Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giải mã đầu đạn hạt nhân Triều Tiên khiến Mỹ và đồng minh lo sợ

(VTC News) -

7 năm sau thời điểm công bố mẫu đầu đạn hạt nhân đầu tiên, Triều Tiên giờ đây có thể thu nhỏ và tích hợp vũ khí này lên mọi tên lửa đạn đạo tấn công.

Ngày 28/3, Triều Tiên bất ngờ công bố về mẫu đầu đạn hạt nhân chiến thuật mới do nước này phát triển với kích thước nhỏ hơn nhiều so với các thiết kế trước đây. Các chuyên gia quân sự đều nhận định đây là bước tiến đáng kể đối với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, bởi giờ đây Triều Tiên hoàn toàn có thể thực hiện mục tiêu răn đe hạt nhân thông qua nhiều hệ thống vũ khí khác.

Nhỏ nhưng đủ mạnh

Theo hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA), mẫu đầu đạn hạt nhân mới có tên Hwasan-31 được lần đầu tiên giới thiệu trong chuyến thăm của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đến Viện Vũ khí Hạt nhân.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng được các quan chức Viện Vũ khí Hạt nhân giới thiệu về các loại vũ khí có thể mang theo Hwasan-31, trong đó bao gồm tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, đạn rocket cho đến phương tiện tấn công không người lái dưới nước.

Trong chuyến thị sát, lãnh đạo Kim Jong-un cũng nghe báo cáo về hệ thống quản lý vũ khí hạt nhân Haekbangashoe. Truyền thông Triều Tiên nói rằng tính chính xác, độ tin cậy và an ninh của hệ thống này đã được thẩm định trong các cuộc diễn tập gần đây.

Theo NKnews, dựa trên những hình ảnh được KCNA đăng tải, đầu đạn hạt nhân Hwasan-31 bước đầu có thể đã được tích hợp cho tên lửa hành trình Hwasal-2, hệ thống pháo phản lực hạng nặng 600 mm KN-25 và tên lửa đạn đạo chiến thuật KN-23.

Kune Y. Suh, chuyên gia kỹ thuật hạt nhân tại Đại học Quốc gia Seoul, so sánh Hwasan-31 với mẫu đầu đạn hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên từng công bố năm 2016, cho rằng nó nhỏ hơn nhưng uy lực lớn hơn.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) trong chuyến thăm đến Viện Vũ khí Hạt nhân ngày 28/3. (Ảnh: KCNA)

Các chuyên gia đánh giá những hình ảnh này có thể cho thấy Triều Tiên đạt tiến bộ trong việc thu nhỏ đầu đạn để gắn vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hay bất cứ hệ thống tên lửa nào mà nước này muốn.

Còn theo ông Yang Uk, chuyên gia tên lửa tại Viện Asan nhận định, Chủ tịch Triều Tiên Kim dường như đang gửi một thông điệp tới Mỹ và Hàn Quốc rằng Bình Nhưỡng đã có thể sản xuất hàng loạt đầu đạn hạt nhân chiến thuật cỡ nhỏ. Bản thân Hwasan-31 có thể được tích hợp lên ít nhất 8 loại tên lửa.

Theo tuyên bố của KCNA, các hệ thống tên lửa tấn công chiến thuật được Triều Tiên phát triển trong những năm gần đây đều có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, báo cáo của Triều Tiên không công khai hoặc mô tả các thông số kỹ thuật bên trong đầu đạn, nên chưa thể xác nhận sức mạnh thật sự của loại vũ khí này.

Ông Yang nhận định, các đầu đạn hạt nhân mới của Triều Tiên có vẻ đủ nhỏ để tích hợp vào các hệ thống tên lửa tầm ngắn nhưng “sức mạnh hủy diệt” của chúng cần phải được kiểm chứng. Điều này chỉ có thể thực hiện được thông quan một vụ thử hạt nhân, trong khi đó Triều Tiên đã dừng các hoạt động thử nghiệm hạt nhân từ tháng 9/2017.

Tại một cuộc họp báo hôm thứ Ba, người phát ngôn của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) Lee Seong-joon cho biết, các đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên khi nào hoàn tất thử nghiệm thực tế thì mới được xem là thành công, cho đến nay Bình Nhưỡng vẫn chưa làm được điều này.

Năng lực hạt nhân của Triều Tiên

Báo cáo "Đánh giá mối đe dọa năm 2023" của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ vào tháng 3 cho biết, Triều Tiên có thể đang chuẩn bị thử nghiệm thiết bị hạt nhân để thúc đẩy mục tiêu hiện đại hóa quân đội của nước này. Động thái này được xem là phù hợp nếu Bình Nhưỡng xác định sức mạnh các mẫu đầu đạn mới trong điều kiện thực tế.

“Nhà lãnh đạo Kim Jong-un coi vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo (ICBM) là yếu tố đảm bảo cho sự tồn tại của Triều Tiên và không có ý định từ bỏ các chương trình đó. Ông tin rằng theo thời gian, quốc tế sẽ chấp nhận Triều Tiên với tư cách là một cường quốc hạt nhân”, nội dung báo cáo nêu.

Trước đó, truyền thông nhà nước Triều Tiên cũng tuyên bố nước này đang đẩy mạnh chế tạo vũ khí hạt nhân chiến thuật theo yêu cầu của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Đầu đạn hạt nhân Hwasan-31 bước đầu có thể đã được tích hợp cho tên lửa hành trình Hwasal-2, hệ thống pháo phản lực hạng nặng 600 mm KN-25 và tên lửa đạn đạo chiến thuật KN-23. (Ảnh: NKnews)

Năm 2003, Bình Nhưỡng rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Triều Tiên đã thử hạt nhân 6 lần, trong đó vụ thử gần nhất được thực hiện vào tháng 9/2017 có sức công phá khoảng 100 kiloton, gấp khoảng 5 lần so với quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Nagasaki của Nhật Bản năm 1945.

Năm 2017 cũng đánh dấu một bước tiến khác của chương trình hạt nhân Triều Tiên khi nước này công khai nguyên mẫu đầu đạn hạt nhân có thể tích hợp cho các tên lửa đạn đạo tầm xa.

Năm 2018, Triều Tiên vô hiệu hóa bãi thử Punggye-ri để thể hiện thiện chí sẵn sàng phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên hai hội nghị thượng đỉnh năm 2018 và 2019 giữa Chủ tịch Kim Jong-un và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không đạt được thỏa thuận nào.

Trong một báo cáo vào tháng 7/2020, Lầu Năm Góc nhận định Triều Tiên đang sở hữu khoảng 20-60 vũ khí hạt nhân và có thể sản xuất thêm 6 đơn vị mới mỗi năm.

Vào tháng 5/2021, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đại tướng Mark Milley trong một báo cáo Bình Nhưỡng sở hữu năng lực hạt nhân "đủ sức gây ra mối đe dọa thực sự cho lục địa Mỹ cũng như đồng minh và đối tác của chúng tôi trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Tuy nhiên, Triều Tiên không sở hữu lực lượng không quân tác chiến tầm xa nên lực lượng răn đe hạt nhân của nước này phụ thuộc hoàn toàn vào các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) nếu muốn tấn công vào lãnh thổ Mỹ.

ICBM được thiết kế để bay vào khí quyển của Trái Đất, sau đó hồi quyển và lao xuống mục tiêu với tốc độ hơn 24.000 km/h. Tên lửa có tầm bắn tối thiểu khoảng 5.500 km có thể mang một hoặc nhiều đầu đạn hạt nhân.

Ở thời điểm hiện tại Triều Tiên đã gần như đạt được các mục tiêu kỹ thuật về việc thực hiện một cuộc tấn công răn đe hạt nhân chiến lược với các tên lửa Hwasong-15 có tầm bắn hơn 13.000 km và Hwasong-17 với tầm bắn hơn 15.000 km đủ sức bao trùm toàn bộ lãnh thổ Mỹ.

Trong khi đó việc thu nhỏ các đầu đạn hạt nhân giúp Triều Tiên có thể thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật vào các mục tiêu của Mỹ và đồng minh thông qua các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm ngắm.

Theo NKnews, dù đầu đạn Hwasan-31 chưa được thử nghiệm trên thực tế nhưng các cuộc tập trận hạt nhân của Triều Tiên gần đây đã chứng minh nó có thể hoạt động. Đây được xem là cách Bình Nhưỡng đáp lại mọi tuyên bố đầu đạn hạt nhân của nước này chỉ là “hàng trưng bày”.

Tên lửa đạn đạo chiến thuật KN-23 trong cuộc thử nghiệm ngày 27/3, đầu đạn của tên lửa này đã được kích hoạt động trên không ngay trên một hòn đảo “mục tiêu" ở độ cao 500 m. (Ảnh: KCNA)

Tập trận với đầu đạn hạt nhân

Theo tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên trong một bài đăng vào ngày 28/3, trong cuộc tập trận với tên lửa đạn đạo chiến thuật KN-23 – đầu đạn của tên lửa này đã được kích hoạt động trên không ngay trên một hòn đảo “mục tiêu” trong diễn tập ngày 27/3.

Các chuyên gia của NKnews cho biết đây thường là cách các cường quốc hạt nhân thử nghiệm và triển khai đầu đạn hạt nhân chiến thuật lẫn chiến lược. Trong trường hợp của Triều Tiên, đầu đạn KN-23 mang theo được kích nổ ở độ cao 500 m.

Trước đó, ngày 22/3, Triều Tiên cũng tiến hành phóng tên lửa hành trình "được gắn đầu đạn thử nghiệm mô phỏng đầu đạn hạt nhân", KCNA đưa tin. Hai tên lửa tham gia thử nghiệm gồm  Hwasal-1 và Hwasal-2 được phóng từ tỉnh Nam Hamgyong đánh trúng mục tiêu giả định ở ngoài khơi tỉnh này.

Trong cuộc diễn tập vào ngày 23/3, Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm một mẫu phương tiện tấn công không người lái dưới nước có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân ngoài khơi bờ biển huyện Riwon, tỉnh Nam Hamgyong. Hệ thống vũ khí này sau đó đã đánh trúng mục tiêu giả ngoài khơi vịnh Hongwon sau hành trình kéo dài gần 1 giờ ở độ sâu 80 m.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên kết luận các cuộc tập trận trên một lần cho thấy khả năng chiến đấu của lực lượng răn đe hạt nhân nước này.

Tuy nhiên, quân đội Hàn Quốc trong một tuyên bố ngày 27/3 lại cho rằng Triều Tiên đang cố gắng thổi phồng các cuộc tập trận hạt nhân, đồng thời khẳng định các mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân chiến thuật của Bình Nhưỡng chưa thực sự rõ ràng kể cả phương tiện tấn công không người lái dưới nước.

Triều Tiên thử nghiệm bộ đôi tên lửa hành trình  Hwasal-1 và Hwasal-2 ngày 22/3. (Nguồn: AP)

Trà Khánh

Tin mới