khả thi. Tuy nhiên, vấn đề rất lớn hiện nay mà chúng ta đang phải đối mặt đó là người bán hàng/ nhà sản xuất đang lạm dụng sản phẩm nhựa và chúng ta sử dụng quá nhiều bao bì nhựa trong đóng gói và vận chuyển, tức là rất nhiều lớp và quá an toàn.
Rất nhiều doanh nghiệp mong muốn cải thiện vẻ bề ngoài của sản phẩm. Ví dụ như hộp quà Tết, quà tặng, bánh trung thu… thường sử dụng những bao bì rất đẹp và nhiều lớp, tạo nên cảm giác sạch sẽ và xa hoa. Và thế là giá mặt hàng tăng lên.
Việc lạm dụng bao bì nhựa trong đóng gói và vận chuyển gây ra tác động rất xấu cho môi trường và tăng nguy cơ ô nhiễm. Nếu bị thất thoát ra môi trường thì sản phẩm nhựa mất hàng trăm năm, thậm chí cả ngàn năm để phân hủy và khi phân hủy chúng sẽ giải phóng các phụ gia độc hại.
Trong khi sản xuất, để cho nhựa bền và đẹp người ta luôn luôn phải sử dụng các phụ gia và các phụ gia này nói chung là rất độc hại, khi phân hủy sẽ giải phóng ra môi trường sẽ gây độc cho con người và các sinh vật. Khi các chất gây độc ngấm vào đất, vào nước, có khả năng làm chết rất nhiều sinh vật, đồng thời làm giảm quá trình phát triển của các sinh vật và thậm chí thay đổi giới tính của loài.
“Theo Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, năm 2022 số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến là 57 triệu và năm 2023 sẽ tăng lên khoảng 59 – 62 triệu, giá trị mua sắm trực tuyến của một người tiêu dùng của hai năm này tương ứng là 288 và 300 – 320 USD. Nhóm hàng thời trang và mỹ phẩm được mua nhiều nhất, tiếp đó là nhóm hàng đồ dùng gia đình”.
- Nhựa vẫn là phát minh vĩ đại của loài người, giúp sinh hoạt và sản xuất của con người trở nên thuận lợi và thúc đẩy phát triển nhanh hơn bao giờ hết. Vấn đề là chúng ta đang lạm dụng dẫn đến ô nhiễm nhựa. Theo ông, để giảm bao bì nhựa, chúng ta nên bắt đầu từ đâu?
Đối với bao bì nhựa thì ta cần phải có những quy chuẩn về bao bì để các doanh nghiệp không lạm dụng. Cần có hướng dẫn cụ thể, chỉ được sử dụng những bao bì như thế nào cho mặt hàng nào. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ không lạm dụng bao bì nhựa.
Đồng thời, cần phải có những hướng dẫn để doanh nghiệp xác định sản phẩm nào thực sự cần đến bao bì nhựa. Ví dụ đồ uống thì ống hút rất tiện lợi. Đây là sản phẩm nhựa quá nhỏ để người ta thu gom, hiệu quả tái chế không trong khi tác động môi trường rất lớn. Mặc định khi đặt đồ uống là cửa hàng sẽ đóng góp cả ống hút nhựa bọc ngoài lớp nilong mỏng. Hay dao, thìa, đĩa ăn dùng một lần cũng vậy.
Vì vậy, cần phải có quy trình kinh doanh xanh, đó là các sàn thương mại, nhà cung cấp sản phẩm phải xác định rõ trước khi đóng gói chuyển đi là khách đặt hàng này có yêu cầu ống hút, dao, thìa, đĩa không?
Vấn đề tôi muốn nhắc lại cực kỳ quan trọng mà hiện nay ta chưa chưa áp dụng được bao nhiêu. Đấy là cần áp dụng quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, chính thức có hiệu lực từ năm 2024. Theo đó, trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới toàn bộ vòng đời của sản phẩm đó, tức là tới giai đoạn thải bỏ.
Nó yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm: thu gom; tiền xử lý, phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; tái sử dụng; thu hồi (bao gồm: tái chế và thu hồi năng lượng) hoặc cuối cùng là thải bỏ. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ rất chú ý tới các bao bì mà họ sử dụng vì họ phải có trách nhiệm quản lý nó hoặc phải trả tiền cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý nó.
Khảo sát theo các kênh bán hàng trực tuyến cho thấy túi nylon được sử dụng trên mọi nền tảng online, không phân biệt là kênh website, sàn TMĐT hay mạng xã hội. Khi bán hàng đa kênh thì số lượng nilon dùng trong đóng gói chiếm tỷ trọng rất cao và vượt trội so với bán hàng đơn kênh, với các tỷ lệ tương ứng là 71,9% và 50%.
Nguyên nhân có thể là do sự tiện lợi và giá rẻ nên túi nylon đang rất được ưa chuộng khi kinh doanh đa kênh online nhằm đảm bảo hàng hoá được an toàn và đáp ứng nhu cầu mọi đối tượng khách hàng.
Có 50% thương nhân được khảo sát kinh doanh ngành hàng “Quần áo, thời trang, phụ kiện”, nhưng tình hình sử dụng vật liệu đóng gói ở ngành này tương đồng với các ngành khác và đều ưu tiên sử dụng carton hoặc carton kết hợp túi nilon với tỷ lệ 70% với đơn hàng thời trang và 55% cho các ngành khác. Tỷ lệ sử dụng túi giấy ở mức thấp, dao động trong khoảng 10% cho mọi đơn hàng”
(Trích: Báo cáo Chất thải nhựa bao bì từ thương mại điện tử tại Việt Nam 2023, do WWF và VECOM thực hiện)
- Doanh nghiệp có những lợi ích gì khi chuyển đổi sang các giải pháp bao bì bền vững, thưa ông?
Với quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, doanh nghiệp phải có các biện pháp để tuân thủ nó, nếu không họ sẽ phải đối mặt với những khoản phạt rất lớn. Do vậy, doanh nghiệp phải tìm cách giảm thiểu lượng rác thải nhựa, đặc biệt là đối với bao bì mà không ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ phải luôn nghiên cứu để tìm cách cải tiến công nghệ và cách quản lý nhằm vừa đảm bảo hiệu quả kinh doanh vừa tuân thủ pháp luật. Các doanh nghiệp có thể sẽ phải đánh giá lại toàn bộ chuỗi cung ứng, các khách hàng tiềm năng, lập chiến lược để giảm thiểu rác thải và quản lý rác thải một cách hiệu quả.
- Nhà nước cần hỗ trợ gì cho doanh nghiệp để chuyển đổi xanh?
Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh. Đặc biệt, Nhà nước cần xây dựng và ban hành những quy chuẩn về bao bì để các doanh nghiệp không lạm dụng các bao bì.
Việc chuyển đổi xanh cần được quảng bá rộng rãi. Nhà nước cũng cần tuyên truyền về trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp thực hiện tốt việc quản lý sản phẩm nhựa cần được tôn vinh, cấp chứng chỉ để họ có thể sử dụng trong việc quảng bá các sản phẩm xanh của mình, nâng cao uy tín của doanh nghiệp và sức hấp dẫn của sản phẩm doanh nghiệp với người tiêu dùng thông minh.
Xin cảm ơn PGS.TS Vũ Thanh Ca.