Nhiều ý kiến dự đoán, nếu liên bộ Tài chính - Công Thương không chi, không trích quỹ bình ổn thì giá xăng có thể giảm từ 500 - 580 đồng/lít.
Nguyên nhân là giá xăng trong nước sẽ chịu tác động từ diễn biến giá dầu thế giới. Từ đầu tuần đến nay, giá dầu thế giới giảm tới hơn 3% ở hai phiên giao dịch đầu tuần, xuống mức thấp nhất hai tuần. Trong khi đó tại thị trường Singapore, giá xăng thành phẩm bình quân trong kỳ vừa qua cũng giảm nhẹ so với kỳ trước đó.
Giá xăng dầu trong nước ngày mai dự báo giảm trở lại. (Ảnh minh họa: Công Hiếu).
Mô hình dự báo giá xăng dầu của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cũng cho thấy, tại kỳ điều hành ngày 22/8, giá xăng dầu giảm nhẹ 0,4 - 1,5% nếu liên bộ Tài chính - Công Thương không trích lập hay chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cụ thể, giá xăng E5 RON92 có thể giảm 254 đồng về mức 20.626 đồng/lít, còn xăng RON95 có thể giảm 333 đồng về mức 21.517 đồng/lít.
Giá dầu bán lẻ kỳ này cũng được dự báo giảm, trong đó dầu mazut giảm khoảng 1,1% về mức 16.061 đồng/kg, dầu diesel giảm 0,8% về mức 19.083 đồng/lít, dầu hỏa giảm 0,4% về mức 19.501 đồng/lít.
VPI cho rằng liên bộ Tài chính - Công Thương tiếp tục không trích lập hay chi quỹ bình ổn giá xăng dầu trong kỳ này.
Trong kỳ điều hành gần đây nhất ngày 15/8, giá xăng E5 RON92 tăng 167 đồng/lít, không cao hơn 20.882 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 179 đồng/lít, không cao hơn 21.852 đồng/lít.
Giá các loại dầu cũng tăng. Cụ thể, giá dầu diesel tăng 89 đồng/lít, không cao hơn 19.230 đồng/lít. Giá dầu tăng 161 đồng/lít, không cao hơn 19.572 đồng/lít. Giá dầu mazut tăng 217 đồng/kg, không cao hơn 16.245 đồng/kg.
Sự điều chỉnh này đã làm đứt mạch giảm của giá xăng dầu trong nước. Trước đó, giá xăng đã có chuỗi 5 kỳ giảm liên tiếp.