Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giải mã chuyện người đàn ông là cha đẻ nhưng không phải bố ruột

(VTC News) -

Người đàn ông ở Hà Giang có một cậu con trai nhưng xét nghiệm ADN lại cho thấy anh không phải bố ruột, sự thật đằng sau khiến ai cũng ngỡ ngàng.

Năm 2012, vợ chồng anh Nguyễn Viết Hưng và chị Nguyễn Thị Lam (SN 1982, quê Hà Giang) kết hôn. Cả hai có một cậu con trai sau 5 năm hiếm muộn. Cậu bé sinh ra khỏe mạnh, nhưng kỳ lạ càng lớn lại càng không có nét giống bố.

Anh Hưng lấy mẫu tóc của mình và con xuống Hà Nội xét nghiệm ADN. Kết quả xác nhận hai người không có quan hệ bố  - con. Mang tờ xét nghiệm về, anh tra khảo vợ ngày đêm, mặc cho chị Lam khóc lóc, thề thốt chung thủy. Không khí trong gia đình nặng nề, căng thẳng bởi những lời đay nghiến của chồng.

Vợ kiên quyết nói không phản bội, nhớ lại thời gian hai người bên nhau vợ cũng không có biểu hiện lạ, anh Hưng một lần nữa đi xét nghiệm ADN. Lần này, anh mang tới trung tâm nghiên cứu ADN khác với mẫu tóc, tế bào niêm mạc miệng của mình, vợ và con trai.

Xét nghiệm ADN là phương pháp phân tích dùng để xác định các yếu tố về gene. (Ảnh minh hoạ)

Kết quả, hai mẹ con có quan hệ huyết thống, còn mẫu của người bố thì không thể phân tích. Mẫu của anh Hưng cho ra kết quả khác nhau, thậm chí cùng mẫu tóc mà kết quả không giống nhau trong mỗi lần xét nghiệm.

Các giám định viên tiếp tục nghiên cứu tài liệu, trao đổi, thảo luận để tìm phương án. Họ yêu cầu gia đình cung cấp mẫu lại lần nữa. Lần này mẫu của người bố là máu và tinh trùng. Mẫu được đưa tới hai trung tâm nghiên cứu di truyền khác nhau để xét nghiệm độc lập và so sánh, từ đó đưa ra kết luận chắc chắn.

Đại tá Hà Quốc Khanh, nguyên Viện phó Viện Khoa học hình sự, hiện là cố vấn chuyên môn tại một công ty xét nghiệm di truyền chia sẻ: “Trước khi xét nghiệm, chúng tôi nghi ngờ anh Hưng có thể là sản phẩm của hiện tượng Chimerism (tên gọi khác chimera). Chimerism xảy ra khi hai trứng thụ tinh (tức hai phôi), có cấu trúc di truyền khác nhau, do ngẫu nhiên hai phôi này kết hợp làm một trong thời kỳ đầu thai kỳ.

Hoặc đây là sự kết hợp của một trứng với một tế bào thoái hóa trong quá trình phân chia. Sau khi có kết quả, chúng tôi thêm cơ sở để khẳng định trường hợp trên đúng là Chimerism”.

Như vậy trong quá trình mang thai, mẹ của anh Hưng có thể có hai phôi thai cùng lúc. Theo quy luật bình thường bà sẽ sinh ra hai người con, cấu trúc di truyền khác nhau. Tuy nhiên do ngẫu nhiên, hai hợp tử này lại kết hợp làm một trong giai đoạn đầu thai kỳ. Anh Hưng được sinh ra có hai cấu trúc di truyền khác nhau (tức là 2 bộ gene khác nhau) trên cùng một cơ thể.

Khi anh Hưng có con, người con không hưởng gene của anh. Đó là lý do khi lấy các mẫu xét nghiệm ở các mô khác nhau trên cơ thể anh và con trai lại cho ra kết quả khác, dù anh và con được xác định có quan hệ huyết thống theo dòng nội (tức là có gene cùng họ).

Hiện tượng Chimerism ở người ít gặp, nó chỉ được phát hiện ngẫu nhiên trong một tình huống. Để xác định được Chimerism rất khó khăn. 

Trên thế giới, Chimerism từng được các nhà khoa học công bố. Bà Karen Keegan, 52 tuổi, ở Boston, Mỹ cũng phát hiện Chimerism trong một lần xét nghiệm bà và ba người con xem ai có thể hiến thận cho bà để ghép. Kết quả, hai trong ba người con không phải con đẻ của bà. Sau hàng loạt xét nghiệm, các giám định kết luận bà gặp hiện tượng Chimerism.

Một trường hợp khác là chị Lydia Fairchild, 26 tuổi, ở Washington, Mỹ viết đơn xin trợ cấp hàng tháng cho các con nhưng không được chấp nhận. Lý do, xét nghiệm ADN nêu rõ những đứa trẻ không phải của cô. Mọi việc chỉ sáng tỏ sau khi Lydia được xác định là trường hợp Chimerism.

NHƯ LOAN

Tin mới