Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giải quyết vấn đề cơ chế tự chủ trong Luật Giáo dục đại học thế nào?

Đại biểu Quốc hội cho rằng hiện nay, yêu cầu đặt ra là cần tổ chức các hoạt động kiểm định, bảo đảm chất lượng giáo dục độc lập, đúng thực chất; ban hành lại, chi tiết hóa quy chế hoạt động của các trường đại học công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ và hình thành các hội đồng trường hoạt động đúng thực chất.

Trong thực hiện quyền tự chủ của các trường đại học (ĐH) công lập hiện nay, nổi lên hai vấn đề là quản lý tự chủ nhân sự và quản lý tự chủ tài chính.

Quản lý tự chủ nhân sự và quản lý tự chủ tài chính

Việc tự chủ của các trường đại họ công lập một mặt là nhu cầu cấp thiết của quá trình phát triển giáo dục đại học (GDĐH) hiện nay. Mặt khác, các quy định, cơ chế tự chủ cho các trường ĐH công lập được ban hành sớm, cập nhật và đầy đủ.

Trên thực tế, các trường ĐH hoạt động theo cơ chế tự chủ được giao quản lý một khối lượng cơ sở vật chất, tài sản và nhân lực rất lớn. Điều này dẫn tới các trường được quyết định những vấn đề rất lớn. Về bản chất, các trường ĐH công lập theo cơ chế tự chủ mặc dù được quyền tự chủ các hoạt động nhưng vẫn cần tuân theo các quy định của pháp luật liên quan.

Tuy nhiên, các quy định về tự chủ hiện nay rất chung chung, công tác kiểm tra việc thực hiện còn rất hạn chế. Điều này dẫn đến nhiều trường ĐH công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ đã tự vận dụng các quy định này trái với nhiều quy định của pháp luật. Nếu không được khắc phục sớm, rất dễ xảy ra các trường hợp như đã xảy ra tại các doanh nghiệp nhà nước giai đoạn trước.

 Đại biểu Quốc hội Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) phát biểu tại hội trường. (Ảnh: Quang Khánh)

Trong thực hiện các quyền tự chủ hiện nay, nổi lên hai vấn đề là quản lý tự chủ nhân sự và quản lý tự chủ tài chính.

Ở Việt Nam hiện nay, các trường ĐH công lập vẫn do Nhà nước đầu tư toàn bộ nên việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, tuyển dụng, mặc dù không chịu sự can thiệp của các cơ quan quản lý nhà nước trong các trường hợp cụ thể, nhưng vẫn phải tuân theo các quy định của pháp luật tại Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Bộ luật Lao động và các văn bản dưới luật quy định chi tiết các vấn đề này.

Việc giám sát của Nhà nước đối với quá trình tự chủ nguồn nhân lực của các trường ĐH rất quan trọng, tránh để các trường tuyển dụng, bổ nhiệm những nhân sự quá tuổi, nhân sự không đủ tiêu chuẩn chức danh vào các vị trí quản lý nhân danh việc “tự chủ” trong nguồn nhân lực.

Điều này có thể gây ra xung đột quyền lợi khi các hiệu trưởng không có trách nhiệm đầu tư vào các trường ĐH, nhưng có quyền được hưởng lợi rất lớn từ việc bổ nhiệm những nhân sự này. 

Về tự chủ tài chính, quy chế tự chủ hiện nay cho phép các trường được quy định cách tính mức chi theo quy chế chi tiêu nội bộ. Đây là một nhu cầu cấp thiết khi các quy định về tài chính hiện hành trong một số trường hợp không bảo đảm tốt nhu cầu hoạt động của các trường ĐH.

Tuy nhiên, đối với các dự án đầu tư lớn, các hoạt động mua sắm cần tuân theo các quy định trong Luật Đấu thầu, các quy định khác về tài chính. Tránh trường hợp các trường tự quyết các vấn đề mua sắm thường xuyên, mua sắm cơ sở vật chất, các khoản đầu tư lớn nhưng không có kiểm soát, rất dễ dẫn tới vi phạm, làm thất thoát số lượng lớn tài sản của nhà nước.

Phải hoạt động đúng thực chất

Để giải quyết hợp lý những vấn đề nêu trên, trước hết cần tổ chức các hoạt động kiểm định, bảo đảm chất lượng giáo dục độc lập, đúng thực chất. 

Các cơ sở kiểm định chất lượng giáo dục cần hoạt động độc lập với các trường ĐH (cần tách các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ra khỏi các ĐH Quốc gia như hiện nay), hình thành các cơ sở kiểm định giáo dục chất lượng mạnh trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; khuyến khích hình thành các cơ sở kiểm định giáo dục chất lượng thuộc các đơn vị tư nhân và các tổ chức từ nước ngoài.

Thứ hai, cần ban hành lại và chi tiết hóa quy chế hoạt động của các trường ĐH công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ. Trong giai đoạn đầu của quá trình tự chủ, cần thiết phải đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định trong quy chế hoạt động của các trường ĐH công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ và việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan.

Thứ ba, hình thành các hội đồng trường hoạt động đúng thực chất. Hội đồng trường của một trường ĐH công lập về bản chất khác đôi chút so với Hội đồng quản trị của một trường ĐH tư thục.

Tuy nhiên, cả hai hội đồng này đều phải có vai trò giám sát đối với Hiệu trưởng trong việc điều hành các công việc hàng ngày của trường. Các thành viên của hội đồng trường phải là thành viên có uy tín trong xã hội, phải do toàn bộ các thành viên trong trường bầu ra, bao gồm cả chức danh Chủ tịch Hội đồng trường.

Danh sách tất cả các thành viên này phải được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi chính thức có hiệu lực và đi vào hoạt động. Vì bản chất đây chính là những thành viên đại diện cho nhà nước, cho cộng đồng đóng vai trò “người ủy quyền” trong một trường ĐH.

Hiện nay, mặc dù luật quy định hội đồng trường là cơ quan có quyền lực cao nhất của một trường ĐH bên cạnh Đảng ủy quản lý các đảng viên trong một trường ĐH. Nhưng trên thực tế, Hiệu trưởng của một trường ĐH thường có vai trò quyết định trong tất cả các hoạt động của nhà trường.

Vai trò của Chủ tịch Hội đồng trường, thậm chí là của Bí thư Đảng ủy tại một số trường mờ nhạt. Các thành viên của Hội đồng trường của một số trường ĐH được giới thiệu lại là những nhân sự được cho là thân quen với Hiệu trưởng, từ đó “vô hiệu hóa” hoạt động của hội đồng trường.

 Để hội đồng trường hoạt động đúng nghĩa, bảo đảm chất lượng, các cơ quan quản lý nhà nước cần quy định rõ cơ cấu; các thành viên, kể cả các thành viên độc lập cần được trả lương; công khai các danh sách của các thành viên hội đồng trường trên website của nhà trường như là một yêu cầu bắt buộc; đồng thời, đưa chất lượng của thành viên hội đồng trường như là một tiêu chí để xếp hạng các trường ĐH và là tiêu chí kiểm định chất lượng.

Chất lượng GDĐH cần gắn với mục tiêu bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao cho quá trình phát triển của đất nước. Điều này cần gắn với kết quả cuối cùng của quá trình đào tạo đạt chất lượng sinh viên ra trường và việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

Tuy nhiên, các quy định hiện nay về bảo đảm chất lượng sinh viên ra trường vẫn còn hết sức đơn giản. Hầu hết dựa vào tuyên bố chuẩn đầu ra của các trường ĐH.

Việc khảo sát đánh giá của nhà tuyển dụng về chất lượng chương trình đào tạo, chất lượng sinh viên vẫn còn rất hình thức, chủ yếu do các trường ĐH tự triển khai và công bố.

Thậm chí, việc thống kê số lượng việc làm của sinh viên ra trường được giao cho chính các trường ĐH thực hiện. Điều này dẫn đến các trường có thể thay đổi số liệu, vì mục tiêu tăng số lượng tuyển sinh của trường mình.

ĐBQH Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai)

>>> Đọc thêm: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tự chủ không có nghĩa là nhà nước không có trách nhiệm về tài chính

Nguồn: daibieunhandan.vn

Tin mới