Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giải bài toán 'cơn khát' nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý tài sản

(VTC News) -

Theo TS. Văn Thiên Hào, để giải bài toán về nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý tài sản các cơ sở đào tạo cần xây dựng các chương trình đào tạo linh hoạt.

Thời gian qua, sự gia tăng về thu nhập của tầng lớp dân cư trên nhiều quốc gia đã hình thành nên tầng lớp người giàu tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của ngành dịch vụ quản lý tài sản, trong đó có Việt Nam. Nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán nhanh chóng nắm bắt xu hướng này và đưa ra các gói giải pháp phù hợp được thiết kế riêng cho nhóm khách hàng này.

Việt Nam được xem là quốc gia với tốc độ tăng trưởng người giàu nhanh nhất thế giới (31%). Theo dự báo của Knight Frank - Việt Nam dự kiến sẽ có 511 người có tài sản trên 30 triệu USD và 25.812 sở hữu tài sản hơn 1 triệu USD trong năm 2025.

Giải bài toán cơn khát nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý tài sản.

Đồng thời, Việt Nam cũng là khu vực có nhiều người giàu tự thân nhờ sự tăng trưởng của các ngành bán lẻ, công nghệ, bất động sản và tài chính. Điều này tạo ra cơ hội rất lớn cho ngành quản lý tài sản tăng trưởng mạnh trong tương lai.

Báo cáo từ Allied Market Research dự đoán thị trường quản lý tài sản Châu Á - Thái Bình Dương sẽ đạt 811,5 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, thị trường quản lý tài sản tại Việt Nam được dự đoán có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 31,6% giai đoạn 2021-2030, nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam cũng có xu hướng gia tăng rõ rệt. Sự gia tăng về thu nhập cũng là cơ hội để người dân để ý hơn với việc quản lý tài sản của mình nhằm đảm bảo tài sản được duy trì và tăng trưởng.

Tại Việt Nam, các ngân hàng có dịch vụ tư vấn và quản lý tài sản, công ty chứng khoán, fintech... đem đến nhiều giải pháp tài chính. Tuy nhiên, lĩnh vực quản lý tài sản vẫn còn đang non trẻ, chưa thực sự phổ biến, vì vậy nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực này còn nhiều hạn chế cả về “chất” và “lượng”.

Tại Talkshow “Wealth Management - Hành trình trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực tài chính” do Khoa Tài chính – Thương mại, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) tổ chức, chuyên gia tài chính Trần Công Danh chia sẻ, hiện nguồn nhân lực cho ngành quản lý tài sản đang rất thiếu vì chưa có trường đại học nào tại Việt Nam đưa vào chương trình giảng dạy một cách bài bản, trong khi đó nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho ngành này thì ngày một tăng.

"Để đáp ứng nhân lực trong ngành dịch vụ quản lý tài sản thì các ngân hàng, công ty chứng khoán chủ yếu tận dụng nguồn nhân lực sẵn có ở các vị trí khác, đào tạo tại chỗ theo phương thức “người trước chỉ người sau”. Tuy nhiên nếu về lâu về dài thì giải pháp này chưa thực sự hiệu quả và đáp ứng được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ ngành trong thời gian tới", chuyên gia Trần Công Danh nói.

Các chuyên gia, diễn giả tại buổi Talkshow “Wealth Management - Hành trình trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực tài chính” do Khoa Tài chính – Thương mại, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) tổ chức.

Theo TS. Văn Thiên Hào, Trưởng ngành Tài chính quốc tế, trường HUTECH, để giải “bài toán” về nguồn nhân lực trong lĩnh vực này thì các cơ sở đào tạo cần xây dựng chương trình đào tạo linh hoạt, cập nhật các xu hướng mới của nghề nghiệp, trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết, giúp sinh viên tiếp cận, tìm hiểu công việc, nhất là những công việc còn khá mới mẻ tại Việt Nam.

Tại buổi Talkshow các diễn giả cũng đã mang đến cho sinh viên nhiều kiến thức thực tiễn về những kỹ năng cần thiết cho ngành nghề, tâm lý khách hàng, cơ hội việc làm và những yêu cầu khắt khe của ngành dịch vụ tài chính đầy triển vọng trong thời gian tới. Đây là những kiến thức hữu ích dành cho sinh viên ngành Tài chính quốc tế nói riêng và sinh viên khối ngành Tài chính - Ngân hàng nói chung.

Hoàng Thọ

Tin mới