Năm 2015, một nhóm nghiên cứu do kỹ sư hải dương Brennan Phillips dẫn đầu khám phá bất ngờ thú vị trong chuyến thám hiểm tới Kavachi - ngọn núi lửa đang hoạt động ngoài khơi New Guinea. Các nhà nghiên cứu bắt gặp bầy cá mập và cá đầu búa thảnh thơi bơi bên trong miệng núi lửa.
Tuy nhiên, mãi tới gần đây, trong bộ phim tài liệu “Sharkcano" chiếu trên National Geographic, các nhà khoa học mới giải thích lý do vì sao lũ cá mập lại thích "lởn vởn" ở khu vực nguy hiểm này.
Giác quan thứ 6 giúp cá mập đánh hơi được nguy hiểm.
Tiến sĩ Michael Heithaus, nhà sinh thái học biển cho biết những loài động vật săn mồi này có thể sống sót trong miệng núi lửa đang hoạt động là nhờ các cơ quan cảm nhận đặc biệt trên mõm của chúng.
Chính giác quan thứ 6 này giúp chúng phát hiện những thay đổi trong từ trường của Trái đất và bơi đi trước khi bất cứ vụ phun trào nào xảy ra.
"Nó chứng tỏ cá mập có khả năng thích nghi như thế nào”, Giáo sư Heithaus tới từ Khoa Khoa học Sinh học tại Đại học Quốc tế Florida giải thích.
Theo ông Heithaus, những con cá mập sống ở khu vực này dường như đã quen đối phó với các vụ phun trào núi lửa.
“Bạn sẽ nghĩ nó nguy hiểm nhưng các nghiên cứu cho thấy chúng có thể phát hiện các cơn bão và lốc xoáy đang đến gần. Vì vậy chúng có thể phát hiện khi điều gì đó tồi tệ sắp xảy ra và di chuyển khỏi đó", ông này cho hay.
Vị giáo sư Mỹ nói thêm rằng mối liên hệ giữa cá mập và núi lửa là khá rõ ràng mặc dù các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành. Dù vậy, ông Heithaus không rõ vì sao loài cá mập lại bị thu hút đến sống ở những khu vực nguy hiểm như vậy.
"Vẫn chưa rõ tại sao chúng lại ở đó. Nó có thể có liên quan tới sinh sản. Cũng không rõ thứ gì khác đang sống trong đó. Có thể chúng chỉ đánh hơi ra một bữa ăn", ông nói thêm.