Trả lời VTC News, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nói: “Phải khẳng định giảm thuế VAT hết sức cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hiện nay, nhất là về thị trường xuất khẩu khi cầu thế giới giảm do suy thoái, lạm phát. Lượng hàng hóa ứ đọng trong kho đồng nghĩa doanh nghiệp bị đọng vốn, không thể quay vòng. Việc giảm thuế VAT sẽ có tác động giảm chi phí đầu vào lẫn giá thành đầu ra, qua đó thúc đẩy tiêu dùng cuối cùng. Theo tính toán của chúng tôi, giá hàng hóa sẽ giảm khoảng 1,5%, đóng góp vào kiểm soát lạm phát cả năm nay sẽ ở mức 3,5 - 3,8% và tăng trưởng kinh tế vào khoảng 6,8 - 7,5%”.
Theo ông Thịnh, để chính sách phát huy sâu rộng hơn thì nên tính toán giảm thuế VAT xuống 8% kéo dài hơn 6 tháng. Tuy nhiên, ông thừa nhận điều này không hề dễ.
“Thời gian giảm thuế VAT thuộc thẩm quyền Quốc hội và phụ thuộc vào số năm tài khóa của chính sách tài khóa, thời hạn này kéo dài từ 1/1 đến 31/12. Hơn nữa, muốn giảm, miễn hay thay đổi về thuế phải có sự xem xét, cân đối giữa nguồn thu ngân sách Nhà nước với khả năng chi tiêu và cân đối vĩ mô chung của nền kinh tế”, ông Thịnh phân tích.
Muốn kéo dài việc áp dụng giảm thuế VAT xuống mức 8% còn phụ thuộc vào kế hoạch tài khóa của từng năm tài khóa, rồi mới phân tích xem có thể giảm bao nhiêu, trong thời gian bao lâu.
"Ít nhất chúng ta phải đợi đến khoảng tháng 10, tháng 11, khi mà có bản kế hoạch thu chi ngân sách nhà nước năm 2024, để xem việc cân đối thu chi ngân sách nhà nước năm 2024 là thế nào, rồi từ đó mới có cơ sở xem xét có thể miễn giảm thuế được ra sao", ông Thịnh nói.
Nhiều mặt hàng sẽ được giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2023.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nếu kéo dài thời gian giảm thuế VAT sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước. “Tuy nhiên, nếu tới lúc hết hạn mà người dân, doanh nghiệp vẫn còn khó khăn thì Chính phủ nên tính toán tiếp”.
Đồng tình với quan điểm trên, TS Lê Đăng Doanh nói: “Tôi đi dự nhiều hội nghị, hội thảo về kinh tế và thấy rằng, các doanh nghiệp hiện đang khó khăn về mọi mặt. Việc giảm thuế VAT là một trong những giải pháp thiết thực, giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí sản xuất, gia tăng sản lượng, làm tình hình bớt khó khăn hơn. Do đó, tôi rất ủng hộ quan điểm kéo dài thêm thời hạn áp dụng chính sách giảm thuế VAT 2%”.
Đưa ra quan điểm về vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm nêu ý kiến, trong trường hợp giảm thuế VAT kéo dài trên 6 tháng sẽ phải tính đến sức chịu đựng của ngân sách.
"Nếu giảm VAT lâu hơn, quá 6 tháng thì phải đánh giá tác động xem ngân sách khó khăn hay không, giảm dài hơn ngân sách Nhà nước có chịu được không? Trong thời điểm này, chúng ta phải làm hai nhiệm vụ vừa phải giảm khó khăn cho doanh nghiệp nhưng cũng phải đảm bảo ổn định các cân đối lớn của vĩ mô. Do đó, việc giảm thuế VAT cũng phải cân đối về mặt thời gian", ông Lâm nói.
Tuy nhiên, theo ông Lâm, trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu đơn hàng, người lao động phải nghỉ luân phiên, suy giảm trong sản xuất kinh doanh, việc áp dụng chính sách này trong 6 tháng khó mang lại sự phục hồi như kỳ vọng. Chính sách không thể chỉ 6 tháng, thực hiện một cách “giật cục” theo kiểu thực hiện 6 tháng này rồi 6 tháng sau dừng rồi lại thực hiện tiếp 6 tháng, mà cần tính toán dài hơi.
Vì vậy, có thể nghiên cứu kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2024. Chính sách giảm thuế VAT có thể làm giảm thu ngân sách trong năm 2023, trong khi các khoản chi dự toán đã được Quốc hội thông qua sẽ khó điều chỉnh. Khi đó, nếu kéo dài chính sách sang năm 2024, dự toán chi sẽ được điều chỉnh để cân đối thu chi.
Có nên áp dụng với tất cả ngành hàng, dịch vụ?
Tại kỳ họp Quốc hội ngày 24/5, nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc giảm thuế VAT với tất cả nhóm hàng hóa đang chịu mức thuế suất 10% vì hiện các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều đang gặp khó khăn.
Thực tế cho thấy năm 2022 khi triển khai giảm thuế theo kiểu chọn lọc, “khoanh vùng”, mặt hàng này được giảm, mặt hàng kia bị loại, bên cạnh kết quả đạt được, cả người nộp thuế và cơ quan thuế đều gặp khó khăn khi xác định hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng được giảm thuế.
Chuyên gia Ngô Trí Long nêu quan điểm: Càng mở rộng ngành nghề lĩnh vực hỗ trợ giảm thuế VAT thì càng tốt. Tuy nhiên, trừ một số ngành đặc thù như ngân hàng, chứng khoán…là những ngành khi được giảm thuế VAT sẽ không tác động tích cực đến nền kinh tế thì không nên áp dụng giảm thuế VAT.
"Trong bối cảnh khó khăn như hiện tại càng áp dụng giảm thuế VAT ở nhiều ngành nghề, hàng hóa, dịch vụ thì càng tốt. Tuy nhiên phải cân đối đến nguồn thu ngân sách Nhà nước. Cũng chính vì vậy mà Bộ Tài chính, nhà nước hiện mới chỉ giảm thuế VAT đến cuối năm nay", ông Long nói.
Trong khi đó, ông Đinh Trọng Thịnh khẳng định, mở rộng phạm vi áp dụng giảm thuế VAT ở thời điểm hiện tại là việc làm bất khả thi.
“Trước khi đưa ra quyết định giảm thuế VAT chúng ta đã nghiên cứu và bỏ ra ngoài danh sách 13 ngành hàng, dịch vụ không đem lại hiệu ứng phục hồi cho nền kinh tế. Tôi cho rằng đó là việc làm đúng đắn", ông nói.
Mặt khác, theo ông Thịnh, mở rộng áp dụng giảm thuế VAT cho tất cả các ngành hàng, dịch vụ mà không nghiên cứu, suy xét kỹ lưỡng là áp dụng tràn lan, thậm chí sẽ dẫn đến các tác hại cho nền kinh tế. “Chúng ta mong muốn giảm thuế cho hàng hóa đối với ngành sản xuất kinh doanh. Còn các ngành nghề về dịch vụ, khai thác tài nguyên khoáng sản…các ngành nghề có thể có những tác động không tốt đến môi trường hoặc đến hoạt động kinh tế thì không nên miễn giảm", ông nói.
Trong khi đó, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng việc mở rộng phạm vi áp dụng miễn giảm thuế VAT xuống 8% vào nhiều ngành nghề là một điều tốt. “Nếu có thể, tôi đề nghị cơ quan quản lý mở rộng phạm vi áp dụng cho các dịch vụ nhất là dịch vụ trí tuệ như kinh tế số, công nghệ thông tin… Đây đều là những thứ có thể giúp ích cho doanh nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ hơn”, ông Doanh nhấn mạnh.
Càng áp dụng giảm thuế VAT ở nhiều ngành nghề, hàng hóa, dịch vụ thì càng tốt. Tuy nhiên phải cân đối đến nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Chuyên gia Ngô Trí Long
Thông tin thêm về việc có nên giảm thuế VAT sâu hơn hay không, ông Thịnh cho rằng giảm 2% là liều lượng phù hợp. Nếu muốn giảm sâu thêm và mở rộng đối tượng, cần phải có đánh giá thấu đáo, kỹ lưỡng. Chúng ta nên thống nhất rằng, việc giảm thuế mục đích để tập trung cho sản xuất, kinh doanh.
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, để góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, ngày 5/5/2023 Chính phủ đã có Tờ trình số 188/TTr-CP đề nghị bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Năm 2023, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% quy định tại điểm a khoản 1.1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Theo Bộ trưởng Phớc, giảm 2% thuế suất, thuế GTGT áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
"Thực hiện theo phương án này nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho NSNN cũng như nền kinh tế", ông Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.
"Việc giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT thuế suất 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh", ông Phớc nhấn mạnh.