Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giải pháp 'Make in Vietnam' là hạt nhân thúc đẩy xây dựng Chính phủ số

(VTC News) -

Tiến trình xây dựng chính phủ số, chính quyền số tại Việt Nam đang được thúc đẩy bởi nhiều giải pháp, ứng dụng của các doanh nghiệp công nghệ số Việt.

Phát huy hiệu quả trong thực tiễn

Tại huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ), mấy năm nay, việc gửi, nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số và điều hành văn bản trên Hệ thống Quản lý văn bản điều hành VNPT iOffice (do Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam - VNPT xây dựng và triển khai) trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” của đội ngũ cán bộ, công chức.

Ước tính từ năm 2020 đến tháng 6/2023, có 26.700 văn bản được phát hành trên hệ thống này, trong đó, 26.630 văn bản được ký số, đạt tỉ lệ 99,7%, vừa tiết giảm chi phí sao in văn bản giấy, vừa góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính nhà nước.

Cùng với VNPT iOffice, nhiều giải pháp phần mềm, ứng dụng “Make in Vietnam” khác cũng đang phát huy tác dụng trong thực tiễn hoạt động của chính quyền huyện Hạ Hòa.

Chẳng hạn, Hệ thống phần mềm Quản lý nhà trường SMAS (do Viettel Solutions nghiên cứu phát triển) và Phần mềm Quản lý thông tin phổ cập giáo dục - chống mù chữ Prosoft.ESCI (do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và chuyển giao công nghệ Việt Nam - Vietec xây dựng) đang được triển khai tại Phòng Giáo dục và Đào tạo; Hệ thống phần mềm Kế toán MISA ứng dụng tại bộ phận kế toán của các cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân huyện và ủy ban nhân dân các xã, thị trấn...

Theo đánh giá của lãnh đạo huyện, các sản phẩm, giải pháp “Make in Vietnam” góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước cũng như nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của địa phương.

Tại tỉnh Tây Ninh, UBND tỉnh lựa chọn sử dụng Trung tâm Điều hành, giám sát thông minh IOC do VNPT nghiên cứu, vận hành, như một điểm nhấn trên hành trình chuyển đổi số tại địa phương.

Trung tâm Điều hành, giám sát thông minh VNPT IOC giúp nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành của các địa phương.

Ông Đặng Thanh Khải, Giám đốc VNPT Tây Ninh cho biết, VNPT IOC hỗ trợ hiệu quả cho lãnh đạo tỉnh Tây Ninh trong công tác giám sát, chỉ đạo, điều hành các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là dịch vụ hành chính công.

Thông tin, dữ liệu từ hệ thống IOC đã được tích hợp lên ứng dụng “Tây Ninh Smart” - ứng dụng duy nhất dùng chung cho toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện ứng dụng này đã có khoảng 138.000 người đăng ký tài khoản trên Android và iOS, trong đó, hơn 30.000 người dùng thường xuyên.

Tại thành phố Đà Nẵng, nền tảng Công dân số (My Portal) do Công ty Cổ phần Công nghệ số Thông minh phối hợp xây dựng được công bố chính thức ngày 12/9/2022 tại địa chỉ http://congdanso.danang.gov.vn/ hoặc https://myportal.danang.gov.vn; đã được tích hợp trên ứng dụng di động DaNang Smart City.

My Portal là nơi thu nhận, lưu trữ, cung cấp hồ sơ công dân số (thông tin hành chính, giấy tờ/dữ liệu số, lịch sử các giao dịch gắn với định danh duy nhất); tích hợp các dịch vụ số từ chính quyền, doanh nghiệp, để người dân sử dụng dịch vụ công dễ dàng, thuận lợi, đặc biệt là được tự quản lý thông tin, dữ liệu số của mình.

Nền tảng Công dân số giúp thành phố Đà Nẵng đưa 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện (1.809 thủ tục hành chính) được cung cấp trực tuyến mức độ toàn trình, tương ứng 94% tổng số thủ tục hành chính của toàn thành phố; giải quyết các thủ tục hành chính liên thông thuận tiện hơn, nhờ đó tăng tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến từ mức khoảng 50% trước kia lên 73% trong năm 2022 và trên 80% năm 2023.

Đến nay, nền tảng Công dân số đã đồng bộ dữ liệu người sử dụng từ Hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố và đăng ký mới từ người dân, lũy kế tổng cộng hơn 280.000 tài khoản công dân số.

Và tại thành phố Cần Thơ, Cổng dịch vụ công Thành phố Cần Thơ sử dụng giải pháp công nghệ của Unitech, mới đây đã được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá chất lượng cao nhất trong số các cổng dịch vụ công của 63 địa phương trong cả nước.

Cổng dịch vụ công đạt mức độ A có đầy đủ chức năng, giao diện thân thiện, hỗ trợ người dân truy cập thuận tiện, tốc độ tải trang và đáp ứng thao tác của người dùng tốt (tốc độ tải trang dưới 2,5 giây, thời gian phản hồi dưới 0,2 giây).

Đa dạng sản phẩm, giải pháp “Make in Vietnam” thúc đẩy Chính phủ số

Ngày càng nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt quan tâm tới việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm, giải pháp “Make in Vietnam” để góp phần thúc đẩy phát triển chính phủ số.

Theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Phiên họp 6 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chỉ tính riêng về các giải pháp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, hiện có tới 20 thương hiệu Việt.

Trong đó, 8 doanh nghiệp dẫn đầu chiếm 69% thị phần (gồm: VNPT - 46%, Viettel - 6%, Tân Dân - 6%, FPT - 6%, FDS - 5%, iNet - 5%, DTT - 4%, Unitech - 4%; 1 liên danh Viettel và FDS chiếm 1%; và 17% thị phần còn lại thuôc về 11 tổ chức/doanh nghiệp (gồm: Đại học Cần Thơ, EFY, Savis, Cinotec, PSC, Đại Nam, SIMAX, Tecapro, Tín Đức, EDX, ICTVINA).

3 doanh nghiệp có giải pháp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cho các địa phương có chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức cao nhất (mức A) là VNPT, Unitech, Viettel. Trong 11 cổng dịch vụ công đạt mức độ A, có 2 cổng sử dụng giải pháp công nghệ của Unitech, 2 cổng sử dụng giải pháp công nghệ của Viettel và 7 cổng sử dụng giải pháp công nghệ của VNPT.

Hiện có khá nhiều sản phẩm, giải pháp “Make in Vietnam” thúc đẩy xây dựng Chính phủ số.

Trong danh mục sản phẩm số xuất sắc cho chính phủ số, nền tảng Quản trị tài chính Nhà nước MISA FinGov cũng là một “ứng cử viên” được nhiều bộ, ngành, địa phương tín nhiệm. MISA FinGov là hệ sinh thái hợp nhất các nghiệp vụ quản trị tài chính trên cùng một hệ thống, tiết kiệm tới 70% thời gian lập dự toán và quản lý chi tiêu ngân sách.

Không chỉ đáp ứng tất cả các nghiệp vụ khép kín của chu trình ngân sách, MISA FinGov còn kết nối với các dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước, các phần mềm quản lý hoạt động chuyên ngành, giúp các bộ ngành, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu tài chính thống nhất. Sản phẩm công nghệ do người Việt thiết kế và sáng tạo này đang được sử dụng tại hơn 55.000 đơn vị hành chính sự nghiệp trên phạm vi cả nước.

Một doanh nghiệp công nghệ số khác cũng có nhiều tiềm năng phát triển các sản phẩm, giải pháp “Make in Vietnam” thúc đẩy xây dựng Chính phủ số, đó là Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (FPT IS). “Át chủ bài” của doanh nghiệp này là Giải pháp Chính quyền số FPT.DGov với định hướng xây dựng chính quyền điện tử trong mối tương quan đô thị thông minh, thực hiện chuyển đổi số hướng đến chính quyền số, kinh tế số.

Cách đây ít lâu, nền tảng Phát triển Chính phủ số Flex Digital do Công ty Cổ phần Phát triển nguồn mở và dịch vụ FDS xây dựng trên chuẩn mở và công nghệ mở “trình làng”, cung cấp một giải pháp tổng thể để phát triển chính phủ số. “Công nghệ mở sẽ giúp làm chủ công nghệ, hạn chế chi phí bản quyền, giúp chủ động hơn về năng lực, đồng thời giúp hệ thống ứng dụng an toàn hơn”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đánh giá cao ưu điểm của Flex Digital.

Có thể nói, đa dạng sản phẩm, giải pháp “Make in Vietnam” đang góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền số, chính phủ số, giúp tối ưu hoạt động điều hành của các cơ quan nhà nước, đem lại nhiều lợi ích hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Bảo Anh

Tin mới