Theo các chuyên gia, ngay lập tức xóa bỏ nhà kính ở Đà Lạt là bất khả thi. Do vậy cần xây dựng lộ trình hạn chế phát triển nhà kính, tăng cường canh tác tự nhiên, phát triển công nghệ sinh học, cây giống... và triển khai dần để người dân làm quen.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, nhà kính làm trên đất quy hoạch nông nghiệp không thể cưỡng chế tháo dỡ vì người dân canh tác hợp pháp, không vi phạm đất công và nhà kính là tài sản riêng của họ.
Hơn nữa, nông nghiệp cùng với du lịch là hai thế mạnh Đà Lạt được khuyến khích phát triển, nếu phá bỏ hệ thống nhà kính, nông nghiệp Đà Lạt sẽ gặp khó. Trước hết, việc này tác động đến thu nhập của người dân, nguồn rau trái, hoa xuất khẩu sẽ bị đứt gãy, không đủ rau trái cung cấp cho các tỉnh thành, nhất là TPHCM. Nguồn cung sản phẩm nông nghiệp phục vụ hàng triệu khách du lịch đến Đà Lạt hàng năm sẽ bị ảnh hưởng, và chắc chắn lượng khách du lịch sẽ giảm. Trong khi đó, người nông dân rất khó quay lại trồng cây trái, hoa theo kiểu truyền thống vì năng suất thấp.
Việc các tổ chức, hộ nông dân phát triển nhà kính, nhà lưới kết chủ yếu do hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với cây trồng cùng loại canh tác ngoài trời.
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho rằng nhà kính mang lại nhiều lợi ích, nhưng cái chưa được là cơ quan chức năng đã không quản lý tốt, để xuất hiện những tác động tiêu cực. Hiện nay tỉnh Lâm Đồng không khuyến khích mở rộng nhà kính và bắt đầu có những chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thân thiện môi trường, kết hợp với du lịch.
“Chúng tôi cũng đã có kế hoạch khắc phục những tác động tiêu cực do những vùng nông nghiệp dùng nhà kính mật độ cao gây ra như trồng cây xen với nhà kính, làm hồ dự trữ nước nội vùng (nhằm tăng hệ số thấm), giãn các khu nhà kính ra xa khu vực ao hồ, sông suối. Sắp tới ngành sẽ có kiến nghị quy hoạch toàn diện vùng nông nghiệp có nhà kính", đại diện Sở NN&PTNT Lâm Đồng nói.
Khắp nơi nhà kính.
Cuối tháng 1/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ký quyết định phê duyệt đề án Quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Đề án này nhắm tới mục tiêu triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính tại các khu vực nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn thành phố Đà Lạt và các huyện lân cận; chuyển dần sang phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp du lịch cảnh quan, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường, đảm bảo lợi ích kinh tế cho người nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Để thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh yêu cầu rà soát các chủng loại cây trồng khuyến cáo cho các tổ chức, cá nhân canh tác ngoài trời; khảo nghiệm, xây dựng bộ giống cây rau, hoa, cây đặc sản phù hợp với canh tác ngoài trời, hoàn thiện quy trình canh tác các giống cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế để canh tác ngoài trời. Cơ quan chức năng sẽ xác định các vùng được phép sử dụng nhà kính sản xuất nông nghiệp để khuyến khích, hỗ trợ người dân nâng cấp, cải tạo, chuyển đổi đảm bảo nhà kính đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và cảnh quan môi trường.
Trường hợp xây dựng mới nhà kính theo tiêu chuẩn kỹ thuật, nhà kính hiện đại, cải tạo, chỉnh trang lại nhà kính không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật thuộc khu vực ngoài nội ô tại thành phố Đà Lạt và thị trấn ở các huyện thì được hỗ trợ vay vốn.
Theo ông Phan Thanh Sang - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, tại một số nơi như Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Côn Minh (Trung Quốc), tỷ lệ nhà kính rất cao. Điều quan trọng là khuyến khích người dân đầu tư nhà kính đạt chuẩn, có quy định cụ thể về mật độ và loại cây trồng nào nên trồng trong nhà kính, loại nào nên trồng ngoài trời. Với đặc thù Đà Lạt, phải giải quyết hài hòa quy hoạch giống cây trồng, nhà kính với du lịch vùng ngoại ô.
Trong một nghiên cứu, đánh giá về vấn đề nhà kính, nhà lưới năm 2022, ông Phan Thanh Sang đề nghị: “Cần có sự quản lý, định hướng bằng cơ chế, chính sách vừa có lợi cho người dân vừa đảm bảo bảo vệ môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái phục vụ du lịch. Bất cứ vấn đề gì cũng cần phân tích, đánh giá toàn diện, khách quan và hài hòa. Một số mặt trái, phát sinh qua thực tiễn sản xuất cần có những giải pháp phù hợp để phát triển bền vững”.
Công nhận tính ưu việt của nhà kính nhưng ông Lại Thế Hưng, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho rằng việc giảm thiểu nhà kính ở đô thị đặc thù như Đà Lạt là cần thiết. Ông Hưng cũng nói 30 năm qua, nhà kính đã mang lại thành quả, nếu xóa bỏ nhà kính mà không có giải pháp đúng đắn thì chẳng khác nào đưa việc sản xuất nông nghiệp trở lại như 30 năm trước, lúc ấy Đà Lạt chỉ trồng cà rốt, khoai tây, bắp sú. Vì vậy phải có kế hoạch chi tiết, lộ trình cụ thể, phải quy hoạch lại kế hoạch sử dụng đất, làm sao tăng hiệu quả sử dụng đất, hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường.
Không gian Đà Lạt bị nhà kính lấn át.
Theo giáo sư Hoàng Nghĩa Sơn (Viện Sinh học nhiệt đới TPHCM), công nghệ cao trong nông nghiệp ngoài nhà kính, nhà lưới còn nhiều thứ như giống, phân bón, công nghệ sinh học hiện đại, công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo… Với chất lượng nông nghiệp trong nhà kính, nhà lưới như hiện nay ở Đà Lạt thì chưa thể gọi là nông nghiệp công nghệ cao được. Mức đầu tư để đạt đến nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi phải gấp từ 4 – 10 lần hiện nay.
“Việc phát triển nhà kính, nhà lưới phải có định hướng, quy hoạch rõ ràng. Phần định hướng, quy hoạch phát triển nhà kính là trách nhiệm của chính quyền. Kỹ thuật xây dựng nhà kính, nhà lưới cũng phải đúng quy định. Kỹ thuật canh tác trong nhà kính, nhà lưới cũng phải tuân thủ quy trình và tùy thuộc vào từng loại cây trồng cụ thể”, ông Sơn nói.
Theo ông Trần Xuân Hiền, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lâm Đồng, để hạn chế thấp nhất mặt trái của nhà kính, nên sớm có quy định quản lý nhà kính từ quy cách đến những loại rau, hoa được phép áp dụng. Đồng thời, giãn dần hoạt động canh tác nông nghiệp dùng nhà kính đến những nơi mà yếu tố bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái ít quan trọng hơn Đà Lạt. Và chỉ áp dụng với những loại rau, hoa có giá trị kinh tế rất cao.
Mặt khác, cần phải phân biệt rạch ròi giữa nông nghiệp và nông nghiệp sử dụng nhà kính để quản lý. Nông nghiệp sử dụng nhà kính không còn là nông nghiệp mà là công nghiệp sản xuất rau. Theo ông Trần Xuân Hiển, trước mắt UBND TP Đà Lạt cần khảo sát, xác định những cây nên trồng không dùng nhà kính và ngược lại. Về lâu dài, dựa theo quy hoạch chung của Đà Lạt, cần tổ chức bổ sung mảng xanh để vãn hồi tình hình hiện nay.
“Đặc biệt là khung pháp lý quản lý hoạt động nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhà kính là những nhà xưởng, đó là những công trình chuyên dụng. Thậm chí phải có áp thuế một kiểu khác với nông nghiệp không sử dụng nhà kính vì lợi nhuận sinh ra nhiều hơn và tác động đến môi trường nhiều hơn”, ông Hiền nói.
Tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Lâm Đồng ngày 20/11/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quy hoạch của tỉnh Lâm Đồng nói chung và TP.Đà Lạt nói riêng phải tôn trọng cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa. Mọi chuyển động kinh tế phải đảm bảo theo hướng xanh, hài hòa và ổn định. "Lâm Đồng phải rất chú ý đến nhà kính, giữ lấy môi trường mà phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển nông nghiệp mà phát thải nhiều khí độc hại là cần hết sức lưu ý", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.