Sông Đăk Bla tuy rất nhỏ và ngắn, lưu vực chỉ nằm gọn trong địa phận tỉnh Kon Tum, nhưng lượng phù sa do dòng sông bồi đắp qua hàng ngàn năm đã hình thành nên thung lũng Kon Tum, biến trung tâm thành phốn này thành vùng đất cát trắng độc nhất giữa miền Tây Nguyên đất đỏ bazan.
Sự tích dòng sông chảy ngược
Theo nhà văn Tạ Văn Sỹ, người đã bỏ nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm về địa lý, văn hóa Tây Nguyên, đặc biệt là tỉnh Kon Tum, xa xưa dòng Đắk Bla cũng chảy theo hướng tây – đông rồi đổ ra biển như bao dòng sông khác.
Những người đầu tiên đến bên dòng Đăk Bla dựng buôn, lập làng, là người J’rai và Bahnar. Người J’rai lập làng bên hữu ngạn, phía thượng lưu. Người Bahnar lập làng bên tả ngạn hạ lưu. Tuy khác bộ tộc nhưng 2 buôn làng vẫn sống chan hòa, yêu thương nhau giữa núi rừng hùng vĩ.
Nhưng rồi một ngày, chiến tranh nổ ra khắp vùng Tây Nguyên, các buôn làng, bộ tộc không còn sống chan hòa với nhau nữa. Làng này đến đánh làng kia rồi cướp bóc tài sản, giết hại người làng. Hai ngôi làng người J’rai và Bahnar cũng trở nên thù địch, đánh nhau thường xuyên.
Oái oăm thay, một chàng trai người J’rai lại đem lòng yêu thương cô gái người Bahnar ở phía bên kia sông. Họ yêu nhau say đắm dù biết là cuộc tình này chắc chắn không được buôn làng chấp nhận.
Tuyệt vọng, họ hẹn nhau một đêm sáng trăng sẽ ra sông Đăk Bla tự sát để được chết bên nhau, qua đó hóa giải thù hận giữa hai buôn làng.
Đúng ngày, đôi trai gái tự đâm vào cổ rồi lao xuống dòng nước đang cuồn cuộn chảy. Dòng máu chàng trai xuôi theo dòng nước về phía hạ nguồn để tìm đến nơi cô gái ở. Còn dòng máu cô gái lại ngược dòng tìm về phía ngôi làng mà chàng trai sinh sống. Đến giữa sông thì cả 2 dòng máu gặp nhau, rồi như tuân theo luật tục mẫu hệ của người đồng bào dân tộc ở đây, máu chàng trai quyện vào dòng máu cô gái rồi chảy ngược dòng về phía thượng nguồn.
Máu của 2 người hòa vào làn nước vốn trong xanh của sông Đăk Bla làm đỏ cả dòng sông, kéo luôn dòng nước trôi ngược về hướng tây. Không chỉ vậy, dòng sông cũng uốn khúc, quanh co chứ không còn thẳng tắp như sự minh chứng cho chuyện tình đau đớn, trắc trở.
Sáng hôm sau, khi người của cả hai làng ra sông lấy nước thì vô cùng sửng sốt khi thấy con sông thân thuộc bỗng đỏ ngầu, lại chảy ngược hướng trước kia. Họ vội chạy về báo cho những người trong làng biết. Đến lúc biết sự thật, hai làng đều hối hận vì sự thù hận đã khiến cho đôi uyên ương phải chết tức tưởi.
Cảm động trước tình yêu này, hai làng quyết định gạt bỏ quá khứ, kết nghĩa anh em, sống lại những ngày tháng chan hòa, yên lành. Nhưng dòng sông từ đấy cũng không đổi dòng được nữa, cứ chảy ngược về hướng tây và mang theo màu đỏ quanh năm đến tận bây giờ.
Lý giải hiện tượng ngược dòng của sông Đăk Bla
“Thật ra, đồng bào dân tộc luôn có những truyền thuyết về cảnh quan, sự việc xung quanh họ. Mỗi truyền thuyết đều thể hiện tính nhân văn, như lời chỉ dạy đạo lý cho đời sau. Câu chuyện về sông Đăk Bla cũng không ngoại lệ. Thật ra, nó chảy ngược và mang màu đỏ quanh năm cũng không có gì lạ nếu ta lý giải dưới con mắt địa lý”, ông Tạ Văn Sỹ, hội viên Hội nhà văn Việt Nam, người được mệnh danh từ điển sống của Kon Tum cho biết.
Sông Đăk Bla có chiều dài 157km, vốn chỉ “hoạt động” chủ yếu trong địa phận tỉnh Kon Tum, từ lúc hình thành cho đến khi nhập vào sông khác. Trong khi địa hình của tỉnh Kon Tum lại nằm ở mé tây của dãy núi Trường Sơn hùng vĩ. Chính vì vậy, dòng sông Đăk Bla cứ thế ngược với quy luật tự nhiên, men theo những đồi núi quanh co của dãy Trường Sơn đổ về hướng tây để tạo thành một dòng sông chảy ngược độc nhất vô nhị.
Dòng sông đặc biệt này vốn là hợp lưu của ba con sông nhỏ Đăk Akoi, Đăk Nghe và Đăk Pone. Ba con sông này bắt nguồn từ phía bắc Huyện Đăk Hà và Kon Plông, chảy theo đổ về hướng đông như bao con sông khác tại Việt Nam.
Tuy nhiên, khi gặp nhau tại huyện Kon Rẫy, dòng sông bất ngờ bẻ hướng bắc - nam rồi chảy vào thung lũng, uốn khúc bao quanh ba mặt phía đông, nam và tây TP. Kon Tum. Khi chảy về đến TP. Kon Tum, một lần nữa sông Đăk Bla đột ngột đổi hướng đông – tây. Bắt đầu từ đây, dòng sông cứ thế ngược về tây trước khi gặp sông Krông Pô Cô ở huyện Sa Thầy, nhập làm một thành sông Sê San, chảy qua đập thủy điện Yali rồi sang lãnh thổ Campuchia để hòa vào dòng Mê Kông đổ ra biển Đông.
“Màu đỏ của sông Đăk Bla là do phù sa tạo nên. Đất Tây Nguyên vốn là đất đỏ bazan nên khi tạo nên phù sa cũng có màu đỏ đậm đà hơn”, ông Sỹ cho biết thêm.
Dòng Đăk Bla là biểu tượng của người Kon Tum bao đời nay, ăn sâu vào tiềm thức mỗi người Kon Tum xa quê. Nhưng dường như nó đang đứng trước thách thức lớn lao khi các công trình thủy điện trên sông đang được xây dựng. Khi hoàn thành con đập thủy điện sẽ làm đổi dòng nước, chảy hướng về sông Trà Khúc (Quảng Ngãi). Lúc đó, sông Đăk Bla ngược dòng chỉ còn lại là một huyền thoại cho đời sau.
Video: Kỳ bí khu "rừng ma" và tập tục thiên táng kỳ dị ở Tây Nguyên