Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giải quyết bài toán thiếu giáo viên dạy các môn tích hợp

(VTC News) -

Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên dạy môn tích hợp, nhiều trường đại học khẩn trương mở ngành, đào tạo mới đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới.

Vai trò của giáo viên được xác định là nhân tố quyết định thành công trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Thế nhưng, năm học 2021 - 2022, khi triển khai giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 2 và lớp 6 thì tổng số giáo viên vẫn còn thiếu hụt khoảng 70.000 người.

Trong khi đó, giáo viên tham gia bồi dưỡng, tập huấn dạy tích hợp các môn ở lớp 6 mới chỉ đáp ứng được yêu cầu thực tế trong thời gian ngắn. Về lâu dài, các trường cần một lượng lớn thế hệ các giáo viên được đào tạo bài bản về việc dạy các môn học tích hợp đạt chuẩn yêu cầu mới.

Thiếu giáo viên dạy tích hợp

Thiếu giáo viên đứng lớp và chưa có giáo viên tích hợp được đào tạo chuẩn chuyên môn là khó khăn nhất của hầu hết các địa phương hiện nay.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử VTC News, TS Nguyễn Công Cao, Phó Hiệu trưởng trường THCS Vĩnh Yên (thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho biết: “Trường có một giáo viên Địa lý thuộc biên chế, nên số giáo viên còn lại dạy ở các khối lớp đều phải hợp đồng hoặc dạy kiêm môn. Trong thực tế triển khai dạy môn tích hợp năm học tới 2021 - 2022, các môn Khoa học Xã hội thiếu nhiều giáo viên hơn Khoa học Tự nhiên. Khó khăn nhất là dồn giờ khi có ai nghỉ ốm, thai sản hoặc đi tập huấn sẽ không biết dạy bù vào thời gian nào”.

Với lớp 6, thầy cô của trường đã được tập huấn modul 1, 2, 3, 4 về chương trình và sách giáo khoa mới, làm quen với những điểm mới, đặc biệt là dạy tích hợp nên cũng không có trở ngại gì. Trước mắt, ai môn nào vẫn dạy theo môn đó, theo sách giáo khoa. Tuy nhiên về lâu dài, vẫn cần có những giáo viên chuyên biệt về dạy tích hợp, được đào tạo bài bản.

Giáo viên hướng dẫn học sinh thảo luận nhóm, tăng tương tác giữa trong giờ học.

Tương tự, ông Lại Trường Giang, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam chia sẻ, trong những năm đầu, do chưa có đội ngũ giáo viên dạy tích hợp nên có thể chấp nhận bố trí hai hoặc ba giáo viên dạy cùng một môn. Tuy nhiên, trong tương lai cần đào tạo giáo viên có kiến thức và kỹ năng để dạy liên môn để có thể dạy độc lập mỗi giáo viên một môn tích hợp.

Theo PGS.TS Phạm Văn Thuần, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), việc triển khai dạy tích hợp trong năm học 2021 - 2022 tới đây sẽ nhiều gặp khó khăn vì đại đa số giáo viên hiện nay đều xuất thân từ dạy đơn môn. Như vậy nhiệm vụ đầu tiên là phải khẩn trương đào tạo bồi dưỡng để đội ngũ dạy học đơn môn hiện nay nhanh chóng chuyển đổi để dạy học tích hợp.

Từ thực tế cho thấy, công tác bồi dưỡng tập huấn các modul chỉ diễn ra trong vài tuần và tháng là chưa đủ để các giáo viên chuyển từ dạy học đơn môn sang tích hợp, đặt biệt là với lớp 6 tới đây.

Để triển khai đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy học tích hợp liên môn phải theo 3 con đường chính: Đào tạo từ đầu, Đào tạo liên thông và Bồi dưỡng chứng chỉ.

Đào tạo giáo viên dạy tích hợp

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố chương trình giáo dục phổ thông mới vào tháng 12/2018, một số trường đại học đã nhanh chóng chuyển hướng đào tạo để bắt nhịp yêu cầu mới.

Điển hình, ngay mùa tuyển sinh năm 2019, trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) cũng bắt đầu tuyển sinh ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên và Sư phạm Lịch sử - Địa lý năm 2019 với 60 chỉ tiêu mỗi ngành. Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) mở thêm nhiều ngành đào tạo giáo viên tích hợp để đón đầu chương trình mới, trong đó tuyển 100 chỉ tiêu vào hai ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên, Sư phạm Lịch sử - Địa lý. Trường Đại học Vinh cũng tuyển mới 50 chỉ tiêu ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên.

Trường Đại học Sư phạm TP.HCM tuyển 300 chỉ tiêu cho ngành đào tạo Sư phạm Khoa học Tự nhiên trong 2020. Năm 2021, trường này dành chỉ tiêu tuyển mới với ngành Khoa học Tự nhiên là 160 sinh viên, ngành Lịch sử - Địa lý là 190 em.

Nhiều trường cao đẳng sư phạm cũng chuyển hướng tuyển sinh các ngành ghép liên môn từ năm 2019. Ví dụ, trường Cao đẳng Sư phạm Huế tuyển ngành Sư phạm Vật lý nhưng ghép thêm Hóa học, Sư phạm Lịch sử ghép thêm Địa lý…

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, đối với các trường sư phạm, để chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy các môn tích hợp theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, đầu tiên phải xây dựng các chương trình đào tạo các ngành mới, như giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lí hay dạy môn Khoa học Tự nhiên. Bên cạnh đó cần tiếp tục tăng cường đào tạo giáo viên các môn đang thiếu cục bộ như Tin học. Cùng với đó, xây dựng các chương trình bồi dưỡng nâng chuẩn giáo viên THCS đang dạy các môn như Vật lý, Hóa học, Sinh học… từ cao đẳng lên đại học để trở thành các giáo viên dạy môn Khoa học Tự nhiên.

Bên cạnh nỗ lực của các trường sư phạm, GS Nguyễn Văn Minh mong muốn Bộ GD&ĐT và địa phương khi cấp chỉ tiêu cho các ngành, đặc biệt là bậc THCS, không cấp chỉ tiêu cho giáo viên đơn môn thay vào đó là ưu tiên đào tạo giáo viên các môn tích hợp.

Đồng thời, từ năm 2022 bắt đầu có sinh viên được đào tạo dạy học các môn tích hợp như Lịch sử và Địa lí hay Khoa học Tự nhiên ra trường, Bộ GD&ĐT cần yêu cầu tăng cường tuyển dụng giáo viên tích hợp. Địa phương cần đặt hàng các cơ sở đào tạo giáo viên đã có kinh nghiệm triển khai chương trình đào tạo giáo viên dạy những môn học mới và đồng thời đào tạo nâng chuẩn giáo viên dạy đơn môn Vật lí, Hóa học… để trở thành các giáo viên có thể đảm nhiệm việc dạy tích hợp.

PGS.TS Lê Anh Phương, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) cũng cho biết, trường đang đào tạo giáo viên ngành sư phạm Khoa học Tự nhiên và sư phạm Lịch sử - Địa lý. Ngoài đào tạo, trường cũng được giao nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên đang dạy đơn môn có thể chuyển sang dạy tích hợp đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.

Theo PGS Phương, giáo viên dạy các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học hiện nay có thể tham gia dạy học môn Khoa học Tự nhiên được ngay. Đó là do chương trình môn học lựa chọn hình thức tích hợp phù hợp với khả năng dạy học của giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường. Mức độ tích hợp liên môn, nghĩa là tích hợp nhưng vẫn giữ các mạch nội dung gần với mạch kiến thức của Hóa học, Vật lí hay Sinh học, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phân công giáo viên dạy học. Ít nhất, giáo viên môn nào vẫn dạy được mạch nội dung liên quan đến môn của mình đang dạy học.

Khi tham dự các đợt tập huấn, giáo viên sẽ được cung cấp thêm các kiến thức tổng hợp, vốn tri thức rộng và khả năng vận dụng tổng hợp các kiến thức có liên quan để tăng cường sự liên kết giữa các mạch nội dung, qua đó giúp học tăng cường khả năng vận dụng kiến thức thực tiễn.

Những giáo viên có khả năng, ngoài việc tập huấn dạy nội dung chuyên môn, dần dần sẽ được đào tạo theo cơ chế tín chỉ để có thể đảm nhận thêm những nội dung mới mà mình chưa được đào tạo trước đây.

Đào tạo mới song song với bồi dưỡng

Về việc bố trí đội ngũ giáo viên đơn môn dạy các môn tích hợp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, các địa phương, các trường căn cứ tình hình thực tế, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn. Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học các chủ đề hoặc toàn bộ chương trình môn học.

Đồng thời, tất cả những nội dung mới với lớp 6 áp dụng từ năm học tới đã và sẽ được triển khai tập huấn tới giáo viên trước khi thực hiện chính thức. Từ việc xây dựng kế hoạch dạy học đến việc kiểm tra đánh giá… theo chương trình giáo dục phổ thông mới ra sao sẽ có tài liệu cụ thể. Các trường đại học sư phạm lớn trên cả nước sẽ chịu trách nhiệm tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên cốt cán và sau đó đội ngũ này sẽ bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ giáo viên ở địa phương, đơn vị của mình.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ.

Theo lộ trình, năm học 2021 - 2022, chương trình áp dụng đến cấp THCS và lần lượt đến năm học 2024 - 2025 sẽ áp dụng đến lớp 9. Như vậy sẽ có 6 năm để đào tạo và bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đã được tính toán theo kế hoạch. Cụ thể đối với giáo viên hiện hành, việc bồi dưỡng tập trung vào việc nâng cao năng lực sư phạm của giáo viên để thực hiện tốt phương pháp dạy học tích cực, đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Trước hết là tập trung bồi dưỡng số giáo viên để dạy lớp 6 và cuốn chiếu cho các năm tiếp theo. Bộ khuyến khích giáo viên tự nguyện đăng ký học thêm các học phần bổ sung kiến thức chuyên môn để có thể đảm nhận từ 2 phân môn, tiến tới đảm nhận toàn bộ chương trình môn học.

Đối với đào tạo giáo viên mới, các trường sư phạm đã xây dựng chương trình đào tạo giáo viên cấp THCS để dạy môn Khoa học Tự nhiên cũng như môn Lịch sử và Địa lý. Giáo viên mới sẽ thay dần khi giáo viên hiện hành nghỉ hưu, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Như vậy, việc phát triển năng lực đội ngũ nhà giáo để đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo có ý nghĩa then chốt, quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới. Từ nay đến khi năm học mới bắt đầu không còn nhiều. Hi vọng rằng, mọi công việc chuẩn bị cho triển khai chương trình giáo dục mới sẽ được toàn ngành thực hiện chu đáo để đội ngũ giáo viên sẵn sàng tâm thế thực hiện chương trình mới một cách hiệu quả nhất.

­­­­

Hà Cường

Tin mới