Trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca khúc Ướt mi có vị trí thật đặc biệt. Nhiều người khẳng định, đây là sáng tác đầu tay của vị nhạc sĩ tài hoa. Bài hát ra đời từ mối tình đơn phương mà ông dành cho Thanh Thúy - ca sĩ nổi tiếng bậc nhất tại Sài Gòn trước năm 1975.
Ca sĩ Thanh Thúy và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Người yêu trong mộng của cả thế hệ
Thanh Thúy tên thật là Nguyễn Thị Thanh Thúy, sinh ngày 2/12/1943 tại Huế, trong một gia đình có 5 con. Do người mẹ mắc bệnh nan y nên cả nhà Thanh Thúy vào sống ở Sài Gòn để tìm cách chữa trị.
Thanh Thúy lần đầu xuất hiện trên sân khấu phòng trà vào năm 16 tuổi. Giọng hát liêu trai của cô ngay lập tức chinh phục khán giả.
Những năm đầu của thập niên 1960, tên tuổi của Thanh Thúy lẫy lừng không chỉ ở các sân khấu phòng trà mà cả trên sóng phát thanh, đĩa nhạc, băng nhạc. Nữ ca sĩ thường xuất hiện trên sân khấu với tà áo dài thướt tha, mái tóc buông dài sau vai, đôi mắt sầu buồn và cất giọng hát mê hoặc người nghe.
Nữ ca sĩ Thanh Thúy.
Giai nhân này từng được giới văn nghệ sĩ lúc bấy giờ hết lời ca ngợi. Giọng ca của Thanh Thúy được nhà văn Mai Thảo gọi là "Tiếng hát lúc 0 giờ", giáo sư triết học Nguyễn Văn Trung gọi là "tiếng hát liêu trai", còn nhạc sĩ Tuấn Huy dùng mấy chữ "tiếng sầu ru khuya" để miêu tả.
Nhà văn Hồ Trường An từng dành cho Thanh Thúy sự trân trọng tuyệt đối: "Ở chót vót đỉnh danh vọng mà Thanh Thúy không hề nói một lời kiêu căng hay một lời làm thương tổn tha nhân, không hề bôi bẩn kẻ vắng mặt, không khoe khoang thành tích của mình khi tiếp xúc với báo chí".
Nhà thơ Nguyên Sa viết: "Thanh Thúy là nữ ca sĩ được ngợi ca nhiều nhất trong văn, trong thơ. Cô chính là người yêu trong mộng của cả một thế hệ".
Nhiều nhạc sĩ, thi sĩ sáng tác thơ và ca khúc để dành tặng riêng cho Thanh Thúy. Tôn Thất Lập viết Tiếng hát về khuya, Anh Bằng sáng tác Tiếng ca u hoài, Y Vân viết Thúy đã đi rồi. Rất nhiều sáng tác của Trúc Phương lấy cảm hứng từ tình cảm của ông dành cho Thanh Thúy.
Mối tình thầm lặng của Trịnh Công Sơn
Trịnh Công Sơn biết tới Thanh Thúy trong thời gian đang theo học tại Sài Gòn. Sau này, ông từng kể lại: "Đêm nào tôi cũng lò dò đến các phòng trà để nghe Thanh Thúy hát. Dần dần hình bóng Thanh Thúy đã ăn sâu vào trong tôi lúc nào không biết. Nói yêu Thanh Thúy thì cũng chưa hẳn bởi tôi mặc cảm nghèo và vô danh, trong khi Thanh Thúy là một ca sĩ đang lên, kẻ đón người đưa tấp nập. Biết vậy, nhưng tôi không thể không đêm nào thiếu hình ảnh và tiếng hát của nàng....".
Một lần khi đi nghe Thanh Thúy hát, Trịnh Công Sơn viết một mảnh giấy nhỏ, đề nghị nữ ca sĩ hát bài Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong. Thời điểm đó, bệnh của mẹ Thanh Thúy chuyển sang giai đoạn rất nặng. Nỗi niềm riêng đó khiến nữ ca sĩ không kiềm chế được cảm xúc, vừa hát vừa khóc.
Cuốn Trịnh Công Sơn của NXB Trẻ (xuất bản năm 2003) đã ghi lại lời kể của nhạc sĩ khi nghe Thanh Thúy hát lúc đó: "Phải có một nỗi tuyệt vọng nào đó khởi đầu để tôi không ngừng dan díu với những giọt nước mắt của đời làm của cải riêng tư. Eva ăn trái cấm và sự sống thành hình. Tôi e cũng đã từng nuốt những giọt nước mắt để biết tận tình nói về những giọt nước mắt kia".
Sau buổi tối đó, Trịnh Công Sơn sáng tác ca khúc Ướt mi dành tặng Thanh Thúy. Mỗi lần đi nghe nàng hát, ông đều mang bản chép tay đi. Tuy nhiên, vì nhút nhát mà ông không dám tặng nữ ca sĩ. Phải rất lâu sau đó, nhạc sĩ mới đánh bạo tặng nàng bài hát.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng chia sẻ, lúc đó ông chỉ dám nói nhỏ mấy lời, còn Thanh Thúy thoảng nhìn ông một chút rồi quay vào hậu trường. Chỉ có thế mà đã khiến vị nhạc sĩ mất ngủ cả đêm.
Hai tuần sau, khi Trịnh Công Sơn đi nghe Thanh Thúy hát, ông bất ngờ khi nàng trình diễn ca khúc Ướt mi của mình. Sau đêm diễn, Trịnh Công Sơn gặp gỡ trò chuyện với giọng ca ông yêu. Cuộc gặp tạo cho ông nguồn cảm hứng để viết thêm ca khúc Thương một người.
Video: Thanh Thúy hát "Ướt mi" của Trịnh Công Sơn
Khi đang ở giai đoạn đỉnh cao của danh vọng, Thanh Thúy lập gia đình. Sau đó, bà cùng chồng sang Mỹ định cư. Hiện tại, nữ ca sĩ có cuộc sống bình yên bên chồng con cùng các cháu nội, cháu ngoại.